BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chim về 

Cập nhật ngày: 09/09/2017 - 06:10

BTN - Một cặp vợ chồng từ cánh đồng trở về, xe máy chở nhau riu ríu đi qua. Bỗng xe dừng và anh chồng thốt lên:- Kìa mình, cò đã về rồi, từ lúc nào ấy nhỉ?

Giữa tháng tám ra thăm, còn chưa thấy cò vạc trở về ngoài những đàn cồng cộc vài chục con, hoặc cò ma, cò lửa vốn là dân bản địa. Ðến cuối tháng 8, đột nhiên bỗng thấy chim về xao xác trời mây trên khoảnh rừng tràm. Một cặp vợ chồng từ cánh đồng trở về, xe máy chở nhau riu ríu đi qua. Bỗng xe dừng và anh chồng thốt lên:- Kìa mình, cò đã về rồi, từ lúc nào ấy nhỉ?

Vâng! Có thể chim cò đã về từ mấy ngày nay, nhưng họ cứ mải miết làm lụng rồi về, nên không để ý. Dân xóm vườn chim bảo, năm nay chim về sớm. Ðấy là theo dương lịch thôi; thưa các bác. Còn theo lịch âm, tại năm nay nhuận hai tháng sáu kia mà. Thế giới chim cò có lẽ chỉ có nhịp sinh học mà thôi. Ðể 6 tháng ra đi, rồi 6 tháng trở về. Kể từ nay, người Tây Ninh lại thấy những cánh cò xao xác cả hoàng hôn. Và, càng gần đến tết thì càng có thêm nhiều đàn cò bay ngang bầu trời Thành phố.

Nhớ một năm nào đó chưa xa, báo Tây Ninh có bài báo gọi thành phố Tây Ninh là TP dưới cánh cò bay. Lúc ấy vừa mới từ thị xã được nâng cấp lên thành phố. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học về xây dựng thành phố văn minh, hiện đại đã diễn ra. Tưng bừng khái niệm: thành phố sinh thái, thành phố đáng sống, thành phố eco kép v.v. Nhưng, với tư cách nông dân thỉnh thoảng được la cà uống bia bên bờ rạch, tôi vẫn thấy “Thành phố dưới cánh cò bay” là đáng giá, đáng ca ngợi nhất. Xin so sánh tí chút. Ai đi Singapore hẳn còn nhớ thành phố ấy có rất nhiều chim sáo. Chim đậu và nhảy nhót ngay trên hè phố hoặc các khu vui chơi ào ạt bước chân người. Rồi trước một nhà thờ cổ ở Malaysia, du khách có thể cho chim bồ câu ăn trên lòng bàn tay. Những “sinh thái” ấy nào có thấm gì so với cả ngàn vạn cánh cò bay, ở một nơi chỉ cách trung tâm Thành phố 1,5km. Mà cũng dễ tìm, vì chỉ cần đi xuôi theo bờ rạch Tây Ninh.

Ðấy chính là nơi ta đón chim về, vào đầu tháng 9. Ðịa bàn khu phố 4, phường 3. Một vườn tràm nước rộng nửa héc ta. Một bên là ruộng, và bên kia là con rạch rộng chừng năm chục mét. Xa nữa là ruộng lúa Thanh Ðiền, Hiệp Tân lúc nào cũng luênh loang nước bạc. Quả thật đáng nể con mắt của loài chim, luôn từ trên cao nhìn xuống. Chứ với mắt con người, đấy chỉ là một vùng đất còn hoang vu thường xuyên ngập nước. Thật là may vì quy hoạch Thành phố cũng đã xác định đó là khu vực dự trữ sinh thái mai sau. Ðiều có thể không may duy nhất (cho chim cò) là rồi đây cũng sẽ có một nhà máy xử lý nước thải ở sát vườn chim. Nếu công nghệ nhà máy ấy lạc hậu thì không chỉ chim, mà người cũng khó lòng chịu nổi.

Ðầu tháng 9 cũng có chuyện khác về chim, nhưng là một chuyện buồn. Ðấy là trùng với dịp Vu Lan tháng 7 âm lịch, nên có nhiều chùa làm lễ Vu Lan trọng thể. Thì ở đấy cũng có chim về, nhưng là về trong những chiếc lồng vuông nan sắt. Lồng chật, nên chúng chen chúc quẫy đạp nhau xơ xác cả những bộ lông vốn mượt mà tuyệt đẹp. Chim sắt nâu lấm chấm bi như có đính hạt đá màu lóng lánh. Chim dồng dộc cũng nâu, nhưng vài con có đội thêm chiếc mào vàng sang trọng. Hai loài ấy còn khoẻ lắm. Ai mua thả đi chúng sẽ bay liền. Nhưng thương nhất là loài chim én. Chúng nằm dúi dụi ở đáy lồng như sắp chết. Ai thương tình, mua thả phóng sinh, có lẽ chúng cũng phải làm mồi cho con sâu, cái kiến bụi bờ nào đó mà thôi. Thương én quá đi thôi! Bởi chẳng có loài chim nào dạn dĩ, bầu bạn với người như én. Ai đang một mình lái máy giữa đồng, thế nào cũng có bầy chim én tíu tít đến làm vui. Vậy là hành vi phóng sinh, tạo phúc của con người cũng khiến một số sinh linh bé bỏng loài chim phải chết.

Trở lại với vườn chim đi thôi. Ðể còn kịp ngắm một hoàng hôn lộng lẫy phía chân trời. Phóng mắt qua cánh đồng hẹp là thấy ngay một bóng dáng của thành phố Tây Ninh đang phát triển. Cái bóng dáng này, nhìn từ vườn chim, mỗi năm mỗi thêm thay đổi. Năm ngoái mới có thêm toà nhà Viettel với cái trụ ăng ten hình tháp Effel hai màu đỏ trắng; thì năm nay đã có thêm một mái vòm kiểu nhà thờ bên tận trời Âu. Nghe nói đấy là một nhà thờ họ của một đại gia ngành gỗ. Và nữa, một mái nhà bằng thép cũng đang vút lên hình lưỡi rìu dựng ngược như một nhà rông...

Ðã 6 giờ chiều. Chim đã về đầy trời rồi đậu trắng các ngọn cây. Thành phố cũng đã bật đèn màu lấp lánh. Người và chim cứ kề cận nhau thế này mà sống. Tưởng tượng mà xem. Mở mắt ra chỉ thấy toàn người là người sẽ chán biết bao.

NGUYỄN