Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chính quyền sai sót, người dân thiệt thòi
Chủ nhật: 05:05 ngày 10/05/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Sau khi ra quyết định thu hồi, huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cấp vào năm 2011 cho bà Nguyễn Ngọc Dung (với lý do cấp giấy chứng nhận không đúng chủ sử dụng đất và chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai), thay vì xử lý cán bộ đã tham mưu tắc trách, UBND huyện Gò Dầu lại yêu cầu người khiếu nại (là ông Nguyễn Hữu Duyên, SN 1968, ngụ ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu) làm đơn khởi kiện gửi đến TAND huyện yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp tài sản (là QSDĐ mà bà Dung được cấp vào năm 2011, đã bị thu hồi) là vô hiệu.

Phần đất mà ông Duyên khiếu nại.

THU HỒI, HUỶ BỎ GIẤY CẤP SAI...

Trong đơn khiếu nại gửi UBND huyện Gò Dầu về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 2013, ông Nguyễn Hữu Duyên trình bày: Vào năm 1978, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hen có mua một phần đất nông nghiệp diện tích 3.111,5m2 toạ lạc tại ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu.

Gia đình ông Duyên có 3 anh em gồm ông, bà Nguyễn Ngọc Dung và Nguyễn Ngọc Dân. Năm 1988, mẹ ông Duyên giao phần đất trên cho vợ chồng ông sản xuất để nuôi gia đình. Đến năm 1997, mẹ ông mất và phần đất trên do ông quản lý đến năm 2010.

Năm 2010, do làm ăn thất bại, bà Nguyễn Ngọc Dung có xin ông Duyên nhường lại số đất của mẹ để lại cho bà sản xuất. Sau đó bà Dung đi kê khai, đăng ký QSDĐ và được UBND huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Biết được, ông Duyên yêu cầu UBND huyện Gò Dầu xem xét giải quyết thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Dung, ông Trần Văn Trà.

Sau khi nhận đơn của ông Duyên, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh và xác định phần đất mà ông Duyên đang khiếu nại, trước đây do bà Nguyễn Thị Hen (mẹ ông Duyên) mua lại của ông Đỗ Văn Hoài (Phụ) vào năm 1982, không thực hiện theo thủ tục sang nhượng mà chỉ bằng miệng. Sau khi mua đất, bà Hen có sản xuất lúa. Khi còn sống bà Hen chưa phân chia đất cho 3 người con, cũng không để lại di chúc.

Năm 1989, sau khi lấy vợ, ông Duyên trở về sinh sống chung với mẹ ở ấp Cây Nính, xã Phước Trạch và ông Duyên được mẹ giao phần đất ở ấp Giữa để sản xuất chăm lo gia đình. Đến năm 1997, bà Hen mất, ông Duyên tiếp tục sử dụng phần đất này đến năm 2006, sau đó ông Duyên không sản xuất mà cho người khác thuê. Đến năm 2010, ông Duyên để lại phần đất này cho bà Dung sử dụng và bà Dung đã “âm thầm” đăng ký QSDĐ.

UBND huyện Gò Dầu xác định năm 1988, vợ chồng bà Dung về cất nhà ở riêng trên phần đất của mẹ thuộc ấp Cây Nính, xã Phước Trạch. Năm 2010, bà Dung kêu ông Duyên để 3.111,5m2 đất của mẹ ở ấp Giữa, xã Hiệp Thạnh cho bà sản xuất, nhưng bà lại cho người khác thuê. Sau đó 1 năm, bà Dung đi đăng ký kê khai QSDĐ và được UBND huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với phần đất nêu trên.

Bà Dung cho rằng nguồn gốc đất này do bà mua của ông Phụ vào những năm 1982, nhưng UBND huyện Gò Dầu khẳng định là không đúng. Vì qua xác minh thể hiện ông Đỗ Văn Hoài (Phụ) bán đất cho bà Hen (mẹ bà Dung) cách nay 30 năm. Bà Dung sinh năm 1971, vào thời điểm năm 1982 bà mới có 11 tuổi nên không thể mua đất được.

Thế nhưng không hiểu vì sao, vào ngày 30.10.2010, khi bà Nguyễn Ngọc Dung có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 3.111,5m2 nêu trên, UBND xã Hiệp Thạnh tổ chức lấy phiếu ý kiến lại không có dân cư ấp Giữa, mà chỉ có Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã Hiệp Thạnh và Trưởng ấp... Tầm Lanh.

Đến ngày 8.1.2011, UBND xã Hiệp Thạnh ký biên bản về việc kết thúc công khai kết quả xét duyệt đơn xin đăng ký QSDĐ. 2 ngày sau, UBND xã Hiệp Thạnh có tờ trình gửi UBND huyện Gò Dầu về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân.

Đến ngày 23.3.2011, vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Dung và ông Trần Văn Trà được UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ phần đất trên.

Xác định việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Dung là không đúng chủ sử dụng và chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai, ngày 26.7.2013, UBND huyện Gò Dầu ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ này.

Tiếp đến, ngày 12.5.2014, UBND huyện Gò Dầu ban hành quyết định huỷ bỏ giấy chứng nhận QSDĐ đã thu hồi của vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Dung và ông Trần Văn Trà.

NGƯỜI DÂN TỰ GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ

Dù UBND huyện đã thu hồi, huỷ bỏ giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Dung và ông Trần Văn Trà, nhưng hậu quả của việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng này khiến ông Duyên phải hứng chịu.

Bởi lẽ trước khi UBND huyện Gò Dầu thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, năm 2012 vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Dung đã đến phòng Công chứng số 2 làm hợp đồng thế chấp QSDĐ phần đất cho vợ chồng ông Trần Minh Phụng, thời gian thế chấp là 10 năm- kể từ ngày 1.7.2012, với số tiền 200 triệu đồng.

Sau khi giấy chứng nhận QSDĐ này bị huỷ bỏ, ông Duyên liên tục đến UBND xã Hiệp Thạnh, UBND huyện Gò Dầu để xin đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, với lý do là đất thừa kế.

Theo ông Duyên, sau đó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gò Dầu có văn bản đề nghị ông liên hệ với TAND huyện Gò Dầu yêu cầu phân chia di sản thừa kế phần đất trên, nhưng TAND trả lời không thụ lý giải quyết do đã hết thời hiệu (theo quy định pháp luật là 10 năm), nên người nào trực tiếp quản lý sản xuất thì người đó được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Liên hệ với cán bộ phụ trách tiếp công dân huyện Gò Dầu, vào ngày 6.5.2015, chúng tôi đươc biết bộ phận này sẽ hướng dẫn ông Duyên các bước thủ tục tiếp theo để giải quyết vụ việc. Theo bút ghi hướng dẫn của cán bộ tiếp dân thì ông Duyên phải liên hệ với TAND huyện yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp QSDĐ giữa bà Dung, ông Trà với ông Phụng do giấy chứng nhận này đã được UBND huyện huỷ bỏ.

Nhiều người thắc mắc là tại sao ông Duyên phải thực hiện việc yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng thế chấp QSDĐ giữa bà vợ chồng bà Dung, ông Trà với ông Phụng là vô hiệu, trong khi đây là hệ luỵ của việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ không đúng người sử dụng của chính quyền xã Hiệp Thạnh và huyện Gò Dầu?

Đây quả là chuyện chính quyền sai sót nhưng lại bắt ông Duyên đi giải quyết hậu quả. Tại sao chính quyền huyện Gò Dầu không yêu cầu những cán bộ xã Hiệp Thạnh tham mưu sai cho UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng bà Nguyễn Ngọc Dung trực tiếp yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng thế chấp QSDĐ trên vô hiệu?

Ông Nguyễn Hữu Duyên mong rằng chính quyền huyện, xã giải quyết việc của ông hợp lý, hợp tình để ông không phải chịu thêm nhiều thiệt thòi nữa từ việc làm sai của chính quyền.                                                                      

THẾ NHÂN 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục