Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chiến dịch tiêm chủng 2024: Chung tay vì sức khoẻ trẻ em và cộng đồng
Thứ bảy: 08:13 ngày 24/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hỗ trợ hơn 1 triệu liều vaccine sởi - rubella để ứng phó dịch bệnh”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại hội nghị hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới 2024 với chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khoẻ mạnh” và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào chiều 22.8.2024, với hình thức trực tuyến, kết nối 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, dự hội nghị có ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, các bệnh viện tuyến tỉnh và 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.

Tăng cường tiêm bù, tiêm vét

Phát động hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hơn 40 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm miễn phí cho phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Trẻ được đưa đi tiêm chủng vaccine tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh.

Chương trình tiêm chủng mở rộng toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, thành lập năm 1974, nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine công bằng để bảo vệ, cứu sống trẻ em trên toàn cầu. Năm 1984, chương trình được triển khai tại Việt Nam cho các đối tượng ưu tiên là trẻ em và phụ nữ, góp phần quan trọng chấm dứt bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 

Tại Việt Nam hiện nay có 11 bệnh truyền nhiễm, gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi - viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, Rubella, Rota được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nhờ tiêm chủng vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Ước tính Chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu phòng được 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm”.

Bà đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Chương trình tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng thành công nhất, nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, chính quyền các cấp. Chương trình đã cung cấp vaccine miễn phí và được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tuần lễ tiêm chủng tại Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Y tế tổ chức vào năm 2011 tại Phú Thọ nhằm hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” do Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương phát động và được duy trì từ đó đến nay với sự chủ trì của Bộ Y tế, Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc rà soát tiền sử tiêm chủng, tuyên truyền vận động các gia đình, phụ huynh học sinh đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. 

Lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thời điểm cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là một số bệnh như: sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp”. 

Tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi

Thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đã được WHO và UNICEF hỗ trợ hơn 1 triệu liều vaccine sởi - rubella để ứng phó dịch; cả nước triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1- 10 tuổi, tập trung tại các vùng có nguy cơ cao sau khi có kết quả đánh giá, rà soát nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, chiến dịch tiêm vaccine đợt này sẽ được triển khai tại 18 tỉnh, thành phố, với hơn 100 huyện là những vùng nguy cơ đã được đánh giá. Toàn bộ vaccine trong đợt triển khai lần này được cung cấp miễn phí cho người dân do Tổ chức Y tế Thế giới cung cấp. Đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1-10 tuổi nằm trong vùng có nguy cơ, chưa tiêm đủ mũi vaccine. Ngoài ra, chiến dịch cũng sẽ tiêm bổ sung cho đối tượng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế có nguy cơ lây nhiễm cao khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sởi. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh thực hiện giám sát trường hợp mắc bệnh sởi.

Bà thông tin thêm: “Hiện việc triển khai tiêm vaccine đang ở giai đoạn 1, Bộ Y tế tiếp tục có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố có đánh giá, bổ sung kế hoạch tiêm chủng để đưa vào giai đoạn 2 nhằm tránh bỏ sót các trường hợp cần tiêm chủng, bảo đảm bao phủ vaccine để phòng, chống dịch sởi bùng phát”.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát đối tượng trẻ em ở trường mầm non, tiểu học và tổ chức tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục. UBND các tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng theo kế hoạch; rà soát đối tượng còn sót để đề xuất Bộ Y tế đưa vào đối tượng hỗ trợ. Khi các tỉnh công bố dịch, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, các địa phương chủ động mua vaccine để tiêm chủng, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế mong muốn Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ giúp Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.

Với chủ đề “Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khoẻ mạnh”, các cơ sở y tế sẽ triển khai hoặc lồng ghép thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương bám sát kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục