Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để giữ được cảnh quan đô thị, với những hàng cây mướt xanh và chim chóc các loài ríu rít, chao liệng sống chung, thì có lẽ cần có thêm một động tác nhỏ, là cho chim bồ câu ăn mỗi ngày. Để gìn giữ được một cảnh quan của một thành phố xanh, thân thiện với môi trường mãi mãi.
Bồ câu trên công viên đường Yết Kiêu.
Bạn đã bao giờ gặp những cánh chim bồ câu bay trên phố? Ở Tây Ninh, nơi thường gặp nhất là trên đường Trần Hưng Đạo, hoặc đường Yết Kiêu hai bên rạch Tây Ninh. Chúng bay qua bay lại, soi mình trên mặt nước; hay đậu đầy trên mái nhà, dây điện, và thường khi sà xuống đường ở ngã ba đường Quang Trung gặp Trần Hưng Đạo. Cũng có khi chúng tha thẩn trong công viên ở cuối đường Yết Kiêu để tìm mồi.
Bên đường Quang Trung chỉ có vài tổ chim do người dân đặt trên vài trụ cây cao. Vậy mà chúng ở đâu bay ra nhiều thế. Có khi tới cả trăm con. Gặp những lúc chúng bay đông như thế, tôi đều dừng xe lại. Quang cảnh ở đây lúc này trở nên đẹp và sinh động hẳn lên. Bởi những cánh chim chao lượn trên thênh thang mặt nước. Nó gợi cho ta một cảm giác thật yên bình. Ở giữa phố dù có hơi chật chội, nhưng thiên nhiên theo cánh chim ùa về đầy ắp…
Về sau tôi mới biết. Rằng chim bồ câu về đây đông đúc là do ở bên phố Yết Kiêu có một bà chuyên đổ thóc, bắp cho chim ăn. Vì thế, chúng cứ quanh quẩn nơi này, đợi khi thấy bóng của bà cầm thau, thúng đi ra là nháo nhào bay xuống.
Tại văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, bên cạnh chùa Hiệp Long thuộc khu phố 4, phường 3, cũng có một người thường chăm lo cho bầy chim bồ câu. Đấy là Ni cô Diệu Thiện. Vì thế, chùa Hiệp Long cũng là nơi tụ tập rất đông đảo bồ câu. Ngày hai bữa sáng, chiều, ni cô đem chậu thóc ra rải trên sân trước văn phòng. Ăn no nê, chúng bay lên đậu đầy trên các mái chùa bên cạnh. Việc này đôi khi cũng làm các vị tăng và phật tử phiền lòng. Đấy là chim đậu và thải chất thải ra trên mái chùa và hành lang. Mái chùa bạc đi, bớt phần tươi đỏ. Và thường khi, tăng và phật tử tụng kinh, làm phật sự trong một bầu không khí không mấy trong lành. Ni cô Diệu Thiện kể, bầy chim ở chùa mỗi ngày thêm đông. Là bởi có nhiều người mua chim phóng sinh, cũng mua bồ câu (bán ở Cầu Nổi- Thanh Điền) đến chùa để thả. Mà Ban Trị sự, Văn phòng lấy đâu ra tiền để mua thóc, bắp cho chim? Bầy chim nay đã lên tới khoảng 500 con, mỗi bữa cho chúng ăn phải 7 - 8kg thóc, bắp. Mỗi tháng cũng phải chi hơn 3 triệu đồng. Mà văn phòng ban- cũng như nhiều văn phòng khác, làm gì có khoản phí cho chim ăn. Do vậy mà gần đây, bầy chim thường bị đói, do số lượng ni cô tự thu vén mua thức ăn cho chúng cũng eo hẹp.
Ở chùa còn thế, nói chi đến ngoài phố. Bạn có thể chứng kiến cảnh chim câu đói ăn bằng một thử nghiệm này. Là khi đi tới ngã ba đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo, thì hãy ngồi xuống bên hè. Thì thế nào bầy chim đang đậu trên dây điện, trên mái nhà sẽ cùng bay xuống, lân la ngay bên bạn. Chúng hy vọng bạn sẽ là người cho chúng ăn, như bà chủ quán bên kia rạch, trên đường Yết Kiêu chăng.
Nói tóm lại là, chim bồ câu ở thành phố chúng ta đang bị đói. Và do vậy mà có nguy cơ chúng sẽ biến mất một ngày mai. Nghe câu chuyện này, có người bàn:- Hay là báo với Kiểm lâm và nhờ họ đến bắt bớt chim, đem thả lên rừng. Xin can ngay ý định (có thể tốt đẹp này). Chim bồ câu là loài vật nuôi đã được thuần dưỡng từ đời nào không rõ. Chỉ biết hiện nay, chúng sống được chính là nhờ có con người. Người cho chúng ăn. Người không săn bắt và ăn thịt chúng. Bây giờ trả về thiên nhiên là chúng sẽ chết ngay. Bằng chứng, là ngay bên thành phố vẫn còn những cánh đồng lúa chín vàng. Vậy mà chúng cũng không thể đến tìm ăn, như các loài dồng dộc, hay chim ri, chim sẻ.
Trên tivi, cũng đã thấy ở nơi này, nơi khác, có những người dân tự giác nuôi nấng và bảo vệ đàn chim bồ câu. Như một vài người ở trước nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện Sài Gòn. Hay một ông già nghèo chuyên bán rong cây kiểng ở TP. Cần Thơ, cũng gom góp số tiền lời lãi ít ỏi của mình nuôi sống bầy chim, Ở TP. Tây Ninh, một vài cá nhân có lòng như đã kể. Nhưng như thế thì số phận của bầy chim cũng rất mong manh.
Vậy có lẽ cũng cần phải có sự quan tâm của chính quyền Thành phố. Cây xanh đô thị chỉ là vật vô tri mà Thành phố còn chăm sóc được, thì nói gì bầy chim bồ câu không quá một ngàn con? Để giữ được cảnh quan đô thị, với những hàng cây mướt xanh và chim chóc các loài ríu rít, chao liệng sống chung, thì có lẽ cần có thêm một động tác nhỏ, là cho chim bồ câu ăn mỗi ngày. Để gìn giữ được một cảnh quan của một thành phố xanh, thân thiện với môi trường mãi mãi.
NGUYỄN