Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chính phủ: Điều chỉnh chiến lược, phương thức thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Thứ năm: 08:52 ngày 14/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 11.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Người dân khu vực phường 3 tham gia tiêm vaccine. Ảnh Xuân Vũ

Đây được xem là “hiệu lệnh” mới của Chính phủ đưa ra khi cả nước đã kiểm soát tình hình dịch bệnh, từng bước khôi phục kinh tế khi trở lại trạng thái bình thường mới. Quy định áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc về mục tiêu; quan điểm; phân loại, đánh giá, các định cấp độ dịch; biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch bệnh.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch

Dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội mang tính lâu dài của nhiều nước. Tổ chức Y tế Thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.

Việc bao phủ vắc-xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỉ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Đối với Việt Nam, một số kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch. Vì vậy, Chính phủ đã điều chỉnh chiến lược, phương thức để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Thích ứng an toàn có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc Covid-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng nhưng phải bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân.

Trong trạng thái bình thường mới khi chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh, các hoạt động xã hội từng bước ổn định trở lại trạng thái ban đầu cần phải chuẩn bị mọi điều kiện và có những quy định thích ứng an toàn trong tình hình dịch bệnh.

Chúng ta sẽ chủ động, linh hoạt phù hợp tình hình thực tế có những điều chỉnh, thay đổi để thích ứng an toàn như: khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giao thông ưu tiên người tiêm đủ vaccine; quy định việc đi lại của người dân vùng dịch; mở cửa trở lại hoạt động kinh tế tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, các hoạt động thể dục, thể thao, du lịch, hoạt động bán hàng rong, vé số dạo…nếu đảm bảo đủ các điều kiện an toàn phòng dịch bệnh.

Tuy nhiên trong tình trạng thích ứng an toàn cần tiếp tục duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn; các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần phải phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, điều trị kịp thời; các trường hợp F1 vẫn cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm; về phía người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K khi tham gia các hoạt động cá nhân.

Điều chỉnh chiến lược, phương thức phù hợp

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh vừa qua, tuy Việt Nam còn gặp một khó khăn về nhưng với  sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang đi đúng hướng, được sự đồng thuận rất cao của Nhân dân.

Chính phủ đã quán triệt sâu rộng toàn bộ hệ thống từ trung ương đến cơ sở những nguyên tắc phòng, chống dịch: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể, giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt, phù hợp đặc thù từng nơi, từng thời điểm.

Để đảm bảo thích ứng an toàn từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Sự điều chỉnh chiến lược, phương thức của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch nhằm bảo đảm sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Sau khi điều chỉnh chiến lược, phương thức trong tình hình mới tạm thời không áp dụng các quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6.8.2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27.3.2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31.5.2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cao hơn các biện pháp mới của Chính phủ thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiển chỉ đạo.

Giải pháp đối với từng cấp độ dịch bệnh để ổn định phát triển kinh tế-xã hội

Việc điều chỉnh phương thức, chiến lược lần này Chính phủ đã nêu cụ thể có 4 cấp độ dịch bệnh: cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Tương ứng sẽ có các biện pháp áp dụng theo 4 cấp độ dịch đối với một số hoạt động của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp bao gồm tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác do địa phương quyết định; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo,...); hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động cơ quan, công sở; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với cá nhân, Quy định cũng nêu rõ các biện pháp về tuân thủ 5K, ứng dụng công nghệ thông tin, về việc đi lại của người dân và về điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 ở từng cấp độ dịch.

Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế-xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vắc-xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

Mai Tuấn Kiệt

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh