Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chính phủ "chốt" không sáp nhập bất cứ sở ngành nào
Thứ năm: 09:47 ngày 17/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nghị định mới của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có quy định nào về việc sáp nhập sở ngành.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014 ngày 4/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về tổ chức các sở trực thuộc UBND cấp tỉnh, Nghị định lần này cũng chia làm hai loại tương tự như Nghị định cũ gồm: các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương và các sở đặc thù.

Tuy nhiên, Nghị định 107 có sửa đổi bổ sung một số nội dung nhưng không mang tính "đột phá" như dự thảo nghị định ban đầu đưa ra lấy ý kiến với phương án sáp nhập, hợp nhất một số sở ngành.

17 sở thống nhất, 4 sở đặc thù

Nghị định mới quy định đối với các sở được tổ chức thống nhất cũng có 17 sở nhưng có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số sở. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có bổ sung thêm quy định "đối với các địa phương có Sở Du lịch thì chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh, thành quản lý nhà nước về du lịch do Sở Du lịch thực hiện".

Tương tự, trường hợp các tỉnh không tổ chức riêng Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc thì chức năng của 2 lĩnh vực này sẽ do Văn phòng UBND tỉnh thực hiện.

Theo Nghị định 107, Sở Nội vụ được tổ chức thống nhất trên cả nước chứ không hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy.

Đối với các sở đặc thù, Nghị định mới bổ sung thêm Sở Du lịch, ngoài 3 sở đã quy định trước đây gồm: Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Trong đó, Sở Ngoại vụ được thành lập ở những tỉnh đáp ứng một trong các tiêu chí: có cửa khẩu quốc tế đường bộ, có cửa khẩu quốc tế đường hàng không; có cảng biển quốc tế; có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên hoặc có vốn FDI trên 100.000 tỷ đồng, có trên 4.000 người nước ngoài, có kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100.000 tỷ đồng...

Những tỉnh được thành lập Ban Dân tộc khi có ít nhất 20.000 người dân tộc thiểu số sống thành làng, bản; có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu...

Sở Du lịch được thành lập ở những tỉnh đáp ứng đủ các tiêu chí: có di sản văn hóa vật thể được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội; ngành du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn và có giá trị kinh tế với tỉ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.

Riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc được thành lập ở TP.HCM và Hà Nội. Chức năng quy hoạch kiến trúc của các tỉnh, thành còn lại được quy định trong Sở Xây dựng. Nghị định mới bỏ hẳn quy định về một số lĩnh vực đặc thù khác.

Như vậy, sau 2 năm bàn luận, cho ý kiến Nghị định của Chính phủ chốt lại là không tính đến việc sáp nhập, hợp nhất bất cứ sở ngành nào như dự thảo ban đầu đưa ra lấy ý kiến và như một số địa phương đã thực hiện.

Thời gian qua, nhiều tỉnh đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất một số sở ngành. Cụ thể, trong năm 2018, Hà Giang đã hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Lào Cai sáp nhập Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Bạc Liêu sáp nhập Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ...

Đến cuối năm 2018, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ký văn bản gửi UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ đề nghị tạm dừng việc sắp xếp sở ngành, phòng ban để chờ các nghị định của Chính phủ.

Sau đó một năm, tháng 12/2019, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ký văn bản gửi UBND các tỉnh thành đề nghị các địa phương đăng ký thực hiện thí điểm hợp nhất 8 sở ngành thành 4. Cụ thể: Sở Tài chính với Sở Kế hoạch Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy; Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy.

Hà Nội và TP.HCM được tăng thêm tối đa 10 phó giám đốc sở

Một điểm mới đáng chú ý trong Nghị định này là quy định số lượng phó giám đốc sở không cứng nhắc bằng con số cố định mà linh động theo số bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng phó giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng phó giám đốc của từng sở cho phù hợp.

Riêng Hà Nội và TP.HCM, ngoài tổng số lượng phó giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc.

Số lượng phó trưởng phòng, phó chánh thanh tra sở, phó chánh văn phòng sở, phó chi cục trưởng cũng được quy định linh động theo tổng số biên chế công chức trong một đơn vị.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh