BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cấp đường 797 (Hoà Thành):

Chính quyền các cấp đã thận trọng xem xét, giải quyết khiếu nại đúng quy định pháp luật 

Cập nhật ngày: 05/08/2017 - 14:43

BTN - Từ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai năm 2003, các cơ quan chức năng, các ngành chuyên môn của huyện, tỉnh đã tích cực thực hiện đúng theo quy trình, quy định pháp luật.

Một số hộ dân tự tháo dỡ giao mặt bằng, lùi vào trong xây nhà.

Thời gian qua, trong quá trình chỉnh trang đô thị, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, chính quyền huyện Hoà Thành đã thực hiện nhiều dự án nâng cấp các con đường chính trên địa bàn huyện, trong đó có dự án nâng cấp đường 797 (nay là đường Hùng Vương).

Từ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai năm 2003, các cơ quan chức năng, các ngành chuyên môn của huyện, tỉnh đã tích cực thực hiện đúng theo quy trình, quy định pháp luật.

NGUỒN GỐC ÐẤT

Ðược biết, từ khi xảy ra khiếu kiện đến thời điểm hiện nay, UBND huyện Hoà Thành, UBND tỉnh luôn tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, ban hành các văn bản giải quyết khiếu nại đối với các hộ dân có đơn khiếu nại đúng theo quy định pháp luật.

Trước khi ban hành các văn bản giải quyết khiếu nại, chính quyền cấp huyện và cấp tỉnh đã nhiều lần báo cáo chi tiết cho các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ về nguồn gốc đất cũng như quá trình giải quyết khiếu nại.

Tuy nhiên, do khu vực đất nằm ngay trung tâm huyện Hoà Thành, đất thực hiện dự án giáp với đất của các hộ dân trước đây do Hội thánh Cao Ðài Tây Ninh cấp, nên khi giải toả làm đường đã xảy ra khiếu nại. Trên tinh thần thận trọng xem xét thấu tình đạt lý, UBND tỉnh đã nhiều lần báo cáo các bộ, ngành Trung ương, xin ý kiến Chính phủ.

Quá trình giải quyết khiếu nại, UBND huyện Hoà Thành xác định nguồn gốc đất như sau: khu vực thị trấn Hoà Thành ngày nay, trước đây là ấp Long Hoa, xã Long Thành, quận Phú Khương cũ. Vào năm 1952 - 1953, khu đất này được Hội thánh Cao Ðài Tây Ninh quy hoạch chi tiết khá đầy đủ để tiến hành xây dựng và phát triển một khu đô thị tập trung.

Các trục lộ “bát quái” từ 8 hướng đổ về con đường vòng quanh chợ Long Hoa (nay là Trung tâm thương mại Long Hoa) được quy hoạch với chiều rộng 40m. Ðây là quy hoạch tổng thể lâu dài, khá hoàn chỉnh và mang tính khoa học cao.

Thời điểm hơn 60 năm trước, trên lộ “bát quái” về hướng Bắc (cửa 1 chợ Long Hoa, nay là một đoạn trên đường tỉnh 797), Hội thánh Cao Ðài có xây dựng một số ki-ốt dọc hai bên đường để cho thuê thu huê lợi dùng cho việc đạo.

Ðến năm 1971, do các chủ thuê ki-ốt sử dụng không đúng quy định, xây lấn chiếm thêm, lại không có hệ thống thoát nước, gây ra tình trạng mất vệ sinh nên Văn phòng Thái chánh Phối sư có văn bản chỉ đạo cho “Ban hỗn hợp, kiểm soát, chỉnh trang đường phố Long Hoa” giải toả các ki-ốt nêu trên.

Tuy nhiên, qua nhiều năm, vẫn chưa thực hiện được. Sau đó, các hộ dân này lại có lời thỉnh nguyện gửi đến ngài Thái Chánh Phối sư xin được tiếp tục thuê các ki-ốt để được mua bán mưu sinh nhưng không được chấp thuận. Theo UBND huyện Hoà Thành, phần lớn các hộ dân này nằm trong danh sách 26 hộ có đơn khiếu nại, khi chính quyền Hoà Thành thực hiện việc giải toả, nâng cấp đường 797.

Sau ngày 30.4.1975, Nhà nước ta tiếp quản và quản lý đất đai theo quy định. Quá trình quản lý, lãnh đạo huyện Hoà Thành (quận Phú Khương cũ) giao cho Phòng Công nghiệp huyện quản lý và tiếp tục cho thuê.

Trong quá trình được thuê, sử dụng, các hộ dân đã có kê khai đăng ký ruộng đất theo chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định, các chủ thuê ki-ốt khu vực này không thuộc diện được công nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, chính quyền huyện Hoà Thành không xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDÐ).

Trong một số văn bản quản lý của cơ quan hành chính Hội thánh Cao Ðài đối với các hộ dân thuê ki-ốt nêu trên, thánh lịnh của Văn phòng Hộ pháp đường cho thấy, “trên 30 hộ dân trong đó có nhiều đạo hữu không chấp hành triệt để đạo pháp”, nên công việc chỉnh trang đường phố chưa được thực hiện nhiều năm liền, cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước.

Từ sau giải phóng, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý trật tự xã hội trên địa bàn huyện Hoà Thành, ngày 31.10.1986, UBND huyện có Thông báo số 28/TB.UB về việc giải toả khu vực quy hoạch xây dựng bar (ki-ốt) trước đây, từ cửa 1 chợ Long Hoa đến Báo Quốc Từ (tại vị trí giao lộ Phạm Văn Ðồng - Hùng Vương).

Tiếp đó, ngày 16.8.1988, UBND huyện Hoà Thành ban hành Quyết định 01/QÐ-UB, trong đó nêu rõ: “Lộ từ Báo Quốc Từ… giữ nguyên quy hoạch đường rộng 40m. Trước mắt, khai thông đưa vào sử dụng phục vụ giao thông là 30m. Từ tim đường ra mỗi bên là 15m”.

KẾT LUẬN CỦA CHÍNH PHỦ

Theo UBND huyện Hoà Thành, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã kế thừa các quy hoạch và lộ giới giao thông của Hội thánh Cao Ðài trên địa bàn huyện Hoà Thành nói chung và thị trấn Hoà Thành nói riêng.

Thực tế cho thấy, chủ trương này khi được huyện triển khai thực hiện được đại đa số người dân Thị trấn là tín đồ đạo Cao Ðài đồng thuận, chấp hành nghiêm chỉnh, trong đó có dự án nâng cấp đường 797. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ dân khiếu nại, và do chính quyền thận trọng xem xét nguồn gốc đất và các quy định pháp luật liên quan nên quá trình giải quyết kéo dài nhiều năm.

Cuối năm 2012, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 414/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ - NV) về vụ việc khiếu nại của các hộ dân với nội dung như sau:

“Ngày 3.12.2012, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về việc giải quyết khiếu nại của 26 hộ dân ở đường 797, thuộc khu phố 1 và khu phố 2, thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh. Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh báo cáo và ý kiến các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến kết luận như sau:

Thứ nhất, đồng ý với kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh đối với Quyết định 01/QÐ-UB ngày 15.8.1988 của UBND huyện Hoà Thành về việc công nhận quy hoạch lộ giới 40m, do Hội thánh Cao Ðài Tây Ninh quy hoạch từ năm 1953, là có căn cứ pháp lý.

UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức thực hiện quy hoạch và xem xét, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của 26 hộ dân liên quan đến việc thực hiện quy hoạch trên. Không xem xét cấp giấy CNQSDÐ và không bồi thường về đất đối với diện tích đất các hộ dân nằm trong chỉ giới quy hoạch; thực hiện bồi thường vật kiến trúc và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật hiện hành; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân về chỗ ở, giải quyết đất ở theo quy định của pháp luật (có thể lùi vào trong nếu còn đất trống); đồng thời làm tốt công tác vận động, thuyết phục các hộ dân nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, UBND tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện các nội dung đã thống nhất với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường; chỉ đạo UBND huyện Hoà Thành thực hiện Quyết định 12/QÐ-UB; lập kế hoạch chi tiết về phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư trình UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt.

Thứ ba, ý kiến chỉ đạo này thay thế ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1985/VPCP-V.II ngày 13.4.2007 của Văn phòng Chính phủ; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm chỉnh chấp hành”.

ÐÃ GIẢI QUYẾT KHIẾU KIỆN THEO ÐÚNG QUY ÐỊNH PHÁP LUẬT

Ðược biết, sau khi có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hoà Thành triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có 21 hộ không đồng ý, trong đó có 2 hộ khiếu nại hành chính, 19 hộ khởi kiện hành chính yêu cầu huỷ các quyết định của Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành. UBND tỉnh ra quyết định bác đơn khiếu nại, Toà án các cấp tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các hộ dân.

Toà án nhận định, về nguồn gốc đất, năm 1926, Hội thánh Cao Ðài Tây Ninh ra đời, đã khai phá đất rừng (nay thuộc huyện Hoà Thành) để làm nơi thờ tự và các công trình phục vụ tôn giáo, cấp đất ở cho các tín đồ. Năm 1952 - 1953, Hội thánh Cao Ðài hoàn chỉnh quy hoạch giao thông, cụ thể, khu vực thánh địa Long Hoa thị quy hoạch thành 8 tuyến đường, có lộ giới mỗi tuyến 40m, và cất các ki-ốt cho các cá nhân tín đồ thuê buôn bán.

Quá trình sử dụng, các hộ thuê ki-ốt sử dụng không đúng mục đích, tự ý sang nhượng, lấn chiếm thêm dọc hai bên đường gây tình trạng mất vệ sinh nên năm 1971, Văn phòng Thái chánh Phối sư đạo Cao Ðài có văn bản giải toả các ki-ốt dọc hai bên đường, tuy nhiên thực hiện không triệt để.

Sau giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản và tiếp tục cho thuê. Quá trình sử dụng, các hộ tự ý cho thuê hoặc bán lại các ki-ốt cho người khác. Năm 1986 - 1988, UBND huyện Hoà Thành 2 lần giải toả khu vực ki-ốt, không cho xây mới để mở rộng đường, tính từ tim đường vào mỗi bên 20m.

Năm 1988, UBND huyện Hoà Thành ban hành quyết định giữ nguyên quy hoạch đường 40m, sau đó tiếp tục giải toả các hộ lấn chiếm lòng, lề đường. Năm 2007, UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh nền đường 32m, có văn bản chỉ đạo huyện Hoà Thành giữ nguyên lộ giới 40m, thực hiện dự án chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 nâng cấp đường 797 là 32m, giai đoạn 2 là 40m, yêu cầu khi chưa thực hiện giai đoạn 2, việc xây dựng trong phạm vi 4m của hai bên lề đường phải tuân thủ theo quy định pháp luật.

Quá trình giải quyết khiếu nại, UBND huyện Hoà Thành ban hành văn bản thu hồi các quyết định trước đây, đồng thời sau khi có kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND huyện Hoà Thành ban hành Quyết định 138/QÐ-UBND ngày 21.5.2013, có phần nội dung giữ nguyên Quyết định số 12/QÐ-UB.

Bản án nhận định, Quyết định 138/QÐ-UBND là quyết định đúc kết quá trình giải quyết khiếu nại liên tục từ trung ương đến địa phương, có sự thống nhất chặt chẽ giữa các cơ quan, thực hiện theo chỉ thị của cơ quan cấp trên nhằm giải quyết triệt để quá trình giải quyết khiếu kiện lâu dài và không trái với quy định pháp luật.

Sau khi UBND tỉnh ra quyết định bác đơn khiếu nại, toà án các cấp ra bản án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các hộ dân, UBND huyện Hoà Thành ra thông báo yêu cầu các hộ tự giải toả trả lại mặt bằng để UBND thực hiện dự án.

Ðược biết, quá trình thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Hoà Thành đã dự toán số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng, và đã có 15 hộ nhận trên 1,3 tỷ đồng. Qua công tác vận động, tuyên truyền, có một số hộ đã tự tháo dỡ, trả mặt bằng, UBND huyện cũng đã cấp giấy CNQSDÐ phần đất còn lại sau khi giải toả.

Như vậy, trong lúc thực hiện dự án nâng cấp đường 797, UBND huyện Hoà Thành tổ chức thu hồi mặt bằng các hộ đã ở trước đây nhưng không được Nhà nước công nhận và cấp giấy CNQSDÐ theo quy định pháp luật, vì đất nằm trên lộ giới quy hoạch trước đây của Hội thánh Cao Ðài và sau này là của chính quyền cách mạng.

Khi các hộ dân khiếu nại, các cấp chính quyền từ địa phương đến trung ương đã quan tâm xem xét nguồn gốc, và căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành giải quyết đúng quy định.

Thiết nghĩ, nhằm góp phần cùng chính quyền chỉnh trang đô thị, vì cộng đồng, các hộ dân nên thực hiện việc tháo dỡ các công trình trên đất lộ giới, tạo điều kiện để UBND huyện Hoà Thành sớm hoàn thành dự án nâng cấp đường 797.

ÐỨC TIẾN - THIÊN TÂM