Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính quyền vào cuộc, trị "cơn sốt đất ảo"
Thứ năm: 09:35 ngày 21/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh cũng như các địa phương, không để cho thị trường bất động sản trong tỉnh xáo trộn, bất ổn, giới đầu nậu, “cò đất” bắt đầu im hơi, lặng tiếng.

Thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu đã cắm biển cảnh báo tại các khu đất để cảnh báo người dân thận trọng trước tình trạng phân lô, bán nền.

CÒ ĐẤT DẦN HẾT CHỖ TUNG HOÀNH

Bước đầu, các địa phương đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền không để giới đầu nậu và “cò đất” tung ma trận thông tin về thị trường bất động sản.

Tại thị trấn Dương Minh Châu, chính quyền thị trấn đã cho cắm biển cảnh báo tại khu đất mà giới đầu nậu và “cò đất” quảng cáo là dự án, với nội dung: “Trên địa bàn thị trấn Dương Minh Châu và khu vực này không có dự án nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư xây dựng để bán dưới hình thức phân lô, bán nền. Đề nghị mọi người cảnh giác”.

Một lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, Thị xã đã chỉ đạo các địa phương, nơi có đầu nậu và “cò đất” thường xuyên hoạt động, gắn biển cảnh báo để người dân dễ dàng nhận biết, cảnh giác, tránh mắc bẫy những quảng cáo dự án ma trên mạng xã hội.

Hầu hết các địa phương đều vào cuộc và có những động thái quyết liệt để ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền, cũng như “xẻ thịt” đất nông nghiệp theo sự chỉ đạo của tỉnh. Trên mạng xã hội cũng không còn nhiều thông tin quảng cáo “phân lô, bán nền” rầm rộ như trước đây.

Theo một số người am tường về thị trường bất động sản, hiện giới đầu nậu và “cò đất” tạm thời "án binh" để chờ đợi thời cơ. Do đó, tỉnh cần kịp thời ban hành những quy định chặt chẽ về tách thửa, “hiến đất mở đường giao thông” hay “xin tự nâng cấp đường giao thông nông thôn”, những "chiêu trò" mà giới đầu nậu, "cò đất" đã lợi dụng kẽ hở trong các văn bản quy phạm pháp luật để phân lô, bán nền, gây xáo trộn thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quy hoạch…

Để tiếp tục ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt như yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; thẩm định nhu cầu chuyển mục đích theo quy định để tránh tình trạng chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở với quy mô diện tích lớn - một trong những nguyên nhân hình thành nên những khu dân cư tự phát do các chủ sử dụng có cơ sở để tách thửa hàng loạt đất ở. Đáng chú ý, UBND tỉnh sẽ ban hành văn bản thay thế Quyết định 28/2020/QĐ-UBND ngày 27.7.2020 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Dù giới đầu nậu đã tạm lắng xuống nhưng trên mạng xã hội vẫn còn những lời mời gọi người dân tham gia kinh doanh “ phân lô, bán nền” với những lời mời gọi hấp dẫn.

SAU “CƠN SỐT", AI LÀ NẠN NHÂN?

Khi xâm nhập thực tế để tìm hiểu về vấn đề này, chính chúng tôi cũng bất ngờ trước những “chiêu trò” mà giới đầu nậu và “cò đất” tung ra để tạo cơn sốt đất ảo. Một khu đất nông nghiệp ở một xã thuộc huyện Dương Minh Châu được lên đời nhờ việc “tự nâng cấp” đường hiện trạng phía trước và được quảng cáo trên mạng xã hội với những lời “có cánh”, như đây là một dự án do doanh nghiệp bất động sản lớn đầu tư.

Sau khi địa phương vào cuộc mới lộ ra một sự thật phũ phàng, khu đất vẫn còn của người chủ cũ nhưng không hiểu vì sao người này lại tách thành nhiều thửa đất, giao cho công ty trên quảng bá. Khi chính quyền "để mắt" tới, công ty rút quảng cáo, khu đất bị bỏ hoang, không canh tác.

Thực chất, công ty bất động sản được giao quảng bá chẳng thiệt hại gì ngoài việc bỏ ra một số vốn nhỏ đầu tư nâng cấp đường hiện trạng trước khu đất. Sau đó, bán được mảnh nào, công ty hưởng tỷ lệ phần trăm theo thoả thuận. 

Không ít nông dân vì nghe lời “có cánh” của những công ty kinh doanh bất động sản dạng này, mà trở thành nạn nhân của chính mình, khi mảnh đất có giá trị bị “băm” thành từng mảnh nhỏ.

Ở đây chúng tôi không nhắc đến những cá nhân có vốn nhàn rỗi, mua đất đầu tư kiếm lãi. Khi cơn sốt đất đã qua, hậu quả phải tự mình gánh chịu là chuyện đương nhiên trong cuộc chơi may rủi. Đáng thương nhất là những người dân chân chất mong muốn có một căn nhà để an cư nhưng bị mắc bẫy "cò đất”, rơi vào cảnh dở khóc, dở cười vì không thể cất nhà do mua đất nông nghiệp. 

Song song đó, không thể không nói đến một số địa phương cấp xã còn thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý trật tự xây dựng, tạo “kẽ hở” cho “cò đất” có nơi dụng võ. Một vài khu đất nông nghiệp có vài căn nhà xây cất trái phép tạo tiền lệ để “cò đất” lấy làm ví dụ quảng bá cho người dân có nhu cầu mua đất cất nhà.

Sau cơn sốt đất ảo, chỉ có người dân bị thiệt hại nhiều nhất, và những hệ luỵ mà giới đầu nậu và “cò đất” để lại là cơn đau đầu khó dứt đối với chính quyền địa phương.

T.P

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục