Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chiếc lò sưởi chân thế kỷ 17
Thứ năm: 17:30 ngày 12/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người Hà Lan đặt một bát chứa than nóng vào bên trong lò, đặt chân lên mặt trên bằng gỗ có đục lỗ hoặc phiến đá để sưởi ấm.

Trong tiếng Hà Lan, lò sưởi chân được gọi là "stoof", là một khối hộp có chiều dài và rộng 25,4 cm, chiều cao 18 cm. Gỗ hoặc đá phiến là vật liệu chính làm lò do ít dẫn nhiệt, tránh gây bỏng chân người dùng. Mặt trước lò hở, có cánh cửa nhỏ mở ra đóng vào khi người dùng muốn thay than vào lò. 

Thông thường, khi sưởi ấm chân bằng chiếc lò di động này, người ta ngồi trên ghế, chân đặt lên mặt trên của lò, sức ấm từ lò sưởi tỏa lên bàn chân qua các lỗ thông đục sẵn, hoặc mặt phiến đá. Để tối ưu hiệu quả sử dụng, người ta mặc những bộ trang phục dài để khi ngồi, vải phủ kín chân và lò sưởi, nhờ đó không chỉ hai bàn chân cảm nhận được sức nóng mà hơi ấm còn được dẫn qua váy, áo choàng, hay những chiếc quần ống rộng lên tới phần thân trên của cơ thể.

Một chiếc lò sưởi chân có mặt trên làm bằng phiến đá, không đục lỗ. Ảnh: Wikipedia. 

Chiếc lò có vai trò quan trọng trong việc giữ ấm cơ thể đối với người Hà Lan khi đó. Mỗi khi trời rét, họ lại gắp than từ lò sưởi chính trong nhà, bỏ vào lò sưởi chân rồi ngồi sưởi. Vào chủ nhật, phụ nữ và các bé gái mang theo chiếc lò bên mình để sưởi khi dự lễ cầu nguyện tại nhà thờ địa phương. Tới giờ nghỉ trưa, các giáo dân di chuyển tới nhà kho của nhà thờ (Nhà Sabba-day), vừa ăn trưa, vừa bỏ bát than mới sử dụng và thay bằng than nóng gắp từ lò sưởi của nhà kho, sau đó tiếp tục dự phần còn lại của buổi cầu nguyện mà không lo bị lạnh, cảm cúm.

Nhờ thiết kế nhỏ gọn, người ta mang theo chiếc lò này bên mình trong mỗi lần di chuyển xa bằng xe ngựa, xe trượt tuyết. Khi tàu hỏa ra đời, lò sưởi chân là dịch vụ được phục vụ riêng trên các toa hạng sang. 

Người Hà Lan còn làm những chiếc lò sưởi chân hình lăng trụ bằng đồng với những hình trang trí, chạm khắc công phu, giàu tính thẩm mỹ. Loại này thường được dùng trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi. Jan Havickszoon Steen - họa sĩ người Hà Lan đã ba lần thể hiện hình ảnh chiếc lò sưởi chân trên ba bức họa: Twelfth Night, The Sick Girl, The Doctor's Visit. 

Lò sưởi bằng đồng được trang trí tỉ mỉ cho các cặp đôi mới cưới. Ảnh: Colonial Senfe.

Phạm vi sử dụng của lò sưởi chân ngày càng rộng, đặc biệt ở những vùng như New Amsterdam, Đông Đức và Châu Mỹ, song có nhiều biến thể.

Tại Mỹ, lò sưởi chân có vai trò quan trọng trong thế kỷ 18, với nhiều mẫu mã. Loại thường gặp nhất là lò thiếc, với bốn trụ gỗ vừa nâng phần đáy và đầu lò sưởi, vừa tránh gây bỏng. Ngoài mặt trên có lỗ đục, bốn mặt thiếc cũng có các lỗ hình tròn, ngôi sao, trái tim, kim cương và những hình công phu khác trong nghệ thuật dân gian. Những hình khắc này được coi là điểm thú vị nhất của chiếc lò sưởi, những hình chạm khắc khác nhau quyết định giá mua khác nhau, đồng thời giúp nhiệt tỏa ra nhiều hơn. 

Một số biến thể của lò sưởi chân. Ảnh: Colonial Senfe. 

Giữa thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, sự xuất hiện của chai nước sưởi và hệ thống sưởi trong nhà khiến lò sưởi chân dần ít phổ biến.

Nguồn VNE (Theo Colonial Senfe, Low-tech Magazine)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục