Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mua hàng tặng người thân ở Việt Nam:
Chiêu trò lừa đảo tinh vi
Chủ nhật: 08:36 ngày 18/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin về tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau, khiến không ít nạn nhân mắc bẫy.

Tin nhắn mà tài khoản facebook Nguyễn Thị Thuỳ Tiên thoả thuận chuyển tiền cho chị K.A

Chị N.T.K.A (ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành) cho biết, ngày 5.8 vừa qua, một tài khoản facebook Nguyễn Thị Thuỳ Tiên nhắn tin hỏi mua sản phẩm. Đối tượng này cho biết đang sống tại Singapore, qua trang facebook của chị N.T.K.A muốn đặt mua nhiều loại vật dụng gia đình để gửi tặng cho em gái tên Nguyễn Thị Thuỳ Trinh ở Hà Nội. Tổng đơn hàng khoảng 2 triệu đồng. Người này chuyển khoản đặt cọc trước 1 triệu đồng và cho biết, khi nào hàng có đầy đủ theo yêu cầu thì sẽ chuyển khoản hết số tiền còn lại.

Vị khách gửi một đường dẫn yêu cầu chị K.A ấn vào đường dẫn đó rồi cung cấp số tài khoản ngân hàng để xác nhận đã nhận tiền. Đối tượng liên tục nhắn tin hối thúc chị nhanh chóng đăng nhập. Một lát sau, chị K.A nhận một cuộc điện thoại, người gọi tự xưng là giao dịch viên ngân hàng gọi điện để xác nhận và hướng dẫn cách nhận tiền.

“Tôi đã rất cẩn thận nên vào trang facebook của người mua, xem tất cả thông tin, hình ảnh thì đúng là người này đang ở nước ngoài thật nên khá tin tưởng. Nhưng người tự xưng là giao dịch viên ngân hàng gọi điện nói chuyện khá ấp úng, không rõ ràng nên tôi nghi ngờ lừa đảo. Ngay lập tức, tôi từ chối nhận đơn hàng này thì vị khách Việt kiều đó chặn tin nhắn facebook của tôi”- chị K.A chia sẻ.

Tương tự, chị N.T.H.P (ngụ thị xã Hoà Thành) chia sẻ, chị làm nghề buôn bán đồ xách tay online nên thường xuyên đăng bán sản phẩm trên trang facebook cá nhân. Cách đây khoảng 2 tuần, có một khách hàng nhắn tin giới thiệu là Việt kiều, đang định cư ở Mỹ muốn hỏi mua sản phẩm của chị để tặng họ hàng ở tỉnh Đồng Nai.

“Vị khách này đặt mua rất nhiều đồ như nước hoa, đồng hồ, thực phẩm chức năng... tổng giá trị khoảng 5 triệu đồng. Người này nhắn một đường dẫn yêu cầu tôi ấn vào rồi khai báo tên đăng nhập, mật khẩu, nhập cả mã OTP để đổi ngoại tệ. Do có sự cảnh giác nên tôi đã gọi điện hỏi người quen làm bên ngân hàng thì được biết đây là hình thức lừa đảo mới. Nếu ấn vào đường dẫn đó thì khách hàng ảo kia sẽ lấy cắp hết số tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi”- chị P cho hay.

Ông Trần Kiến Trúc- Trưởng Phòng Dịch vụ - Marketing, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), chi nhánh Tây Ninh cho biết, thủ đoạn “mua hàng tặng người thân nhưng đang ở nước ngoài nên phải chuyển tiền thông qua ví điện tử” trên trang web giả mạo không phải là mới, nhưng đến nay vẫn có một số người mắc bẫy và bị mất sạch tiền.

Kẻ gian giả mạo người mua hàng, thực hiện các việc xác nhận mua bán hàng hoá với nạn nhân, sau đó thông báo đã chuyển tiền cho người bán hàng thông qua ví điện tử trên trang web giả mạo và yêu cầu nạn nhân vào xác nhận. Nạn nhân sau khi xác nhận tên truy cập, mật khẩu đăng nhập vào tài khoản Internet Banking/Mobile Banking, xác nhận qua mã xác thực mật khẩu 1 lần OTP về điện thoại và bị trừ tiền tài khoản.

Bên cạnh đó, một số thủ đoạn khác được các đối tượng sử dụng phổ biến trong thời gian qua, như giả mạo nhân viên bưu điện, nhân viên ngân hàng, hoặc cơ quan chức năng gửi tin nhắn, đường dẫn với nội dung như mẫu đăng ký vay vốn trực tuyến của ngân hàng; thông báo trúng thưởng theo chương trình của ngân hàng; thông báo khách hàng nhận được tiền từ nước ngoài... và yêu cầu họ truy cập vào đường dẫn trên, cung cấp các thông tin về tên truy cập, mật khẩu, mã OTP, thông tin thẻ hoặc các thông tin cá nhân khác để xác nhận. Tất cả các chiêu thức lừa đảo nói trên đều nhằm đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

“Các ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin bảo mật thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử, hoặc yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin để xác thực định danh khách hàng. Nếu nhận được những yêu cầu này, là có kẻ gian đang tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt thông tin hay tiền của cá nhân. Mặt khác, khi tài khoản của khách hàng nhận tiền gửi từ nước ngoài về, khách hàng cần trực tiếp đến chi nhánh gần nhất của ngân hàng đó nhận tiền, không nên nhận qua bất cứ đường dẫn hay qua website nào khác”- một cán bộ Ngân hàng Agribank chia sẻ.

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch ngân hàng, Agribank khuyến cáo người dân nên giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử; không cung cấp thông tin bảo mật như mã pin thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ e-mail cá nhân cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, nhập vào trang web không tin cậy…).

Agribank cũng đề nghị mọi người khi giao dịch, cần xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính; không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội cũng như các kênh liên lạc khác như e-mail, điện thoại, thư giấy, SMS... để lừa đảo, gợi ý khách cho vay/chuyển tiền tới tài khoản của kẻ lừa đảo. Đồng thời kiểm tra thông tin của website khi thực hiện giao dịch trực tuyến, chỉ nên thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao: đường dẫn thanh toán thường được bắt đầu bằng https:// và có hiển thị logo ổ khoá bảo mật phía trước.

Một số lưu ý nữa mà Agribank khuyến cáo mọi người là cần cẩn trọng khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM/POS, giao dịch trực tuyến; hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, tại quán cà phê để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử. Trong trường hợp nghi ngờ giả mạo, lừa đảo, khách hàng nên thông báo ngay đến số đường dây nóng của ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng gần nhất.

THIÊN DI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục