Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính sách trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình
Thứ bảy: 07:46 ngày 22/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phụ nữ bị bạo lực gia đình phần lớn thiếu kiến thức về pháp luật, đặc biệt là kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới còn hạn chế. Do đó, khi có hành vi bạo lực xảy ra, các chị em không biết phải làm sao, giải quyết như thế nào, cũng như cách tự bảo vệ mình.

Bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vốn đã tồn tại từ rất lâu đời trong các xã hội phong kiến với tư tưởng trọng nam, khinh nữ; “chồng chúa, vợ tôi”; người phụ nữ không có việc làm, sống phụ thuộc vào người đàn ông nên họ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, có thể bị đem ra mua bán, trao đổi như một món hàng hoá ngoài chợ.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có việc làm, có thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình, có những vị trí cao trong xã hội nên dần dần họ ít bị lệ thuộc vào nam giới. Nhưng như thế không hẳn là không còn tình trạng bạo lực gia đình, hành vi bạo lực gia đình không còn gói gọn trong việc đánh đập về thể chất, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà còn bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế hay bạo lực về tình dục.

Người phụ nữ với bản tính vốn cam chịu, ngại chia sẻ, quan niệm vợ chồng “đóng cửa bảo nhau”, rồi ngần ngại trong chuyện thầm kín khi bị bạo lực về tình dục, dần dần tập thành thói quen chịu đựng, lâu ngày họ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình trong một xã hội hiện đại. Do vậy, bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn có cơ hội tồn tại, phát triển, có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Phụ nữ bị bạo lực gia đình phần lớn thiếu kiến thức về pháp luật, đặc biệt là kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới còn hạn chế. Do đó, khi có hành vi bạo lực xảy ra, các chị em không biết phải làm sao, giải quyết như thế nào, cũng như cách tự bảo vệ mình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 14.11.2022, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2023. Luật này gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, trong đó có một số điểm mới và nội dung về trợ giúp pháp lý (TGPL). 

Quyền được TGPL của người bị bạo lực gia đình

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ TGPL theo quy định của pháp luật. Tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 quy định nạn nhân bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính được TGPL.

Bên cạnh đó, nạn nhân bị bạo lực gia đình được TGPL khi thuộc một trong các trường hợp: là người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, nạn nhân bị bạo lực gia đình thuộc một trong các trường hợp sau đây cũng được TGPL: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV. Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL hướng dẫn “Điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL quy định tại Khoản 7 Điều 7 của Luật TGPL là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật”.

Nạn nhân bị bạo lực gia đình theo các nhóm đối tượng liệt kê trên đây được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Họ có thể tự mình hoặc thông qua người thân, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL. Ngoài ra, họ còn được thông tin về quyền được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan; được quyền yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL.

TGPL là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình

TGPL là một trong những biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình được quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 22 và Khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Theo đó, người bị bạo lực gia đình được Trung tâm TGPL nhà nước hoặc tổ chức tham gia TGPL cung cấp dịch vụ TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL. Và Luật TGPL năm 2017 quy định TGPL được thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. TGPL theo các hình thức sau đây:

Tư vấn pháp luật: là việc người thực hiện TGPL thực hiện tư vấn pháp luật cho người được TGPL bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc TGPL.

Tham gia tố tụng: người thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật.

Đại diện ngoài tố tụng: người thực hiện TGPL đại diện cho người được TGPL trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định, cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

Theo đó, tại Điểm d Khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 38 Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì Trung tâm TGPL nhà nước, tổ chức tham gia TGPL là một trong những cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình. Trung tâm TGPL nhà nước, tổ chức tham gia TGPL thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL cho người bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về TGPL.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 cũng quy định Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hoà giải viên, người thực hiện TGPL về phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời hướng dẫn Trung tâm TGPL nhà nước, tổ chức tham gia TGPL thực hiện báo cáo thống kê trường hợp người bị bạo lực gia đình được TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL.

Thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Tư pháp, sự phối hợp và tạo điều kiện của các ban, ngành, đoàn thể, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh đã và đang thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần không nhỏ vào công tác TGPL, truyền thông về chính sách TGPL đến cơ sở nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ; phòng, chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh.

LG. Ngọc Linh

Báo Tây Ninh
tư vấn pháp luật
Tin cùng chuyên mục