Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2022
Thứ tư: 09:54 ngày 30/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Viên chức ngành Tài nguyên môi trường được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học; Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Cách xếp lương đối với viên chức chuyên ngành thể dục thể thao… là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Bổ sung đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ

Thông tư 8/2022/TT-BNV sửa đổi Thông tư 14/2019/TT-BNV quy định tặng Kỷ niệm chương về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 1/12/2022.

Theo đó, bổ sung 02 đối tượng được xét tặng Kỷ niệm chương là: Công dân có công lao đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển chung của Bộ Nội vụ hoặc một trong các ngành, lĩnh vực: Tổ chức nhà nước; Thi đua, khen thưởng; Tín ngưỡng, Tôn giáo; Văn thư, Lưu trữ; Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Thông tư 08 cũng quy định số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương gửi về Bộ Nội vụ như sau:

- Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp ngành Tổ chức nhà nước": 01 bộ;

- Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thi đua, Khen thưởng", "Vì sự nghiệp Quản lý nhà nước về Tín ngưỡng, Tôn giáo", "Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ": 02 bộ.

Đồng thời gửi kèm hồ sơ điện tử (ở định dạng “.doc” hoặc “.docx” đối với Tờ trình, danh sách; ở định dạng “.pdf” đối với báo cáo thành tích và các hồ sơ khác có liên quan; trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật Nhà nước).

Hiện hành chỉ quy định lưu hồ sơ 01 bộ tại đơn vị đề nghị; 01 bộ gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Nội vụ.

Ảnh minh họa

Viên chức ngành Tài nguyên môi trường được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học

Ngày 24/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 12/2022/TT-BTNMT về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, theo quy định mới, một số chức danh như địa chính viên hạng II, địa chính viên hạng III, địa chính viên hạng IV cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sau: có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm hoặc ngành, chuyên ngành đất đai, địa chính, bản đồ, trắc địa, viễn thám, địa lý; có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính (bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học so với quy định cũ).

Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài các tiêu chuẩn đã được quy định, địa chính viên hạng III phải có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm. Viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng III lên chức danh địa chính viên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh địa chính viên hạng III hoặc tương đương đủ từ 9 (chín) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh địa chính viên hạng III đủ từ 2 (hai) năm trở lên (quy định cũ 1 năm).

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/12/2022.

Quy định xếp lương với viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao (TDTT) có hiệu lực từ ngày 10/12/2022.

Theo đó, cách xếp lương các CDNN viên chức chuyên ngành TDTT quy định như sau:

- Áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004.

- Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm CDNN thì thực hiện xếp bậc lương theo CDNN được bổ nhiệm, đơn cử một số trường hợp sau:

+ Khi tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào CDNN huấn luyện viên hạng III xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 (viên chức loại A1);

+ Khi tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào CDNN huấn luyện viên hạng III xếp bậc 1, hệ số lương 2,34 (viên chức loại A1);…

- Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ CDNN hiện giữ sang CDNN viên chức chuyên ngành TDTT thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007.

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Ngày 26/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 triệu đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tổ chức giảng dạy theo kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo, thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, sổ giáo án; Không tổ chức giảng dạy đúng cấu trúc thời gian đào tạo lý thuyết, thời gian đào tạo thực hành của từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo. Đối với hành vi tổ chức cho người học bảo vệ khóa luận tốt nghiệp không đủ điều kiện theo quy định bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. Ngoài ra, hành vi xét công nhận tốt nghiệp cho người học khi chưa đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học bị phạt tiền như sau: Khi vượt quá quy mô lớp học từ 30 - 50% bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Khi vượt quá quy mô lớp học từ 50% trở lên bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

Nghị định có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

Ảnh minh họa

Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại

Ngày 28/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2022/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

Theo đó, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo một số nguyên tắc. Cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo giá thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại. Việc miễn hoặc giảm giá cho thuê nhà thấp hơn giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trên nguyên tắc "có đi có lại", phù hợp với quan hệ đối ngoại của Nhà nước…

Đối với quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ tương, căn cứ Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện thỏa thuận với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được sử dụng nhà để ký Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) sử dụng nhà quy định về trách nhiệm các bên trong thời gian sử dụng.

Ngoài ra, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại tổ chức thực hiện bàn giao nhà, đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Điều ước quốc tế; tổ chức thực hiện tiếp nhận, bảo vệ nhà, đất do tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trả lại khi hết thời hạn sử dụng hỗ tương…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất

Ngày 18/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

Theo đó, bổ sung quy định về các trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể:

Một là, hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất không xảy ra phản ứng hóa học tạo thành hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân.

Hai là, thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp có hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.

Tổ chức, cá nhân sử dụng tiền chất công nghiệp để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa khác phải thực hiện các quy định tại Chương V của Luật hóa chất. Ngoài ra, phải có đầy đủ hóa đơn mua tiền chất công nghiệp, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc nhà cung cấp các loại tiền chất công nghiệp, có phiếu xuất kho, nhập kho; phải lập sổ theo dõi tình hình sử dụng tiền chất công nghiệp với các thông tin theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng tiền chất công nghiệp, tổ chức, cá nhân phải có biện pháp quản lý, kiểm soát tiền chất công nghiệp và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm thất thoát tiền chất công nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.

Chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa

Ngày 9/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và quy hoạch các bến khách ngang sông tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để đảm bảo việc đầu tư mới các bến khách phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư công 2020 trong trường hợp sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư; ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy nội địa khai thác hàng công-ten-nơ ở phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hướng dẫn các địa phương có quy định cụ thể các điều kiện để đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa ở ngoài đê được hoạt động hiệu quả trong mùa mưa lũ.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/12/2022.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính.

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam từ ngày 1/12/2022

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) Việt Nam có hiệu từ ngày 01/12/2022 và thay thế Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017, Thông tư 09/2019/TT-BTC ngày 15/02/2019.

Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 31/2022/TT-BTC gồm 02 Phụ lục: Phụ lục I: Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam; Phụ lục II: 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.

Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam được sử dụng để: Xây dựng các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK; Xây dựng các Danh mục hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ và quy định tại khoản 4 Điều 26 Luật Hải quan; Thống kê Nhà nước về hàng hóa XK, NK; Phục vụ công tác quản lý nhà nước về XK, NK hàng hóa và các lĩnh vực khác.

Quy định kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và ATTP với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu

Thông tư 15/2022/TT-BNNPTNT về kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với mật ong có hiệu lực từ ngày 10/12/2022.

Theo đó, việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và ATTP đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu được quy định đơn cử như sau:

Cơ sở nuôi ong, thu mua mật ong: giám sát việc thực hiện nội dung đã cam kết theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT và theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cơ sở chế biến mật ong: Việc kiểm tra thông qua hoạt động kiểm tra để cấp Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y; Việc giám sát điều kiện vệ sinh thú y thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi tại khoản 11 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT ); Việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và ATTP đối với cơ sở đã được cấp các loại giấy chứng nhận có giá trị tương đương Giấy chứng nhận vệ sinh thú y thực hiện theo yêu cầu của bên nhập khẩu hoặc tổ chức, cá nhân xuất khẩu;

Giấy chứng nhận có giá trị tương đương giấy vệ sinh vệ sinh thú y gồm các loại giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT).

Nguồn congly

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh