Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2023
Thứ ba: 08:39 ngày 02/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chính thức cấp sổ hồng cho condotel; không bắt buộc giáo viên tiểu học, THCS hạng I không cần có bằng thạc sĩ... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 5-2023.

Từ tháng 5-2023, nhiều quy định mới về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giáo dục sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Nhiều thay đổi về cấp hồng từ 20-5

Ngày 3-4, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là sổ hồng).

Cụ thể, theo Nghị định 10, công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, về xây dựng, về kinh doanh BĐS thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.

Hiện nay, Luật Du lịch 2017 quy định cơ sở lưu trú du lịch bao gồm khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch khác.

Như vậy, Nghị định 10 của Chính phủ sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng có hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp sổ hồng cho loại hình bất động sản là căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa)...

Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung quy định về giấy tờ cần có khi cấp sổ hồng cho dự án không phải nhà ở; sửa quy định về thẩm quyền cấp sổ hồng và quy định cụ thể về cấp sổ trên môi trường điện tử (Xem chi tiết tại đây).

Nghị định 10/2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 20-5 tới đây.

Cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2023

Thông tư 06/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 9-5-2023 đã sửa đổi một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó có quy định về những vật dụng được mang vào phòng thi.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 trong 1 tiết học. Ảnh: HP

Theo quy chế mới (đã được sửa đổi, bổ sung) thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.

Có thể thấy, nếu trong kỳ thi trước, thí sinh còn được mang cả các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Tuy nhiên, từ kỳ thi tốt nghiệp năm 2023, thí sinh sẽ không mang theo các máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi ngay cả khi chúng không có chức năng truyền, nhận thông tin, tín hiệu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6. Cụ thể: ngày 27-6, thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 và 29-6 thí sinh làm bài thi; ngày 30-6 dự phòng.

Từ 30-5, giáo viên tiểu học, THCS hạng I không cần có bằng thạc sĩ

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 08/2023 sửa đổi 4 thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập gồm 04 Thông tư: Thông tư 01/2021 về giáo viên mầm non, Thông tư 02/2021 về giáo viên tiểu học, Thông tư 03/2021 về giáo viên THCS và Thông tư 04/2021 về giáo viên THPT.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên tiểu học hạng I, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc chuyên ngành giảng dạy hoặc chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc ngành quản lý giáo dục và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng I.

Tuy nhiên, theo Thông tư mới, giáo viên không bắt buộc có bằng thạc sĩ mà chỉ cần bằng cử nhân trở lên thuộc chuyên ngành giảng dạy hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định một loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT; thay vì theo các hạng 1, hạng 2, hạng 3 hoặc hạng 4 như hiện nay.

Cụ thể, giáo viên mầm non sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non. Giáo viên tiểu học sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học. Giáo viên THCS sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS. Giáo viên THPT sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT.

Trường hợp giáo viên mầm non đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên tiểu học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên THCS đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I, hạng II, hạng III; giáo viên THPT đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng I, hạng II, hạng III theo quy định của pháp luật trước ngày 30-6-2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học quy định tại Thông tư 08.

Thông tư 08 có hiệu lực từ ngày 30-5-2023.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh