Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chiến lược 'cây gậy và củ cà rốt' mới của Mỹ đối với Israel
Thứ năm: 22:44 ngày 17/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong những tháng cuối cùng đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang ra tín hiệu mới đối với Israel về việc sử dụng gói viện trợ quân sự của nước này như một chính sách “cây gậy và củ cà rốt” nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc đối đầu căng thẳng của Israel với Iran và các nhóm vũ trang thân với Iran trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong khi cách tiếp cận này có thể gia tăng sự can dự của Washington vào việc ra quyết định của Israel chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vẫn chưa rõ liệu nó có giúp Tổng thống Biden đạt được các mục tiêu hay không, bao gồm ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn và buộc Israel giải quyết tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Dải Gaza.

Theo đài truyền hình CNN, chính quyền Tổng thống Biden ngày 13/10 thông báo họ sẽ cử khoảng 100 binh sĩ đến Israel cùng với hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Đây được đánh giá là một đợt triển khai hiếm hoi diễn ra khi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang cân nhắc một cuộc tấn công đáp trả Iran sau cuộc tấn công ngày 1/10 từ Tehran.

Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Biden cũng gửi cho Israel một lá thư cảnh báo nước này phải hành động trong tháng tới để cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza, nếu không sẽ phải đối mặt với những hạn chế tiềm tàng đối với viện trợ quân sự của Mỹ.

Các quan chức Mỹ cho rằng những động thái mới nhất nhưng dường như đối lập này từ Washington phù hợp với các chính sách lâu đời nhằm đảm bảo khả năng phòng thủ của Israel và ủng hộ việc bảo vệ dân thường trong cuộc chiến kéo dài một năm ở Gaza.

Tuy nhiên, đằng sau đó, các cựu quan chức lẫn quan chức đương nhiệm đều nhận ra rằng các bước đi mang tính đột phá này đang gia tăng sự can dự của Mỹ vào chiến lược của Israel ngay cả khi Tổng thống Biden kết thúc nhiệm kỳ.

Trong suốt thời gian Tổng thống Biden đương nhiệm, Israel thường xuyên tỏ ý không nghe theo lời khuyên của Mỹ và gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Biden vốn phải đối mặt với sức ép từ một số nhà hoạt động tự do trong đảng Dân chủ trong việc sử dụng đòn bẩy để kiềm chế Israel.

Aaron David Miller, một thành viên cấp cao tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói rằng lối tiếp cận cây gậy và củ cà rốt của chính quyền Washington muốn ám chỉ cho Israel biết rằng Mỹ vẫn có tính toán riêng và hành động rõ ràng.

Tuy nhiên, ông cảnh báo Washington khó có thể giảm bớt hỗ trợ quân sự cho Israel nếu xung đột giữa nước này với Iran ngày càng lún sâu.

Trong một tuyên bố ngày 15/10, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói rằng bức thư "không nhằm mục đích đe dọa".

Trong khi đó, Israel đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Một quan chức Israel ở Washington cho biết: “Bức thư đang được các quan chức an ninh Israel xem xét kỹ lưỡng”.

Một ngày sau, Israel thông báo 50 xe tải viện trợ đã được chuyển từ Jordan đến phía Bắc Gaza. Đây rất có thể là kết quả ban đầu do yêu cầu của Mỹ. Thủ tướng Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong ngày 16/10 để thảo luận về việc mở rộng viện trợ nhân đạo cho Gaza, với viện trợ có thể sẽ sớm tăng lên.

Kể từ cuộc tập kích xuyên biên giới vào miền Nam Israel của phong trào Hamas xảy ra cách đây 1 năm, Tổng thống Biden luôn ưu tiên hỗ trợ phòng thủ cho Israel. Nhà lãnh đạo Mỹ từ chối ngừng cung cấp vũ khí cho Israel, ngoại trừ loại bom nặng 2.000 pound, bất chấp sự phản đối kịch liệt của các thành viên đảng Dân chủ khi cuộc chiến của Israel ở Gaza khiến 42.000 người thiệt mạng.

Đến tháng 4 năm nay, chính quyền Tổng thống Biden hối thúc Israel bảo vệ tốt hơn cho dân thường và nhân viên cứu trợ ở Gaza.

Bức thư ngày 13/10 dường như là tối hậu thư rõ ràng nhất của Washington đối với chính phủ  Netanyahu kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu, nêu rõ các bước cụ thể mà Israel phải thực hiện trong vòng 30 ngày, bao gồm việc cho phép tối thiểu 350 xe tải chở viện trợ vào Gaza mỗi ngày.

John Ramming Chappell, cố vấn vận động và pháp lý tại Trung tâm Dân sự trong xung đột, cho biết điều này làm tăng khả năng Washington khiến Israel không đủ điều kiện nhận vũ khí của Mỹ vì những hạn chế của nước này trong việc cung cấp viện trợ. “Đó là một bước nhỏ hướng tới một sự thay đổi rất quan trọng”, chuyên gia John nhận định.

Đề cập đến hệ thống THAAD Mỹ chuyển cho Israel vào đầu tuần này, một số nhà phân tích cho rằng hệ thống này đóng vai trò là “củ cà rốt” để thuyết phục Israel không làm lớn vụ trả đũa.

Trung Đông cũng đang chờ đợi phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công tên lửa hồi đầu tháng này của Tehran. Tổng thống Biden lên tiếng ông phản bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran và bày tỏ lo ngại về một cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng.

“Như các bạn đã biết, bạn không thể gửi một tài sản trị giá hàng tỷ USD mà không có một số điều kiện kèm theo”, Thomas Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay.

Về phần mình, Nhà Trắng không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu việc gửi THAAD tới Israel có phải là một phần trong thỏa thuận để Israel đồng ý không tấn công các địa điểm dầu mỏ hoặc hạt nhân của Iran hay không.

Nguồn Báo Tin tức 

Tin cùng chuyên mục