Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo BHXH tỉnh, tính đến ngày 26.3, BHXH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết cho 3 đơn vị về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất giày.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra đang diễn biến phức tạp, khó lường. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai việc thực hiện gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế theo các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo đó, trường hợp được gia hạn nộp thuế được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 31 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6.11.2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các trường hợp bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ.
Cụ thể, thiệt hại vật chất là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hoá, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền.
Những trường hợp được coi là tai nạn bất ngờ bao gồm: tai nạn giao thông; tai nạn lao động; mắc bệnh hiểm nghèo; bị dịch bệnh truyền nhiễm vào thời gian và tại những vùng mà cơ quan có thẩm quyền đã công bố có dịch bệnh truyền nhiễm; các trường hợp bất khả kháng khác. Để được gia hạn nộp thuế theo quy định trên, người nộp thuế phải lập và gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
Về trường hợp được miễn tiền chậm nộp thuế, theo khoản 1 Điều 35 Thông tư 156/2013/TT-BTC, người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 34 của thông tư này có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo hoặc trường hợp bất khả kháng khác. Hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp được quy định tại Khoản 3 Điều 35 Thông tư 156/2013/TT-BTC.
Theo Cục Thuế, từ đầu tháng 3.2020, Tổng cục Thuế đã có các Công văn số 896/TCT-DNNCN về việc tăng cường hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và số 897/TCT-QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cục Thuế đã đưa nội dung các văn bản này lên trang điện tử của Cục Thuế để thông tin đến người nộp thuế.
Bên cạnh đó, đơn vị đã lập tổ công tác đánh giá những tác động đến thu ngân sách Nhà nước do dịch Covid-19 gây ra để báo cáo về trên nhằm có biện pháp tăng cường quản lý thu và hỗ trợ người nộp thuế, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với người nộp thuế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), ngày 4.3.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12.2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Để triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thuộc các ngành nghề, dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động.
Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Phải tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6.2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6.2020, dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12.2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hằng tháng đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6.2020), kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đủ các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi.
Theo BHXH tỉnh, qua rà soát của đơn vị, nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 275 doanh nghiệp với tổng số trên 68.500 lao động thuộc các ngành nghề, lĩnh vực như sản xuất công nghiệp (may mặc, giày da…); sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ, hải sản; vận tải; khách sạn, nhà hàng… có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra liên quan đến công tác thu BHXH, BHYT.
Ông Phạm Văn Tâm - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, để bảo đảm việc hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và đúng quy định, BHXH tỉnh đã có văn bản yêu cầu BHXH các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và giải quyết sau khi có văn bản đồng ý của BHXH tỉnh theo đúng hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo một doanh nghiệp ở xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, doanh nghiệp này chủ yếu ký hợp đồng gia công giày với đối tác là người Trung Quốc, nhưng do tình hình dịch Covid-19, nên đối tác đã tạm dừng hợp đồng vô thời hạn. Do đó, công ty không có hợp đồng gia công, công nhân tạm thời phải ngừng việc, người sử dụng lao động và người lao động không có khả năng đóng BHXH. Vì vậy, công ty đã có văn bản đề nghị BHXH tỉnh xem xét giải quyết cho công ty tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 1.3 đến ngày 30.6.2020.
BHXH tỉnh cũng đã có văn bản đồng ý cho doanh nghiệp này tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) từ tháng 3 đến tháng 6.2020 và không tính lãi theo quy định. Trong thời gian này, công ty vẫn phải đóng tiền vào quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT (10%) để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6.2020), đề nghị đơn vị đóng đủ vào quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng trước đó.
Theo BHXH tỉnh, tính đến ngày 26.3, BHXH tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết cho 3 đơn vị về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trúc Ly