Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo đơn của ông Nguyễn Hữu Phần, ngụ xã An Hoà, huyện Trảng Bàng gửi đến Báo Tây Ninh, cha mẹ ông là ông Nguyễn Văn Nga (qua đời năm 1993) và bà Bùi Thị Trao có tất cả 8 người con. Năm 1998, bà Trao có lập tờ tương phân QSDĐ của gia đình chia làm 10 phần.
Trong đó, có một phần đất diện tích 1.150m2 (thực tế là 1.280m2) dùng làm khu đất thổ mộ và được xem như tài sản chung của các anh em. Tờ tương phân trên được UBND xã An Hoà thị thực vào ngày 26.12.1998. Trên đất hiện có 10 ngôi mộ của người thân trong gia tộc, có cả mộ của ông Nga. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng đất, người em út của ông Phần là ông Nguyễn Ngọc Trân đã tự ý đi đăng ký kê khai quyền sử dụng phần đất thổ mộ cho riêng mình.
Ông Phần (bên phải) và ông Tấn cho rằng việc ông Trân tự ý đi kê khai đăng ký QSDĐ và rào chắn khu thổ mộ gia tộc là việc làm không thể chấp nhận được
Điều đáng nói, trong tờ tương phân có thể hiện rõ phần đất thổ mộ là tài sản hương hoả, thế nhưng ông Trân vẫn làm được “sổ đỏ” trong khi chưa có sự đồng ý của các anh em còn lại. Cụ thể, ông Trân được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ 1.280m2 lần đầu vào ngày 16.12.2014, tờ bản đồ số 47, loại đất trồng cây hằng năm khác, bao gồm các thửa 146, 148, 149, 177.
Sau đó, ông Trân được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp đổi “sổ đỏ” lần hai vào ngày 31.5.2018, hợp các thửa đất trên thành một thửa số 1390, diện tích và tờ bản đồ như cũ nhưng trong đó có 400m2 đất thổ cư. Nay ông Phần cùng nhiều anh chị em khác yêu cầu cơ quan chức năng xem xét thu hồi “sổ đỏ” đã cấp cho ông Trân, trả lại phần đất thổ mộ gia tộc như trong tờ tương phân QSDĐ đã được lập.
Ngày 8.11.2018, UBND huyện có Văn bản số 192 trả lời cho ông Phần và nhiều anh chị em khác trong gia đình. Cụ thể, ngày 23.11.1998, bà Trao lập tờ tương phân QSDĐ, phân chia đất của gia đình làm 10 phần, trong đó có phần đất thổ mộ và hương quả với diện tích khoảng 1.150m2. Theo nội dung tờ tương phân, phần đất thổ mộ và hương quả không tính vào phần đất phân chia cho các con bà Trao, khu đất mộ sau này do các con bà Trao tự thoả thuận.
Tờ tương phân với sự có mặt đầy đủ và thống nhất của các con bà Trao, trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Dùm, Nguyễn Văn Chót. Ngày 26.12.1998, UBND xã An Hoà cũng đã thị thực vào tờ tương phân… Việc sau này bà Trao lập giấy tặng cho phần đất thổ mộ cho con út Nguyễn Ngọc Trân (vào năm 2007), sau đó ông Trân đi kê khai đăng ký và được cấp “sổ đỏ” với lý do nguồn gốc đất do mẹ cho vào năm 1998 là trái với tờ tương phân mà bà Trao cùng các con đã lập.
Văn bản trả lời của UBND huyện còn nêu rõ, phần diện tích đất đang tranh chấp là của ông Nga và bà Trao để lại, dùng làm đất thổ mộ, hương hoả. Chưa được sự thống nhất của các anh chị em trong gia đình, nhưng ông Trân đã kê khai đăng ký và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là không đúng quy định pháp luật (căn cứ khoản 5, khoản 6 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai). Việc các anh, chị của ông Trân yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ nêu trên là có cơ sở. Tuy nhiên, do ông Trân đã xin chuyển mục đích sử dụng số đất này và đã được giải quyết nên việc thu hồi “sổ đỏ” chỉ được thực hiện khi có bản án của TAND.
Tại Bản án sơ thẩm số 13 (khiếu kiện quyết định hành chính về huỷ giấy chứng nhận QSDĐ) ngày 20.8.2019 của TAND tỉnh, ông Trân có ý kiến thống nhất với lời trình bày của ông Phần về nguồn gốc đất và tờ tương phân mà mẹ Trao đã lập ngày 23.11.1998. Riêng phần đất thổ mộ và hương hoả thì bà Trao đã làm giấy tặng cho ông vào ngày 25.12.2007. Việc tặng cho đất được UBND xã An Hoà xác nhận, vậy nên ông Trân mới đi kê khai và được cấp “sổ đỏ”. Ông Trân không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Phần về phần đất thổ mộ.
Toà án nhận định, ngày 25.12.2007, bà Bùi Thị Trao làm giấy tặng cho ông Trân phần đất diện tích 1.150m2 (thực tế là 1.280m2), được chính quyền địa phương xác nhận. Do đó, ông Trân làm thủ tục đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ. UBND xã An Hoà có thông báo đến toàn dân trong xã, trong hạn 15 ngày nếu không có ai tranh chấp hay khiếu nại gì, xã lập thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Trân. Thực tế, sau khi hết thời hạn 15 ngày, vẫn không có người khiếu nại hoặc tranh chấp, UBND xã đã lập thủ tục trình lên cấp trên cấp “sổ đỏ” cho ông Trân là phù hợp với quy định pháp luật… Toà tuyên xử, bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Phần về việc yêu cầu huỷ giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Nguyễn Ngọc Trân.
Ông Phần tại khu đất thổ mộ.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, một trong những người anh ruột của ông Trân bức xúc: “Nhà anh em chúng tôi đều cách UBND xã khá xa nên không thể nghe được loa phát nếu có thông báo về việc sẽ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Trân. Khách quan mà nói, trừ khi có việc gì cần thì người dân mới lên xã xem thông báo, không ai đang yên, đang lành lại cất công lên xã làm gì.
Sự thật là chỉ đến khi ông Trân xây dựng hàng rào kẻm B40 bao quanh khu đất, xây tường gạch lên cao che khuất các ngôi mộ thì anh chị em trong gia đình mới hay biết việc người em út đã lén lút đi đăng ký QSDĐ trước đó. Ngoài ra, trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, ông Trân đã kê khai nguồn gốc khu đất thổ mộ là do mẹ cho vào năm 1998. Vậy đến năm 2007, mẹ còn lập giấy tặng cho nữa là như thế nào? Việc kê khai như vừa nêu có mâu thuẫn”.
Ông Nguyễn Hữu Phần thắc mắc, vì sao trong bản án sơ thẩm không hề đề cập gì đến Văn bản số 192 ngày 8.11.2018 của UBND huyện Trảng Bàng trả lời cho các anh em của ông. Đây là văn bản trả lời của chính cơ quan cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho ông Trân, đồng thời huyện cũng đã thừa nhận việc cấp “sổ đỏ” như vậy là trái với tờ tương phân mà bà Trao cùng các con đã lập, không đúng quy định pháp luật.
“Hiện tôi đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị đến cấp Toà phúc thẩm cần xem xét Văn bản số 192 đang đề cập, tính pháp lý của tờ tương phân QSDĐ mà cả nhà đã cùng lập vào năm 1998, kể cả việc ông Trân kê khai có mâu thuẫn về nguồn gốc khu đất thổ mộ như nhận định của ông Tấn” - ông Phần cho biết.
Minh Quốc