Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiêu sinh đào tạo cử nhân sư phạm cho địa phương: Đăng ký lơ thơ

Cập nhật ngày: 14/09/2011 - 11:22

Tháng 6.2011, Báo Tây Ninh có đưa tin về việc Sở GD- ĐT có kế hoạch tuyển 40 chỉ tiêu (sau giảm xuống còn 38) để đưa đi đào tạo tại Trường đại học Sư phạm thành phố HCM theo 4 ngành sư phạm mà tỉnh đang có nhu cầu gồm: Ngữ văn, Anh văn, Tin học và Giáo dục đặc biệt.

Đối tượng được cử đi học là những thí sinh đã dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 đạt điểm sàn theo quy định của Bộ GD- ĐT, có hộ khẩu thường trú tại Tây Ninh và cam kết không bỏ học giữa chừng. Toàn bộ kinh phí đào tạo 40 chỉ tiêu trên đều do ngân sách tỉnh chi trả. Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân phải về công tác tại tỉnh nhà ít nhất 8 năm, nếu không thực hiện đúng hợp đồng thì phải bồi hoàn gấp 3 lần kinh phí đào tạo.

Chủ trương của Sở GD-ĐT đã được sự đồng ý của UBND tỉnh.

Nghề dạy học từng có một thời được nhiều người mơ ước

Chính sách ưu đãi là vậy nhưng nhiều học sinh phổ thông vẫn tỏ ra không mặn mà lắm. Tính đến hết ngày 12.9.2011 (hạn chót nộp hồ sơ) nhưng Sở GD- ĐT chỉ nhận được tổng cộng 16 bộ hồ sơ, gồm 11 bộ của ngành Anh văn, 2 bộ của ngành Tin học và 3 bộ nộp vào ngành Ngữ văn. Riêng ngành Giáo dục chuyên biệt không có thí sinh nào đăng ký. Theo bà Đặng Thị Thu Kinh, cán bộ Phòng Giáo dục chuyên nghiệp thì do lượng hồ sơ nộp không đủ nên Sở GD-ĐT quyết định gia hạn thời gian nhận hồ sơ đối với hai ngành Ngữ văn và Tin học đến hết ngày 5.10.2011. Từ nay đến đó, thí sinh nào có nguyện vọng học một trong hai ngành nói trên thì đến nộp hồ sơ và làm các thủ tục cần thiết tại Sở GD-ĐT. Bà Thu Kinh cũng cho biết thêm, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi đại học, bản thân bà đã lên tiếng vận động những học sinh vùng nông thôn nên đăng ký đi học sư phạm theo diện ưu tiên này nhưng đa phần các em đều lắc đầu.

Cách đây mấy hôm, Báo Tây Ninh có đăng bài “Còn đó nỗi buồn sư phạm” của Diệu Mai, trong đó có hồi ức về một thời “hoàng kim” của nghề giáo. Thực vậy, suốt một thời gian dài trước đây, những năm 90 của thế kỷ trước, vào đại học Sư phạm hãy còn là mơ ước của nhiều học sinh phổ thông. Điểm chuẩn vào Trường ĐHSP ở cả hai miền Nam – Bắc dù không cao nhất nhưng cũng khiến nhiều trường khác phải ngước nhìn! Nay, với sự biến chuyển của xã hội, ngành sư phạm đã lại rơi vào giai đoạn “thoái trào” giống như những năm 80 của thế kỷ trước. 

VIỆT ĐÔNG


 
Liên kết hữu ích