Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vào cuối năm 2018, chúng tôi đã có bài phản ánh một vài sai sót của các cuốn lịch sử viết về Tây Ninh do các nhà xuất bản Trung ương xuất bản. Một trong những cuốn này là “Lịch sử Việt Nam phổ thông” do Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.
Tập 8 của bộ sách này là phần lịch sử từ năm 1954 đến 1975. Sai sót là các tác giả đã “quên” viết về Chiến thắng Tua Hai diễn ra ở Tây Ninh ngày 26.1.1960. Chiến thắng này đã từng vang dội trong lịch sử. Nói như Ðại tướng Mai Chí Thọ, là: “Tập kích Tua Hai có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại vượt rất xa tầm vóc và kích cỡ của bản thân nó.
Ðây là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của Nghị quyết 15, của Ðồng Khởi…”. Còn PGS.TS Trịnh Vương Hồng- Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam kết luận tại hội thảo khoa học về Chiến thắng Tua Hai: “Trận đột phá Tua Hai và sức vang dội của nó không giới hạn ở Tây Ninh hay miền Ðông Nam bộ, mà trên thực tế đã kích thích nhân dân các tỉnh đồng bằng Nam bộ vùng dậy đấu tranh, đánh mạnh vào hệ thống chính quyền cơ sở địch…”.
Gò mả Thanh Điền, nơi bộ đội Tư Đẩu phục kích đánh Pháp.
Ðến nay, chúng tôi lại phát hiện ra một lỗi “quên” khác trên một cuốn sách lịch sử mới xuất bản năm 2020. Ðáng tiếc là lỗi quên này cũng nghiêm trọng như ở sách “Lịch sử phổ thông Việt Nam”. Ðấy là cuốn: “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Tây Ninh” (Nxb Chính trị quốc gia Sự thật năm 2020).
Sự kiện lịch sử bị “quên” là: Chiến thắng tại bàu Cá Trê xã Thanh Ðiền vào đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Trận này được đa số sách sử coi là trận chiến thắng đầu tiên đánh Pháp của lực lượng vũ trang còn rất non trẻ Tây Ninh, sau khi Pháp tái chiếm tỉnh Tây Ninh ngày 8.11.1945. Sách “Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2045)”, (Nxb Chính trị quốc gia Sự thật năm 2020) có nhận định: “Với kết quả trận đầu thắng lợi, lực lượng vũ trang Tây Ninh gây được thanh thế, lòng tin cho nhân dân trong tỉnh.
Trận thắng Thanh Ðiền có tác dụng rất lớn, nó chứng minh mặc dù ta ở thế yếu, ít quân, vũ khí thô sơ, nhưng khi biết tạo thời cơ, chủ động đánh địch vẫn diệt được sinh lực địch…” (trang 76).
Với ý nghĩa quan trọng này, di tích Chiến thắng Thanh Ðiền đã được xếp hạng vào mục Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 124/QÐ-CT ngày 29.4.2002 của UBND tỉnh Tây Ninh.
Bài giới thiệu về di tích trong sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”, do Sở VH,TT&DL Tây Ninh xuất bản năm 2014 có một nhận định như sau: “Với trận đánh Pháp ở Thanh Ðiền, quân dân Tây Ninh đã ghi vào lịch sử của mình một mốc son đầu tiên trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp ở Tây Ninh.
Từ trận đánh này, theo chủ trương của Tỉnh uỷ, các lực lượng vũ trang được tổ chức lại, thống nhất dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội, của Quân khu 7, đã lập nhiều chiến khu để bảo vệ Uỷ ban Kháng chiến; xây dựng Chi đội 11 rồi Trung đoàn 311, phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang quân khu lập nhiều chiến công hiển hách…”.
Chiến thắng Thanh Ðiền thời chống Pháp giống như trận Tua Hai sau này thời chống Mỹ, đều là những trận đánh “có tầm vóc và kích cỡ vượt rất xa bản thân nó” (Mai Chí Thọ).
Tiếng vang của chiến thắng đã lan rất xa, làm nức lòng quân dân cách mạng không chỉ riêng ở xã Thanh Ðiền hay tỉnh Tây Ninh. Cũng do vậy mà hầu hết các sách, ký sự mang tính lịch sử ở Tây Ninh đều viết về chiến thắng Thanh Ðiền.
Diễn biến trận đánh, về cơ bản là giống nhau. Chúng ta hãy cùng xem lại những đoạn ghi trong cuốn Lịch sử Ðảng bộ Tây Ninh (1930-1945) ấn hành năm 2010, do Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản:
“Sau khi chiếm thị xã (nay là thành phố Tây Ninh), thực dân Pháp cho hai xe chở sĩ quan và binh lính đến hãng đường Thanh Ðiền khảo sát tình hình. Nhận được tin này, lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức hai cánh quân phục kích trên Tỉnh lộ 7, đoạn giữa Sở cao su Oconell và hãng đường. Cánh quân thứ nhất do đồng chí Lê Bá Mẫn chỉ huy phục kích ở ngã tư đồn; cánh quân thứ hai do đồng chí Trần Văn Ðẩu chỉ huy phục kích tại khu rừng gần bàu Cá Trê.
Giặc Pháp từ hãng đường trở về đến ngay đình Thanh Ðiền, bộ phận quân báo đánh trống báo động cho lực lượng vũ trang biết, giặc Pháp khả nghi chuyển xe có trang bị súng máy lên hàng đầu chạy với tốc độ nhanh qua nơi phục kích của cánh quân thứ nhất, đến điểm phục kích thứ hai, đồng chí Trần Văn Ðẩu bắn nổ lốp xe, và bắn chết tên lái xe, xe địch quay ngang đường, xe sau đụng vào xe trước phải dừng lại.
Cuộc chiến đấu diễn ra chớp nhoáng, đồng chí Trần Văn Ðẩu bắn chết vài tên Pháp và chỉ huy đơn vị xung phong diệt giặc. Ta đốt cháy 2 xe, diệt 7 tên lính Pháp (trong đó có sĩ quan từ chuẩn uý đến đại uý).
Số lính Pháp còn lại tháo chạy về thị xã, thu hai đại liên Macxim, 2 súng Tomson, 1 súng trường Anh, một súng Col 12, 1 súng P38 và 20 thùng đạn súng máy; giặc Pháp từ thị xã đến tiếp viện, nhưng lực lượng vũ trang tỉnh rút an toàn…” (trang 75, 76).
Sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Tây Ninh”.
Ðây là trang viết ngắn gọn nhưng đầy đủ về Chiến thắng Thanh Ðiền. Sách “Ba thế hệ xanh một chặng đường” của Tỉnh đoàn in năm 1998 cũng không có gì khác hơn, ngoài một chi tiết: “Anh Tư Ðẩu phục kích tại cụm rừng Gò Mả, đối diện bàu Cá Trê và cánh đồng Bà Lưu”.
Thế nhưng, muốn mường tượng trận đánh một cách rõ ràng nhất, thì phải tìm đến bản dự thảo “Ba mươi năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của Ðảng bộ xã Thanh Ðiền, dự định xuất bản chào mừng nhân kỷ niệm 10 năm ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam: 30.4.1985.
Ðấy là khi: “Lúa mùa hai bên đường số 7 đã chín vàng, có một số đang cắt, gió bắc đang thổi, trên đường không khí lành lạnh, người chuẩn bị lau chùi súng, sửa soạn dao găm, mã tấu và cung ná.
Ðồng bào rìu, rựa, búa đã nắm chặt trong tay… Khi nghe tiếng trống, đồng bào Thanh Phước, Thanh Ðông ùa ra cột cây ngã xuống cản đường, bộ đội kéo trụ dây thép cho ngã cúp đầu xuống.
Tất cả bộ đội vận động ra nằm phục kích dài trên đồng mả, đầu ngoài có bộ đội anh Hinh, anh Mẫn. Khúc giữa có anh Cò Kiếm, sau cùng là bộ đội anh Tư Ðẩu, lực lượng anh Tư Ðẩu ít súng nhất.
Bộ đội ở đây hầu hết là dân Thanh Ðiền và dân cao su các sở trên Miên kéo về. Nói là bộ đội nhưng kỳ thật là chưa có ai ra trận bao giờ. Với 10 khẩu súng, trong đó đa số là súng 1 lòng, 2 lòng, mút Anh, mút Tây, trường Nhật, 5-7 trái lựu đạn OF, còn hầu hết là mã tấu, dao găm và cung ná…”.
Chỉ có người trong cuộc mới có thể miêu tả rõ ràng và sắc nét đến thế. Thấp thoáng trong bức tranh, hay bản hùng ca nói trên có hình ảnh những “dân ấp dân lân” trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Ðồ Chiểu khi viết về cuộc khởi nghĩa của Trương Ðịnh năm xưa.
Cũng sáng ngời lên những phác thảo ban đầu của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại do Ðảng ta lãnh đạo suốt 30 năm chống Pháp, rồi chống Mỹ. Vậy mà vì sao sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Tây Ninh” lại nỡ quên?
TRẦN VŨ
(còn tiếp)