BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiến thắng núi Bà mùa xuân 1975

Cập nhật ngày: 05/02/2015 - 11:35

Ảnh chụp ngày 7.1.1975 trên núi Bà Đen (ảnh tư liệu của Thanh Nhàn).

Những trang tư liệu lịch sử viết về chiến công giải phóng núi Bà Đen ngày 6.1.1975 quá ít ỏi, nên buộc lòng tôi phải đi tìm các nhân chứng. Người đầu tiên mà tôi gặp được là cựu chiến binh Trần Lê- còn gọi chú Ba Lê. Ông từng là chính trị viên của Liên đội 7 anh hùng, từng bám núi suốt 13 năm từ 1962 đến 1975. Hiện gia đình ông Trần Lê sống ở gần chợ Thạnh Tân, khu vực có tên gọi Khe Đon ngày trước.

Đây cũng là một địa bàn hoạt động quan trọng của Liên đội 7 ngay từ những ngày về núi Bà cắm chốt. Ra khỏi cổng nhà ông Trần Lê đã nhìn thấy ngay những vệt đá núi trắng xoá dưới nắng, do những trận bom pháo địch, kể cả bom napan nhằm tiêu diệt những người lính trinh sát tài ba dũng cảm năm xưa. Chuyện đầu tiên ông kể lại không phải là chuyện thời chiến mà chuyện thời bình. Rằng mới đây thôi có đơn vị khai thác đá đã “tấn công” lên định “xoá sạch” vài di tích hầm hào kháng chiến của Liên đội. May mắn là ông đã kịp thời “kêu cứu” với các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh ngăn chặn lại.

Vậy ra từ trong những ngày ác liệt nhất, người cựu chiến binh Trần Lê đã yêu núi Bà Đen như yêu chính máu thịt mình. Để ông không thể đi đâu khác sống, tiếp tục làm người lính bảo vệ những di tích xưa từng quyện bao xương máu của đồng đội năm nào. Và cũng không chỉ có một mình ông mà còn có Hoàng Thao, nguyên đại uý- cán bộ Liên đội 7 được tăng cường cho Tiểu đoàn Trinh sát 47 của Miền năm xưa- trước ngày tiến công tiêu diệt các căn cứ địch còn trên núi. Cựu chiến binh Hoàng Thao giờ sống bên xã Phan (huyện Dương Minh Châu) phía sườn Đông của núi.

Hỏi ông Ba Lê tại sao quá ít sử liệu về chiến thắng núi Bà mùa xuân 1975, người lính già trầm ngâm, bảo: giải phóng núi xong, đơn vị như cơn lốc cuốn vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Trong số các đơn vị tham gia giải phóng núi Bà, có đơn vị giải thể, nhiều người theo chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam đánh Khmer đỏ giúp nước bạn. Sau đấy lại có đơn vị tiếp tục giải thể nên có ai lo chuyện này đâu! Mãi đến năm 2014, Bộ Tham mưu Quân khu mới tập hợp được tư liệu để viết nên cuốn sách “Lịch sử Tiểu đoàn trinh sát 47 (1964 - 2014)”.

Sách đây! Ông Ba Lê đưa ra cuốn sách bìa cứng sực thơm mùi mực in do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia xuất bản cuối năm 2014. Lật giở nhanh, các trang từ 86 đến 90 nói về chiến công của Tiểu đoàn trinh sát 47 trong tổng tiến công nổi dậy xuân 1975. Dĩ nhiên, trận đánh được miêu tả kỹ lưỡng nhất chính là trận tiến công giải phóng núi Bà. Sách viết: “Tiểu đoàn trinh sát 47 Miền được lệnh của Bộ Tư lệnh Miền quyết tâm tiêu diệt căn cứ địch tại Bà Đen (Tây Ninh), nhằm bịt tai mắt chúng, mở rộng địa bàn kiểm soát hướng tây bắc Sài Gòn, nghi binh đánh lạc hướng nhận định của địch để Chủ lực của ta thực hành chiến dịch đánh chiếm Phước Long…”. Quả nhiên, chỉ 8 ngày sau khi phát súng đầu tiên nổ trong đêm 6.12.1974 tại đỉnh núi Bà Đen, chiến dịch Phước Long đã được khai hoả (đêm 13 rạng ngày 14.12) để đến sáng ngày 6.1.1975, cả Bà Đen- Tây Ninh lẫn Bà Rá- Phước Long và toàn tỉnh này đã về tay quân giải phóng.

Sách không mô tả lực lượng địch chiếm đóng núi Bà năm ấy. Nhưng có một đồng chí của ông Trần Lê đã kịp ghi lại trong dịp trở về thăm núi, viếng mồ các đồng đội đã hy sinh. Người đó là ông Bạch Vân, ông cũng như nhiều người của Liên đội 7 và Tiểu đoàn 47 năm xưa luôn thấy mình mắc nợ với người đã khuất.

Vậy nên, trong bản ghi chép nhan đề “Món nợ chưa trả” viết năm 2004, có một phần viết riêng rất chi tiết về Tiểu đoàn 47 và trận tấn công giải phóng núi Bà: “Căn cứ địch trên đỉnh núi Bà/ Tây Ninh ở cao độ 986 m lúc đó là trung tâm thông tin của Bộ Tổng tham mưu (BTTM) Nguỵ để duy trì chỉ huy và liên lạc với các đơn vị thuộc vùng 3 chiến thuật/ Quân đoàn 3 và một phần vùng 4 chiến thuật/ Quân đoàn 4 gồm 7 cụm thông tin của BTTM, Quân đoàn 3, các sư đoàn 5, 25, 18, 21, lực lượng đặc biệt… có 01 đại đội bảo an đóng giữ. Được bảo vệ bằng một hệ thống nhiều tầng, nhiều lớp gồm: 18 lô cốt, 22 ngọn đèn pha cực sáng, từ 8 đến 12 lớp rào kẽm gai loại “bùng nhùng”, một hàng rào mái nhà và nhiều hầm hào trong tung thâm; có 03 bãi đáp trực thăng (phía bắc, đông và tây căn cứ) và một hồ chứa nước lớn để dự trữ cho lực lượng chiếm đóng. Binh hoả lực địch tại chỗ không nhiều, chủ yếu phòng thủ dựa vào địa hình hiểm trở, trên cao và sự chi viện của phi pháo”.

Sách có ghi rõ: “Tiểu đoàn trinh sát 47 được tăng cường: một trung đội trinh sát kỹ thuật sóng cực ngắn, 01 đại đội đặc công, các phân đội hoả tiễn xách tay, súng máy cao xạ 12,7mm và cụm trinh sát chiến dịch Liên đội 7”.

Cũng cần nói thêm là đến năm 1965 thì ông Trần Lê đã được trên rút về Phòng Quân báo Miền, nên ông không được trực tiếp tham gia trận đánh. Dù vậy diễn biến trận đánh vẫn được Phòng Quân báo Miền nơi ông công tác nắm vững mỗi ngày. Ông kể: lúc đầu dự kiến chiến thuật “mật tập” đánh nhanh ngay trong đêm khai hoả 6.12.1974. Tuy nhiên, một giờ nổ súng với 4 mũi tiến công mà đến tận 4 giờ sáng chỉ có hai mũi vào được căn cứ địch tiêu diệt các mục tiêu đã định.

Lập tức Bộ Chỉ huy mặt trận cho chuyển hướng sang phương án bao vây, cắt viện, bức rút bức hàng. 31 ngày đêm là những cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai bên. Quân đoàn 3 của nguỵ tăng cường tiếp viện gồm lực lượng đặc biệt, biệt kích dù với sự yểm trợ tối đa của không quân và pháo binh.

Địch từ tiểu khu Tây Ninh cũng dốc hết binh lực ra phản kích nhiều đợt như: dùng trực thăng đổ quân xuống căn cứ; bộ binh đánh chiếm dưới chân núi, làm bàn đạp đánh lên; lực lượng biệt kích tinh nhuệ leo trú, luồn lách qua từng hang núi để tăng cường cho căn cứ; không quân, pháo binh đánh phá ác liệt đến mức một số khu vực đá núi trắng xoá như vôi.

Lực lượng ta kiên cường bám trụ, quyết không cho một tên lính tiếp viện nào lọt được vào căn cứ. Có đến 98% lượng hàng hoá, vũ khí tiếp viện bằng cách thả dù bị rơi vào tay quân ta. 17 máy bay địch bị bắn hạ. Địch trong cứ điểm bị thương vong nhiều mà không được cứu chữa, số còn lại đói khát và rách rưới kham khổ đến nỗi phải cưỡng lại lệnh trên bí mật tháo chạy.

“Một giờ sáng ngày 6.1.1975 quân địch bên trong căn cứ không chịu nổi sự vây ép, bị ta đánh tiêu hao nặng cuối cùng phải bỏ căn cứ tháo chạy. Ta phá huỷ 6 đài thu phát sóng của địch, thu hàng trăm vũ khí, tài liệu, máy móc thông tin và đồ dùng quân sự của địch… núi Bà Đen được hoàn toàn giải phóng cùng ngày giải phóng thị xã Phước Long…”. (Sách đã dẫn).

Trận đánh lịch sử này có diễn biến rất giống với những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ 21 năm về trước, rất may mắn là đã được ghi lại trong cuốn sách “Lịch sử Tiểu đoàn 47 trinh sát (1964 - 2014), Nxb Chính Trị Quốc Gia 2014). Nhân chứng sống cùng thời chẳng còn lại được bao người. Một trong số họ chính là phóng viên, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên cán bộ Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Tây Ninh. Cuối 1974, anh được Ban Tuyên huấn tỉnh cử đi cùng tổ Điện ảnh giải phóng lên bám trụ cùng các chiến sĩ giải phóng núi Bà từ ngày đầu đến ngày thắng lợi. Anh hiện còn giữ một vài bức ảnh đã chụp về những ngày ấy trong đó có một tấm chụp cảnh cờ giải phóng tung bay trên đỉnh núi Bà Đen.

TRẦN VŨ