Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vì Covid-19, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2020 còn 4,5% thay vì 6,8% như mục tiêu Quốc hội giao ban đầu.
Tại phiên thảo luận báo cáo bổ sung kinh tế xã hội năm 2019, kế hoạch năm 2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/5, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, diễn biến phức tạp của Covid-19 tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng trong vòng xoáy ảnh hưởng.
Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế xã hội năm 2020. Ở kịch bản 1, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4, các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam hồi phục trong quý III. Theo đó, dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5-2,8%; công nghiệp và xây dựng 6,7-7,9%, dịch vụ là 2,8-3,6%.
Kịch bản 2, Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam hồi phục trong quý IV, GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,1-2,5%; công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%; dịch vụ là 1,8-2,8%.
Đánh giá, điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là "cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế khách quan", Chính phủ đề xuất mục tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 4,5%, giảm 2,3 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao 6,8%. Nếu tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh kiểm soát, thị trường hồi phục tốt hơn thì phấn đấu mức tăng GDP là 5,4%.
Cùng đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4%, giảm 3% so với mục tiêu Quốc hội đưa ra. Tổng thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP, tăng 1,31% so với mục tiêu. Nợ công bằng khoảng 55,5% GDP, tăng 3,2% so với mục tiêu.
Sản xuất quần áo tại một công ty may mặc ở Long An. Ảnh: Như Quỳnh
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị đề án phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, trong đó có đề cập vấn đề này cùng một số chỉ tiêu khác như nợ công... Việc điều chỉnh GDP theo ông Dũng là "để chủ động điều hành". Tuần tới Bộ Chính trị sẽ họp, cho ý kiến. Trên cơ sở này, nếu Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ sẽ có tờ trình gửi Quốc hội.
Tuy nhiên, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cần cân nhắc kỹ việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội năm nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có ý kiến việc điều chỉnh hay không, bởi chỉ tiêu trong nghị quyết của Quốc hội là cụ thể hóa từ nghị quyết của Trung ương.
"Nghị quyết Trung ương vừa rồi nói phấn đấu, nỗ lực để đạt mức cao nhất chứ chưa bật đèn xanh cho chúng ta điều chỉnh. Nếu muốn điều chỉnh phải làm quy trình, xin cấp có thẩm quyền, phải xin Trung ương", bà Ngân nêu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội nói không phản đối việc Chính phủ điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội, song những tháng qua chưa đủ cơ sở đánh giá tình hình tăng trưởng ra sao. "Bây giờ nỗ lực cao nhất để hạn chế việc sụt giảm. Lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là phải tột độ", bà Ngân nói và lưu ý trong bối cảnh hiện nay, cái gì từ nguy thành cơ được thì phải tận dụng.
Chưa kể, kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đưa ra khá lạc quan dựa trên kết quả phòng, chống dịch tốt. Nhưng các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam vẫn còn lao đao. "Thế chúng ta mua bán với ai? xuất khẩu, nhập khẩu với ai? Du lịch thì vẫn chưa cho người vào", bà nói.
Ông Phùng Quốc Hiển - Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ cần có tờ trình về điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 gửi Quốc hội, các cấp có thẩm quyền lý giải lý do điều chỉnh tăng trưởng GDP từ 6,8% xuống 4,5%, chứ "không nêu chung trong báo cáo như vậy". Trên cơ sở đó, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ thẩm tra cụ thể các chỉ tiêu, bởi "giảm một chỉ số sẽ làm thay đổi toàn bộ dự toán ngân sách".
"Việt Nam cơ bản khống chế được dịch trong nước, nhưng tình hình nước ngoài vẫn phức tạp, chưa cải thiện. Với quy mô kinh tế mở hiện nay sẽ rất khó khăn", ông nói.
Các ý kiến sau đó cũng cho rằng chưa nên vội điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và "cần cân nhắc kỹ thêm". Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội nói, vẫn nên giữ nguyên mục tiêu kinh tế xã hội như hiện nay để phấn đấu.
"Nếu điều chỉnh các chỉ tiêu thì căn cứ vào đâu để điều chỉnh, trong khi dịch vẫn chưa kết thúc. Giờ điều chỉnh thì khi dịch phức tạp hơn, lại xin điều chỉnh tiếp? Tôi đề nghị giữ nguyên các chỉ tiêu tăng trưởng để phấn đấu", ông Phúc nêu quan điểm.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, chưa đủ căn cứ chính trị, pháp lý để điều chỉnh. Ông đề nghị, ngoài 2 kịch bản, Chính phủ nên xây dựng thêm kịch bản thứ ba trước làn sóng thứ 2 của Covid-19 và dịch bệnh có thể kéo dài tới năm sau khiến xuất nhập khẩu, du lịch của Việt Nam khó khăn thêm nữa. Theo đó, ông cho rằng, GDP có thể chỉ tăng 3%, bội chi, nợ công cũng ở mức cao hơn hai kịch bản đã có.
Nguồn VNE