Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chiều con bằng thiết bị điện tử-Hệ luỵ khôn lường
Chủ nhật: 22:33 ngày 13/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cha mẹ nên dành thời gian để chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với con. Con càng gần gũi cha mẹ thì càng ngoan, trưởng thành hơn. Khi con đủ lớn, có nhận thức cũng cần giải thích cho con rõ về vai trò, tác dụng cũng như tác hại của các thiết bị điện tử.

Sáng chủ nhật, tôi đến thăm một người bạn. Ông bạn ngồi nhâm nhi chén trà nóng, cạnh đó là ba đứa cháu cả nội lẫn ngoại, mỗi đứa một chiếc điện thoại đang say sưa với “chương trình” của mình. Ông bạn bảo: “Chào ông đi con!”, chẳng đứa nào nhúc nhích.

Ông nhắc lại lần thứ hai: “Ông đến chơi mà không đứa nào chào ông à?”, tình hình cũng chẳng được cải thiện. Ông bạn than vãn, cháu với chả chắt, suốt ngày hết truyền hình đến điện thoại... mà không cho coi, cho chơi thì chúng phá chẳng ai chịu nổi. Tôi cười, bảo: “Âu đó cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình có con nhỏ hiện nay”.

Cách đây khoảng chục năm, việc sở hữu máy tính, laptop, iPad, điện thoại thông minh... là mơ ước của nhiều người, nay các thiết bị này đã trở nên phổ biến và quá đỗi bình thường. Một gia đình có thể có đến hai, ba cái truyền hình, có laptop, iPad, vài ba cái điện thoại nhiều ứng dụng, nội dung  đa chiều, đa diện, lôi cuốn và hấp dẫn hơn... phục vụ cho nhu cầu của mọi đối tượng, lứa tuổi.

YouTube và các nhà mạng khác luôn xem trẻ em là khán giả tiềm năng nhất. Chính vì thế, các thiết bị công nghệ với những chương trình đa dạng, luôn đổi mới, hấp dẫn con trẻ là phương tiện “hữu hiệu” để dụ, nuông chiều, mặc cả, trao thưởng... cho con cái của không ít phụ huynh. Nhưng có lẽ không nhiều người cảm nhận, thấu hiểu được hệ luỵ khôn lường khi lạm dụng các thiết bị điện tử.

Một khó khăn thường nhật mà các bậc phụ huynh gặp phải là việc cho trẻ ăn. Vì rất nhiều lý do khác nhau, trẻ lười ăn, biếng ăn, ăn chậm, không chịu ngồi yên một chỗ để ăn... Những lúc ấy, ông bà, ba mẹ chỉ cần bật tivi hoặc điện thoại là thế nào trẻ cũng chịu ngồi, chịu ăn nhanh hơn.

Quan sát ở một trường mầm non vào buổi sáng, tôi thấy rất nhiều phụ huynh mở điện thoại cho trẻ xem để chịu ngồi ăn. Hai đứa cháu của ông bạn tôi cũng đã được mẹ “huấn luyện”, hễ đến bữa ăn là cứ đòi ông mở phim hoạt hình để vừa xem vừa ăn.

Trẻ con hiếu động, khi chơi với nhau thường chọc ghẹo, gây gổ, quậy phá... trong lúc đó nhiều bậc phụ huynh thiếu kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc, chơi với con cái, nên hễ con “làm phiền” là “vứt” cho con chiếc điện thoại, iPad hoặc mở truyền hình để trẻ ngồi xem.

Ngay cả trước lúc ngủ, nhiều cha mẹ thường cho trẻ xem điện thoại vì nghĩ rằng xem chán trẻ sẽ buồn ngủ và tự ngủ. Cũng không ít phụ huynh sử dụng thiết bị điện tử để mặc cả, “trao đổi “ với con. Con sẽ được chơi điện tử nếu chịu ngồi yên để mẹ làm việc.

Con học giỏi, được điểm cao, ba sẽ tặng con điện thoại xịn. Con làm việc này việc nọ xong sẽ được chơi trò chơi điện tử. Ngày nay, thiết bị điện tử bỗng trở thành “công cụ” hữu hiệu để giữ trẻ, chăm trẻ. Những suy nghĩ và việc làm như thế sẽ khiến trẻ không muốn bước ra khám phá thế giới bên ngoài và cuộc sống mà chỉ quanh quẩn với màn hình.

Việc lạm dụng các thiết bị điện tử sẽ gây ra nhiều hệ luỵ như trẻ trở nên thụ động, ít giao lưu với bạn bè, có những hành vi khó hiểu, không thể kiểm soát được hành vi, hay cáu giận, mè nheo, cơ thể mệt mỏi; có nhiều tác động không tốt đến sức khoẻ như giảm thị lực, đau đầu, vẹo cổ, vẹo cột sống, làm cho trẻ khó chịu, giấc ngủ không ngon, dễ trầm cảm, có các hành động tiêu cực như la hét, đập phá đồ đạc khi ba mẹ không cho xem, chơi các thiết bị điện tử, mức độ tiếp thu bài giảm sút, thậm chí có thể đột tử nếu chơi trò chơi điện tử quá mức. Ðó là chưa nói đến trên các trang mạng hiện nay tràn ngập các video về bạo lực, hướng dẫn, lôi kéo sử dụng ma tuý, sex và kích thích, lạm dụng tình dục hết sức tồi tệ.

Cần khẳng định rằng trong xã hội hiện nay, phụ huynh không thể yêu cầu, cấm đoán trẻ “tuyệt giao” với các thiết bị điện tử, internet, các trò chơi điện tử. Vấn đề đặt ra là sử dụng các thiết bị điện tử như thế nào cho hợp lý, khoa học.

Theo chuyên gia, các gia đình cần có định hướng cụ thể để giúp con em mình không dành thời gian quá nhiều và quá lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Ba mẹ hãy dành thời gian, lên kế hoạch giúp trẻ cân bằng giữa hoạt động tĩnh và động, giữa hoạt động trí óc và thể chất, giữa hoạt động một mình và hoạt động với người thân, bạn bè...

Những hoạt động có thể áp dụng như tập cho trẻ tự xếp mùng mền, chuẩn bị bữa ăn, đổ rác, chơi các trò chơi như xếp hình, vẽ tranh, sưu tầm các vật phẩm thú vị, dạy cho con biết cách quản lý, chi tiêu tài chính, hãy đưa ra những nhiệm vụ, hoạt động để con thực hiện khi ở nhà, khi rảnh rỗi hoặc dịp hè nên đưa con đi chơi công viên, đến nhà ông bà nội, ngoại, người thân, đi bơi, chơi cờ vua, bóng rổ, bóng bàn, đọc sách, đi du lịch...

Cần dạy con biết sử dụng thiết bị công nghệ một cách phù hợp có thể mang lại nhiều cơ hội học tập cho trẻ- từ việc tạo nhật ký video trong kỳ nghỉ để chia sẻ với người thân, bạn bè, tạo những ý tưởng thủ công và nghệ thuật dựa theo các video clip trên mạng.

Cha mẹ nên dành thời gian để chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với con. Con càng gần gũi cha mẹ thì càng ngoan, trưởng thành hơn. Khi con đủ lớn, có nhận thức cũng cần giải thích cho con rõ về vai trò, tác dụng cũng như tác hại của các thiết bị điện tử.

Phải kiên quyết đối với những hành vi không phù hợp của con như không chịu ăn, ăn chậm, không chịu nghe lời. Nhiều khi cha mẹ cần “phớt lờ”, thu dọn, chấm dứt việc ăn uống, đòi hỏi của con. Tuyệt đối không dùng thiết bị công nghệ “mặc cả”, làm “vật trao đổi”, phần thưởng đối với con.

Cần thoả thuận và đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con là khoảng 30 phút/ngày, mỗi ngày khoảng 2 lần. Ðiều đặc biệt quan trọng, cha mẹ phải làm gương, hạn chế dùng các thiết bị điện tử, nếu cần phải làm việc với máy tính nên vào phòng riêng, cố gắng làm việc khi không có con ở bên cạnh, tuyệt đối không sử dụng điện thoại trên bàn ăn, không trả lời điện thoại trong bữa ăn, không vừa ăn vừa xem tivi... Nếu cha mẹ luôn nhắc nhở, cấm đoán trẻ không được sử dụng điện thoại, cất iPad, tắt truyền hình trong lúc mình cứ dán mắt vào màn hình thì mọi lời nói đối với con cái đều phản tác dụng.

Ðiều quan trọng là chúng ta cho trẻ tiếp xúc và sử dụng thiết bị công nghệ với thời gian, nội dung, cách thức phù hợp, khoa học. Phụ huynh có thể cùng con sử dụng thiết bị, hướng dẫn trẻ xem những nội dung thích hợp, cùng con tham gia và tạo các trò chơi, hoạt động hữu ích.

Hãy dành thời gian nhiều hơn cho con. Sự gần gũi, tình yêu thương và những hướng dẫn đúng đắn, sự gương mẫu của cha mẹ sẽ là chìa khoá giúp trẻ phát triển một cách hài hoà, lành mạnh cả thể chất lẫn tinh thần, trở thành những công dân tốt trong một xã hội hiện đại.

D.M

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục