BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường: Mức vốn thấp, thời gian cho vay còn ngắn

Cập nhật ngày: 27/07/2009 - 05:53

Một số cơ sở chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm khi xả chất thải ra môi trường là do thiếu kinh phí.

Theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 14.8.2007 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường, đối tượng được hỗ trợ gồm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của UBND tỉnh. Thời gian áp dụng đến hết năm 2010. Các cơ sở lựa chọn phương án khắc phục ô nhiễm bằng các hình thức: Xử lý tại chỗ, di dời đến nơi khác hoặc chuyển đổi ngành nghề

Ông Ngô Đức Hà – Phó trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) - cho biết, để được hỗ trợ, các doanh nghiệp phải lập đề án xử lý môi trường gồm hồ sơ thuyết minh, bản vẽ kỹ thuật mô tả công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, kinh phí thực hiện và nộp hồ sơ tại Sở TN&MT để trình Ban chỉ đạo xem xét thẩm định.

Các cơ sở áp dụng biện pháp xử lý môi trường tại chỗ được hỗ trợ lãi suất tiền vay của 800 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng. Các cơ sở áp dụng biện pháp di dời được hỗ trợ lãi suất tiền vay của 1 tỷ đồng trong thời hạn 12 tháng. Cơ sở áp dụng biện pháp chuyển đổi ngành nghề được hỗ trợ lãi suất tiền vay của 500 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng. Các doanh nghiệp được ưu tiên hợp đồng thuê đất khi di dời vào khu quy hoạch của tỉnh, được tạo mọi điều kiện thuận lợi khi di dời đến các địa điểm khác trong tỉnh; được hỗ trợ 300.000/tháng/lao động tiền đào tạo trong thời gian không quá 3 tháng. Lao động tạm nghỉ việc chờ doanh nghiệp xử lý ô nhiễm môi trường được hưởng mức hỗ trợ thấp nhất bằng mức lương tối thiểu trong thời gian tối đa là 6 tháng (chỉ áp dụng đối với các nhà máy, cơ sở hoạt động trước khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực). Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hưởng một số chính sách khác…

Theo thông tin từ Sở TN&MT, sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 19/QĐ-UB của UBND tỉnh, Sở chỉ tiếp nhận được… 3 hồ sơ xin vay vốn ưu đãi của các cơ sở sản xuất phải khắc phục ô nhiễm. Trong đó có 2 hồ sơ chưa hợp lệ nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, 1 hồ sơ được Quỹ tín dụng Đầu tư và Phát triển Tây Ninh đồng ý cho vay. Theo Chi cục Môi trường, sở dĩ việc thực hiện quyết định trên còn hạn chế là do nhiều nguyên nhân chủ quan: Công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện… chưa rộng khắp đến các cấp chính quyền, các cơ sở. Một số doanh nghiệp không nắm rõ những điều kiện và các yêu cầu để được hưởng chính sách hỗ trợ khi khắc phục ô nhiễm môi trường. Các địa phương nơi có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải xử lý ô nhiễm môi trường chưa tích cực chỉ đạo việc triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho các cơ sở.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ lãi suất cho vay để xử lý tại chỗ và mức hỗ trợ lãi suất cho vay để di dời, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường còn thấp so với nhu cầu thực tế đầu tư để khắc phục ô nhiễm nên chưa đáp ứng được sự mong mỏi của các cơ sở được hưởng chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, thời gian được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi từ 6 đến 12 tháng là ngắn so với thời gian xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm đạt yêu cầu về môi trường. Việc hướng dẫn các thủ tục và quy trình thực hiện để được hưởng các chính sách hỗ trợ còn bất cập, thiếu thống nhất giữa Ban chỉ đạo và các tổ chức tín dụng về thủ tục hồ sơ cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi khi thực hiện chính sách (theo quy định của Quỹ tín dụng đầu tư và phát triển thì các cơ sở phải được chứng nhận và nghiệm thu công trình xử lý chất thải mới được hưởng chính sách ưu đãi). Mức vay và thời gian vay còn tùy thuộc vào đơn vị cho vay. Tỉ lệ cho vay trong tổng kinh phí đầu tư của từng dự án chưa được quy định cụ thể… cũng là những khó khăn cần tháo gỡ cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ.

Theo Chi cục Môi trường, các cơ sở cần được vay mức tương đương với tổng kinh phí của đề án được duyệt, trong khi Quyết định số 19/QĐ-UB không quy định cụ thể về thời gian cho vay và mức cho vay tín dụng cho từng loại cơ sở sản xuất. Việc di dời các cơ sở, nhà máy sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn về địa điểm xây dựng mới do các địa phương, các khu, cum công nghiệp không tiếp nhận cơ sở chế biến khoai mì do ô nhiễm môi trường cao khó xử lý đạt quy định. Hơn nữa, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương không mở rộng quy mô sản xuất để giữ nguyên công suất chế biến khoai mì hiện nay.

Theo ông Ngô Đức Hà, mặc dù tỉnh đã quy hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2005 -2010, nhưng cơ sở hạ tầng của các vùng quy hoạch chưa được xây dựng, các cơ sở sản xuất gạch thuộc diện phải di dời bị buộc phải áp dụng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường nhưng lại nhận được mức hỗ trợ không tương xứng nhu cầu, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn…

Để việc hỗ trợ các cơ sở phải khắc phục ô nhiễm môi trường thực sự có hiệu quả, ông Hà cho biết Sở TN&MT sẽ kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh một số nội dung trong Quyết định số 19/QĐ-UB như: Tăng thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đến năm 2015; tăng thời hạn vay vốn lên hai đến ba năm; tăng mức cho vay lên khoảng 50% tổng kinh phí đầu tư công trình xử lý môi trường được phê duyệt; quy định rõ thời điểm cho vay sau khi cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ được phê duyệt…

BẢO TÂM


 
Liên kết hữu ích