Công nghệ   Thiết bị số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiêu lừa mua USB 512GB với giá 250.000 đồng 

Cập nhật ngày: 08/07/2019 - 20:42

Sản phẩm được quảng cáo là của thương hiệu nổi tiếng, giá bán rẻ nhưng dung lượng ảo và liên tục lỗi trong quá trình sử dụng.

Tìm USB để lưu trữ tài liệu, Thúy Hằng, sinh viên năm cuối một trường đại học ở Hà Nội, thấy một sản phẩm giá rẻ rao bán trên Facebook nên đã chọn mua. "Cửa hàng đó nói USB Samsung 512GB đang giảm giá từ 950.000 đồng còn 250.000 đồng, lại còn cho kiểm tra hàng rồi mới thu tiền nên em tin tưởng đặt online", cô cho biết.

USB nhái thương hiệu lớn "đánh" vào tâm lý người dùng với mức giá rẻ mà được dung lượng cao.

Nhằm tăng niềm tin, fanpage trên còn tuyên bố sản phẩm được "bảo hành một năm nếu có lỗi của nhà sản xuất". Bài quảng cáo đã thu hút hơn 2.000 like, hàng chục lượt chia sẻ và hơn 5.000 người để lại số điện thoại để tư vấn mua hàng hoặc đề nghị fanpage tư vấn thêm thông qua tin nhắn riêng.

Khi nhận được sản phẩm và cắm vào máy tính, Hằng thấy báo dung lượng lưu trữ gần 500GB như quảng cáo, tuy nhiên khi sao chép phim vào, tốc độ đọc/ghi chậm hẳn. "Những vài file đầu thì bình thường nhưng có một video nặng gần 2GB thì em copy thành công nhưng không thể đọc được", cô nói. "Em thử định dạng lại (format) USB thì Windows báo lỗi".

Trên diễn đàn VOZ, một thành viên cho biết cũng là "nạn nhân" khi mua phải chiếc USB 1TB giá rẻ nhưng có tốc độ đọc/ghi siêu chậm. Thiết bị không cho format với công cụ của Windows, không thể kiểm tra được thông tin của nhà sản xuất dù dung lượng vẫn báo đủ như lời giới thiệu của cửa hàng.

Một người dùng mua USB 1TB gắn mác Samsung nhưng nhà sản xuất không có mức dung lượng này.

"Có thể thấy ngay sự bất thường ở những quảng cáo trên khi USB có bộ nhớ lưu trữ rất lớn nhưng được bán với giá quá rẻ", Phạm Thanh Lê, chủ một cửa hàng máy tính trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) cho biết. "USB 256GB của các thương hiệu lớn giá thường từ 800.000 đồng, loại 512GB thì rất đắt mà không nhiều hãng sản xuất".

Nhìn vào bài quảng cáo sản phẩm mà Hằng mua, anh Lê chỉ ra một loại điểm bất hợp lý như hình ảnh được in hoặc chỉnh sửa một cách sơ sài, thông tin bất nhất, chẳng hạn dung lượng 512GB nhưng bìa sau ghi lưu được 109 giờ nhạc - tương đương USB 16GB. Trên trang chủ của Samsung, dòng thiết bị lưu trữ này cũng chỉ có bộ nhớ tối đa là 256GB với giá niêm yết thấp nhất là một triệu đồng.

Sau khi làm giả nhãn mác, những chiếc USB có thể làm giả luôn cả dung lượng khi kiểm tra trên máy tính, anh Lê cho biết. "Chỉ với một vài thao tác phần mềm, chiếc USB 1MB có thể biến thành 100GB hoặc bao nhiêu tùy ý nhưng chỉ là dung lượng ảo. Khi định dạng lại với chương trình của Windows sẽ báo lỗi", chủ cửa hàng máy tính này nói.

Không riêng USB, các thiết bị lưu trữ khác như thẻ nhớ, ổ cứng các loại cũng có thể bị làm khống dung lượng, làm nhái nhãn mác của các nhà sản xuất lớn như Samsung, SanDisk, HP, Kingston... Người dùng có thể kiểm tra bộ nhớ thật, tốc độ đọc/ghi, định dạng lại thiết bị với các phần mềm như Check Flash, H2testw, RMPrepUSB hay USB Memory Stick Tester...

Theo anh Phan Huy Thắng, kỹ sư điện tử làm việc tại Hà Nội, tình trạng USB dung lượng ảo đã xuất hiện từ những năm trước nhưng có thể "tái xuất" thời gian gần đây khi được chào bán trên Facebook, các trang thương mại điện tử không kiểm duyệt kỹ sản phẩm. "Những sản phẩm này khiến người dùng 'tiền mất, tật mang' vì dung lượng không như quảng cáo, làm mất dữ liệu hay có thể hỏng sau vài lần sử dụng do dùng linh kiện kém chất lượng", anh cho biết.

"Kinh nghiệm của cá nhân tôi khi chọn đồ điện tử là 'tiền nào của nấy', khó có chuyện một sản phẩm ở chỗ này lại rẻ hơn 3-7 lần so với mặt bằng chung", anh Thắng nói. "Sự nở rộ của thương mại điện tử, các shop bán hàng online giúp việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn, nhưng ngược lại cũng đòi hỏi người mua phải tinh ý để tránh mua phải các sản phẩm kém chất lượng vì ham giá rẻ. Nếu không có nhiều kinh nghiệm, việc mua tại các cửa hàng uy tín sẽ an toàn hơn".

Theo SanDisk, công ty sản xuất thiết bị lưu trữ lớn trên thế giới, 30% thẻ nhớ gắn nhãn mác của hãng lưu hành trên toàn cầu là giả. Những sản phẩm này được gia công và đóng trong bao bì của SanDisk, thường có hiệu suất kém, độ ổn định thấp hay bị làm khống dung lượng.

Nguồn VNE