Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chiêm ngưỡng ngôi đình của thợ kim hoàn đất Thăng Long
Thứ hai: 12:48 ngày 16/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau một thời gian dài bị lãng quên, đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc), nơi thờ ông tổ Bách Nghệ - ông tổ sinh ra toàn nghề, đã mở cửa trở lại phục vụ nhân dân vào cuối tháng 3.2011.

Sau một thời gian dài bị lãng quên, đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc), nơi thờ ông tổ Bách Nghệ - ông tổ sinh ra toàn nghề, đã mở cửa trở lại phục vụ nhân dân vào cuối tháng 3.2011.

Đình Kim Ngân được những người làm nghề kim hoàn xây dựng từ thời Hậu Lê, làm nơi thờ ông tổ Bách Nghệ. Đến thời Gia Long, đình được mở rộng khá nhiều. Ngày nay, đình có quy mô khá lớn (575m2) so với các công trình khác nằm trong khu Phố cổ Hà Nội.

Ban đầu, đình là nơi trao đổi, buôn bán bạc nén, đồng thời cũng là nơi hội họp, truyền nghề, thờ cúng. Đến thế kỷ 19, việc đúc bạc được chuyển vào Huế, đình Kim Ngân chỉ còn là nơi đổi tiền cho đến khi người Pháp sang.

Trong thời kỳ chiến tranh, nơi đây được tận dụng để tổ chức dạy chữ quốc ngữ, nghiệp vụ y tá và luyện tập quân sự. Sau năm 1954, nhiều hộ dân đến nương nhờ cửa đình. Mỗi gia đình ở một chỗ nên khu vực thờ cúng bị thu hẹp lại. Ngôi đình ở trong tình trạng hư hại nặng với nhiều phần bị người dân tự ý xây dựng, cơi nới thêm.

Theo đánh giá của các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu lịch sử, đình Kim Ngân là một trong những công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu còn lại của khu phố cổ Hà Nội. Bởi vậy, từ năm 2005, thành phố Hà Nội giao cho quận Hoàn Kiếm và BQL Phố cổ Hà Nội thực hiện việc trùng tu, tôn tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật của thành phố Toulouse (Pháp).

Theo văn bia dựng ở đình Kim Ngân năm 1783, trước đây phố Hàng Bạc thuộc tổng Đông Thọ, tập trung chủ yếu người dân đến từ ba làng nghề Châu Khê, Định Công và Đồng Sâm. 
Một số hình ảnh về đình Kim Ngân sau ngày mở cửa:

Nằm trên phố Hàng Bạc cổ kính và sầm uất, đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, đến thời Gia Long được người dân mua đất mở rộng.

Sau khi trùng tu, đình có diện tích 575m2, một quy mô khá lớn so với các công trình khác nằm trong khu Phố cổ Hà Nội.

Gian thờ được bài trí tôn nghiêm, là nơi thờ Bách nghệ tổ sư Hiên Viên Công Tôn Thần - nhân vật dân gian được cho là đã phát minh ra nhiều nghề như làm nhà, đóng xe, đóng thuyền, may quần áo...

Một góc của đình là nơi trưng bày sản phẩm của các nghệ nhân làng Châu Khê, theo tương truyền là những người đầu tiên đến lập nghiệp tại phố Hàng Bạc.

Châu Khê ngày nay vẫn là một làng nghề kim hoàn nổi tiếng của Hải Dương cũng như toàn miền Bắc.

Chiếc ấm chạm bạc, quai sừng tinh xảo của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Trọng khiến người xem không khỏi trầm trồ thán phục.

Trong đình Kim Ngân vẫn còn lưu giữ nhiều chiếc bia cổ nhất có từ thế kỷ 16.

Những nét chữ khắc trên văn bia vẫn còn rõ nét sau hàng trăm năm, ghi chép lại lịch sử, những lần trùng tu đình.

Sau một thời gian dài bị hủy hoại, đình Kim Ngân đã được trả lại với vị thế vốn có, trở thành điểm đến mới du khách khi thăm phố cổ Hà Nội.

Phố Hàng Bạc ngày nay vẫn là một phố nghề lớn của Hà Nội với nhiều cửa hàng chế tác kim hoàn đang hoạt động.

Việc khôi phục đình Kim Ngân như khơi dậy một thời vàng son của những người thợ kim hoàn Hà thành.

K.D (st)

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục