BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách, pháp luật đối với giáo dục: Thiếu đồng bộ 

Cập nhật ngày: 24/09/2020 - 21:22

BTN - Trong khi chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên “có hiệu lực ngay lập tức” và bị cắt “cái rẹt” thì chế độ đóng học phí lại chưa được thực hiện theo cách tương tự.

Học sinh lớp 9 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021.

Kể từ ngày 1.7.2020, Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực. Trong nhiều nội dung của luật này, chính sách đối với giáo viên, học sinh được chú ý hơn cả. Thực tế cho thấy, việc thực thi chính sách, pháp luật đối với giáo dục vẫn còn bất cập, thiếu tính đồng bộ, cụ thể là chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên và học phí đối với học sinh cấp trung học cơ sở.

Ngày 4.7.2011, Chính phủ ban hành Nghị định 54 quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục công lập), đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NÐ-CP ngày 14.12.2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo đó, nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hằng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Sau một thời gian áp dụng, năm 2018, Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, trong đó có đề cập đến chế độ phụ cấp đối với nhiều ngành nghề, bao gồm cả phụ cấp thâm niên.

Theo đó: “Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường...).

Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề)”.

Ðể thể chế hoá Nghị quyết 27, năm 2019, Luật Giáo dục sửa đổi được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, như đã đề cập ở phần đầu bài. Theo quy định của Luật Giáo dục mới, chế độ phụ cấp thâm niên không còn được ghi trong nội dung của luật này.

Ðiều 76 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”. Còn theo Ðiều 77 (chính sách đối với nhà giáo) thì: “Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hoà nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.

Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Căn cứ Ðiều 76, 77 của Luật, chế độ phụ cấp thâm niên không còn  quy định trong luật.

Trong khi chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên “có hiệu lực ngay lập tức” và bị cắt “cái rẹt” thì chế độ đóng học phí lại chưa được thực hiện theo cách tương tự. Cụ thể là năm học này, học sinh cấp THCS vẫn phải đóng học phí.

Trước hết, theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, học sinh tiểu học, THCS và cả một số nhóm học sinh mầm non (tuỳ theo địa bàn sinh sống) không phải đóng học phí. Các điểm 3, 4, 5 trong Ðiều 99 quy định: “Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.

Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 điều này và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”. Trên thực tế, điểm mới về chế độ học phí trong Luật Giáo dục năm 2019 chỉ dành cho học sinh THCS. Riêng học sinh cấp tiểu học, chế độ thu học phí đối với học sinh đã bãi bỏ từ rất lâu.

Căn cứ quy định và theo nguyên tắc, khi luật đã có hiệu lực thì năm học này học sinh cấp THCS không phải đóng học phí. Tuy nhiên, trong Luật Giáo dục năm 2019 lại có quy định “học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”.

Mặt khác, các quy định của Trung ương và địa phương về chính sách thu học phí, trong đó có cấp THCS vẫn còn hiệu lực (cũng giống như Nghị định 54 về phụ cấp thâm niên). Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn thu học phí đối với học sinh cấp THCS.

Trong văn bản hướng dẫn thu chi các khoản đầu năm yêu cầu cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện, Sở GD&ÐT có nêu “mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thực hiện theo Ðiều 1 Quyết định 73/2016/QÐ-UBND ngày 29.12.2016 của UBND tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh”.

Thông tin nêu trên cho thấy sự thiếu thống nhất, thiếu tính đồng bộ trong việc thực thi chính sách pháp luật liên quan đến ngành Giáo dục. Theo ý kiến của một số cán bộ quản lý đang công tác trong ngành Giáo dục, việc ngay lập tức ngừng chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên mặc dù theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục, nhưng nhìn nhận cho thấu đáo không phải không có những bất hợp lý.

“Chưa tăng lương tối thiểu theo lộ trình, đề án cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 phải tạm dừng hoặc lùi thời gian thực hiện nhưng lại cắt ngay phụ cấp thâm niên là không hợp lý mặc dù không sai luật” - một cán bộ giàu kinh nghiệm về mảng chính sách trong ngành Giáo dục nêu ý kiến.

Việt Ðông