Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chính sách mới nổi bật, có hiệu lực từ tháng 12.2021
Thứ năm: 01:21 ngày 02/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ tháng 12.2021, nhiều chính sách mới liên quan đến công chức, viên chức, lệ phí trước bạ, giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc… có hiệu lực.

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước

Đó là nội dung chính của Nghị định 103/2021/NĐ-CP ngày 26.11.2021 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1.12.2021 đến hết ngày 31.5.2022 bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định Nghị định 20/2019/NĐ-CP ngày 21.2.2019 của Chính phủ và các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Từ ngày 1.6.2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP ngày 21.2.2019 của Chính phủ.

11 thông tin cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Theo Quyết định 31/2021/QĐ-TTg ngày 11.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng dịch vụ công quốc gia, có hiệu lực từ ngày 9.12.2021, các thông tin cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia gồm thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quyết định công bố thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan; thông tin hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan; thông tin, thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, về tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; thông tin về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công khác.

Ngoài ra, thông tin địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ; thông tin về nghĩa vụ tài chính và thanh toán nghĩa vụ tài chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; thông tin về dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; thông tin về điều khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các thông tin khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng được cung cấp trên Cổng dịch vụ quốc gia.

Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại khoản 3, Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP  ngày 18.10.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực từ ngày 10.12.2021).

Theo quy định cũ tại Điều 16 Nghị định 101/2017/NĐ-CP, nội dung bồi dưỡng của công chức, viên chức gồm lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kỹ năng quản lý Nhà nước; quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, nghề nghiệp, hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP chỉ quy định nội dung bồi dưỡng gồm lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước và theo yêu cầu vị trí việc làm.

Thay đổi về cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Từ ngày 23.12.2021, Nghị định 97/2021/NĐ-CP ngày 8.10.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23.2.2018 sẽ có hiệu lực thay đổi việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo khoản 4 Điều 1, thay vì sử dụng mẫu cũ cố định tại Phụ lục I Nghị định 23/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Tuy nhiên, trên giấy chứng nhận vẫn phải đảm bảo có các nội dung gồm tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy); địa chỉ tài sản được bảo hiểm; tài sản được bảo hiểm; số tiền bảo hiểm; mức khấu trừ bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm; tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm; tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm; ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Siết chặt quy định cá nhân vận động quyên góp từ thiện

Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27.10.2021 của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bênh hiểm nghèo sẽ có hiệu lực từ ngày 11.12.2021.

Cụ thể, khi vận động,tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên phương tiện truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (với tiền), địa điểm tiếp nhận (với hiện vật), thời gian cam kết phân phối; đồng thời, người vận động gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú thông báo về nội dung này. Chính quyền xã sẽ lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Theo nghị định, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện và có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết…

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục