Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chiến công giải phóng xã Mỏ Công, mở màn chiến dịch giải phóng Tây Ninh năm 1975
Thứ năm: 05:13 ngày 22/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với khí thế dũng mãnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình, chỉ sau vài giờ, lực lượng của ta hoàn toàn làm chủ “ấp chiến lược” Mỏ Công, bao gồm cả khu vực Suối Ông Đình.

35 năm trước, đêm 22 rạng 23.3.1975 lực lượng vũ trang huyện Tân Biên tiến công, giải phóng “ấp chiến lược” Mỏ Công, mở màn chiến dịch giải phóng toàn tỉnh Tây Ninh theo chủ trương của Trung ương Cục và Tỉnh uỷ đề ra: “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Trận đánh Mỏ Công chính là trận cuối cùng giải phóng hoàn toàn huyện Tân Biên. Bởi vì trước đó, từ sau Hiệp định Paris 1973, Trung ương đã có chủ trương xây dựng, củng cố địa bàn huyện Tân Biên trở thành “Thủ đô của cách mạng”, nơi có Trung ương Cục miền Nam, đầu não của cách mạng miền Nam trú đóng. Lúc bấy giờ tất cả các địa phương khác trong huyện Tân Biên, ngoại trừ khu vực Mỏ Công – Suối Ông Đình (xã Trà Vong ngày nay), đều đã là vùng giải phóng.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, địa bàn Mỏ Công, nằm giữa trục liên tỉnh lộ 13 (QL22B ngày nay) từ thị xã Tây Ninh lên tới biên giới Việt Nam Campuchia tại cửa khẩu quốc tế Xa Mát, thực chất đã là “tiền đồn” cuối cùng của vùng tạm chiếm của chế độ nguỵ quyền Sài Gòn. Đi theo đường 13 qua khỏi chợ Mỏ Công là tới “vùng mất an ninh”, “vùng Việt cộng”. Do vậy chúng đã xây dựng đồn bót kiên cố và đổ dồn lên Mỏ Công đủ loại lực lượng quân sự, biệt kích, tình báo… và xây dựng hệ thống kiềm kẹp với đủ cả bộ máy “tề xã” và những cái gọi là “thanh niên tự vệ đoàn”, “đoàn công dân vụ”, “phụ nữ liên đới”… kể cả chúng đưa những tên sĩ quan ác ôn đội lốt nhà tu để lừa mị hòng dụ dỗ người dân Mỏ Công vốn giàu truyền thống yêu nước, tình cảm, tấm lòng luôn hướng về cách mạng. Nhưng nhân dân Mỏ Công không bao giờ chịu khuất phục, bằng chứng điển hình là vụ kẻ địch tra tấn dã man, rồi hành hình hết sức man rợ bằng cách moi gan ông Mười Tân – Trần Phú Mười, Trưởng ban An ninh xã Mỏ Công trước mặt người dân, giữa chợ Mỏ Công vẫn không làm cho người chiến sĩ cách mạng kiên trung này khai báo, chỉ điểm những cơ sở cách mạng trong lòng dân Mỏ Công (theo lời kể của Thiếu tướng Trần Văn Bé, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh). Ông Trần Phú Mười được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam.

Chiến sĩ trẻ LLVT Tân Biên nghe Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Trị ôn lại truyền thống lịch sử 35 năm chiến thắng Mỏ Công.

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của trên về tiến công tự giải phóng địa phương, sau nhiều cuộc họp phân tích, đánh giá tình hình, Huyện uỷ Tân Biên thống nhất nhận định: “Địch đã thật sự hoang mang, cần phải lợi dụng thời cơ tiến công địch, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy, tự lực vùng lên giải phóng địa phương” và hạ quyết tâm đánh đồn Mỏ Công.

Đây là trận đánh có ý nghĩa to lớn mang tính chất quyết định, mở màn trên vị trí cửa ngõ Bắc Tây Ninh, góp phần mở đường, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta thần tốc triển khai lực lượng tiến công địch vào thị xã Tây Ninh. Thực hiện phương án tác chiến, Tân Biên huy động 1 đại đội vũ trang của huyện, 1 tiểu đoàn du kích tập trung (mới thành lập đầu tháng 4.1975), do đồng chí Phạm Việt Ngữ làm chỉ huy trưởng, đồng chí Truyện và đồng chí Ba Dư, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn du kích tập trung làm chỉ huy phó. Để phục vụ chiến đấu, toàn bộ lực lượng y tế của huyện cũng được huy động do đồng chí Bảy Kế phụ trách quân y tiền phương; đội ngũ dân công do hai xã Thạnh Bình và Hoà Hiệp huy động gồm hơn 100 người. Đặc biệt, do trận đánh Mỏ Công có giá trị quyết định thắng lợi cho cả một chiến dịch lớn nên Trung ương Cục đã kịp thời chỉ đạo tăng cường 1 đại đội của Đoàn 180 An ninh vũ trang của Miền tham gia phối hợp đánh địch với quân dân Tân Biên.

Đêm 22 rạng 23.3.1975 lệnh nổ súng được truyền ra, các cánh quân nhanh chóng áp sát, bao vây “ấp chiến lược” Mỏ Công. Ngay từ những phút đầu tiên, trận đánh đã diễn ra hết sức ác liệt. Kẻ địch cùng đường, liều lĩnh ngoan cố chống trả. Tổ bộc phá của lực lượng tăng cường (đơn vị thuộc Đoàn 180) bị thương vong khá nhiều, chỉ còn lại 2 người. Không thể để vỡ kế hoạch tiến công do không mở được đột phá khẩu, một trong hai người còn lại của Tổ bộc phá là đồng chí Phạm Thanh Lượng (sinh năm 1943, quê ở Kiên Giang) quyết địch ôm bộc phá vượt qua chiến hào xung phong đánh mở cửa ở ngay vị trí tập trung hoả lực mạnh nhất của địch. Đây là quyết định táo bạo và cầm chắc hy sinh, nhưng anh Lượng vẫn chấp nhận để đảm bảo chiến thắng và trả thù cho đồng đội. Quả bộc phá lớn nổ vang cách nơi Phạm Thanh Lượng quay ra chỉ hơn 2 mét. Anh đã anh dũng hy sinh, nhưng kết quả hành động anh hùng của anh đã dập tắt hoả lực mạnh của địch, mở đường cho những cánh quân xung kích ào ào tiến lên tiêu diệt quân giặc (theo tài liệu 40 năm truyền thống Trung đoàn 180 - Bộ Tư lệnh cảnh vệ).

Với khí thế dũng mãnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình, chỉ sau vài giờ sau, lực lượng của ta hoàn toàn làm chủ “ấp chiến lược” Mỏ Công, bao gồm cả khu vực Suối Ông Đình.

Ngày 23.3.1975, chấm đen cuối cùng của kẻ thù bán nước trên bản đồ huyện Tân Biên, đã được quân dân huyện này vùng lên xoá sạch. Đó là sự kiện lịch sử sống mãi với thời gian trong lòng đồng bào, đồng chí hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Giải phóng Mỏ Công, Huyện uỷ Tân Biên trực tiếp chỉ đạo nhanh chóng thành lập chính quyền cách mạng, ổn định trật tự, an toàn xã hội và đời sống nhân dân để đồng bào an tâm tiếp tục sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Quân địch không còn hơi sức phản ứng để tái chiếm Mỏ Công. Trước sức tiến công đồng loạt, mạnh mẽ của quân và dân ta ở khắp nơi trong tỉnh Tây Ninh, chúng hoảng sợ co cụm lại, lập vành đai cố thủ chung quanh Thị xã. Chiến trường lớn chuyển về phía Nam, áp sát trung tâm đầu não của kẻ thù ở Tây Ninh. Ngày hôm sau, 24.3.1975 LLVT huyện Tân Biên được lệnh chia làm 2 cánh từ lộ 4 (đường 785) và lộ 13 (QL22B) hành quân tiến về Thị xã, tập kết ở khu vực Giếng Mạch làm nhiệm vụ chốt chặn không cho quân địch bung ra tháo chạy, tiếp cứu lẫn nhau. Sau đó LLVT tiếp tục tham gia phối hợp cùng các đơn vị của tỉnh và các huyện bạn tiến công địch, góp phần giải phóng thị xã Tây Ninh vào ngày 30.4.1975.

LÊ HUY THƯỜNG

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan