Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chào ông nhà báo, hôm nay tôi phải chủ động đến để cảm ơn ông đây…
- Mình vẫn gặp nhau hằng ngày, bữa nay sao lại có chuyện ơn nghĩa gì ở đây vậy bạn?
- Ông hổng nhớ lúc mà tôi còn hết sức hoang mang trong cái “ma trận thông tin” trên mạng xã hội, trên in-tơ-nét, ông đã chỉ cho tôi vô mạng Zalo truy cập trang “Phòng chống virus Corona” của Bộ Y tế và các trang chính thống để cập nhật thông tin đó sao?! Từ hơn nửa tháng nay, sau khi đã biết và tiếp cận được với nguồn tin chính thống của Nhà nước mình, tôi mới dần dần “sáng ra”.
- À ra vậy. Nhưng Bàn Dân hỏi thiệt ông nghen, từ khi “biết” và “tiếp cận” đúng chỗ như thế, có nội dung gì, điều gì ông cảm thấy tâm đắc nhất?
- Xin nói ngay, đó là chuyện mới hồi sáng chủ nhật hôm qua, tôi vô trang của nhà đài VTC-Now, xem được một chương trình dài gần một giờ đồng hồ có tên là “Cuộc chiến sinh tử với dịch bệnh Covid-19”, tôi mới “ngộ ra” được nhiều việc.
- Chương trình ấy “dài hơi” như thế, Bàn Dân biết ông “ngộ ra” chỗ nào?! Ông làm ơn vô thẳng chỗ đó đi.
- Đó là đoạn người dẫn chương trình phỏng vấn ông Phó Giáo sư - Tiến sĩ Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội và bà bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhỏ tuổi nhất, mới ba tháng tuổi.
Anh phóng viên nói rằng trong trận dịch khủng khiếp này, còn có một loại “virus khác” nguy hiểm không kém virus Corona, đó là con virus “tin giả, tin xấu” gây hoang mang dư luận, và hỏi ông Giám đốc Bệnh viện đánh giá thế nào về hậu quả của loại “virus khác” ấy trong khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát? Ông Giám đốc trả lời đại ý là, ông nghĩ đây là một ví dụ điển hình nhất trong thời đại 4.0, tức là trong dịch bệnh có các thông tin dù chưa được kiểm chứng nhưng lại đi đúng vào tâm lý của người đọc, người xem nên nó đã được share, được like khủng khiếp.
Và ông ấy cho rằng đây chính là một bài học để những người làm truyền thông có trách nhiệm trong việc dẫn dắt dư luận đi theo những thông tin chính thống, có tính chất khoa học và đặc biệt là có tính chất xây dựng. Theo ông, trong những trường hợp đại dịch xảy ra, người làm truyền thông luôn phải chủ động có những kịch bản. Trường hợp vừa qua ông cho rằng “theo tôi, chúng ta phản ứng hơi chậm khi để những thông tin không đúng đi trước, xa quá, sau đó chúng ta mới chạy theo, sửa chữa bằng những thông tin đính chính, thông tin khẳng định; và như thế thì đã muộn.
Khi có những trường hợp nghiêm trọng xảy ra, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, chúng ta đều phải đi trước, tức là phải có những thông tin chính thống sớm hơn. Đây là vai trò của quản lý nhà nước, phải đi sớm hơn, đi trước một bước… Tức là chúng ta phải chủ động, chứ còn cứ bị động thì cái việc đi đính chính cho những trường hợp tin giả, tin xấu, mất nhiều công sức hơn là chủ động ngay từ đầu”.
Rồi ông dẫn chứng ngay ở bệnh viện ông, có thông báo về một trường hợp tài xế có dấu hiệu “nghi ngờ nhiễm bệnh” khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, ngay sau đó thông tin đã bị lan truyền nhưng lại bị “cắt” mất từ “nghi ngờ” (!). Thế là bệnh viện lập tức chủ động đưa tin đến ngành truyền thông để khẳng định “tin xấu” ấy là không chính xác, bệnh viện chưa hề có bệnh nhân nào nhiễm Covid-19. Vị giám đốc bệnh viện kết luận, thông tin chính thống nếu “đi trước một bước” sẽ lấn át được sự lan truyền của “thông tin xấu, độc”…
Trong chương trình ấy còn nhiều nội dung khác rất hay, rất đáng được xem là bài học trong cuộc chiến đấu sinh tử với dịch bệnh Covid-19 ở nước ta.
-Thế ông “ngộ ra” được điều gì sau khi xem chương trình đặc biệt ấy?
-Tôi xin trả lời ngay là, trong “cuộc chiến sinh tử” này, nói như vị giám đốc bệnh viện ấy là “chúng ta càng minh bạch, công khai càng tốt”, càng minh bạch, công khai thì khả năng chiến thắng “giặc dịch” càng lớn, thế thôi!
BÀN DÂN