BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiến lược kinh tế Việt Nam hiện đang đi đúng hướng

Cập nhật ngày: 22/05/2009 - 05:56

Đây là khẳng định của Giáo sư Paul Krugman-người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2008 khi gặp gỡ và trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành tại buổi Tọa đàm “Kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tài chính: Khuyến nghị chiến lược phát triển cho Việt Nam” ngày 22.5, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Giáo sư Paul Krugman.

Tọa đàm “Kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tài chính: Khuyến nghị chiến lược phát triển cho Việt Nam” được tổ chức với mục đích thông qua trao đổi ý kiến với nhà kinh tế xuất sắc hàng đầu thế giới đương đại Giáo sư Paul Kraugman, tranh thủ các ý kiến tư vấn dự đoán triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế thế giới, đặc biệt là những xu thế và mô hình phát triển mới đặt ra cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Giáo sư Paul Kraugman được coi là người đã đưa ra cảnh báo về khủng hoảng sớm nhất và là người khởi xướng cho những tư duy mới về đối phó với khủng hoảng.

Nên tập trung chấn chỉnh hệ thống giáo dục, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng

Trao đổi với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo các bộ, ngành, Giáo sư Paul Kraugman cho rằng, Việt Nam đã thành công với việc tăng trưởng kinh tế đạt mức 8% liên tục trong nhiều năm, theo ông đây là một con số hiếm có trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới. Trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, chiến lược kinh tế của Việt Nam hiện nay đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, Việt Nam không nên quá nôn nóng trong quá trình phục hồi kinh tế mà cần có thời gian, có bước đi thận trọng để giảm thiểu tác động của khủng hoảng.

Theo Giáo sư Paul Kraugman, hiện nay, giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất của nền kinh tế thế giới đã đi qua. Trong giai đoạn này và sắp tới, Việt Nam nên tập trung vào chấn chỉnh hệ thống giáo dục, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và cảnh giác trước nguy cơ của những cuộc khủng hoảng tiếp theo bằng nhiều biện pháp như cải tiến hệ thống tài chính ngân hàng, các chính sách tiền tệ...Việt Nam đang có thuận lợi bởi có nhiều bài học kinh nghiệm của các nước đi trước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Việt Nam không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới. Phó Thủ tướng cho rằng, trong giai đoạn khó khăn, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua việc ban hành những chính sách phù hợp, kịp thời ứng phó với tình hình chính là yếu tố cơ bản giúp vượt qua khỏi khủng hoảng, đồng thời cần thực thi nhiều nhóm chính sách khác nhau. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, nếu chính sách đưa ra không kịp thời để vừa giải quyết được tình hình thực tiễn trước mắt, vừa dự đoán trước được những diễn biến khó khăn tiếp theo thì sẽ khó tạo được ảnh hưởng lâu dài.

“Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, nhất là ý kiến của các nhà kinh tế hàng đầu thế giới và coi đây là một nguồn thông tin tư vấn chính sách bổ ích”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

* Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có buổi tiếp xã giao Giáo sư Paul Kraugman. Phó Thủ tướng hoan nghênh Giáo sư Paul Kraugman đến Việt Nam để chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu giúp Việt Nam đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

* Ngày 21.5, Giáo sư Paul Kraugman đã có buổi đối thoại với hơn 700 doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế tại TP.HCM về "Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng".

Giáo sư Paul Kraugman được coi là “cha đẻ” của thuyết thương mại mới và thuyết địa kinh tế mới. Ông chính là người sớm đưa ra những cảnh báo về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, cũng như khủng hoảng kinh tế - tài chính Châu Á năm 1997. Ông từng là giảng viên tại các trường Đại học Yale, Stanford, LSE, MIT của Mỹ. Từ năm 2000 đến nay, ông là Giáo sư tại Đại học Princeton. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hội đồng khoa học của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Cộng đồng Châu Âu.

(Theo chinhphu.vn)