Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính thức giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện
Thứ sáu: 05:45 ngày 23/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một thời gian “âm ỉ”, cuối cùng, việc giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện đã chính thức được cấp có thẩm quyền quyết định, theo văn bản hướng dẫn sắp xếp lại tổ chức Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành, sau khi nhận được sự tán thành (bằng văn bản) của Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Công đoàn ngành giáo dục Tây Ninh tặng quà cho học sinh nghèo.

LỘ TRÌNH SẮP XẾP LẠI

Ngày 12.5.2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn số 704/HD-TLĐ hướng dẫn sắp xếp lại Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn giáo dục cấp huyện. Theo công văn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối tượng và điều kiện sắp xếp lại tổ chức Công đoàn gồm có: các Công đoàn ngành địa phương có dưới 2.000 đoàn viên và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố không có trong quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Công đoàn giáo dục cấp huyện.

Các công đoàn ngành địa phương không thuộc đối tượng sắp xếp lại bao gồm: Công đoàn viên chức, Công đoàn ngành y tế, Công đoàn ngành giáo dục, Công đoàn ngành dệt may cấp tỉnh.

 Theo hướng dẫn của Công văn 704, có ba nội dung chính trong việc sắp xếp lại tổ chức Công đoàn. Thứ nhất, về tổ chức, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố ban hành quyết định giải thể và chấm dứt hoạt động của ban chấp hành các Công đoàn ngành địa phương thuộc đối tượng sắp xếp lại; chuyển các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành địa phương được sắp xếp lại về trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo của công đoàn cấp trên khác phù hợp với đối tượng tập hợp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động cấp huyện ban hành quyết định giải thể và chấm dứt hoạt động của ban chấp hành Công đoàn giáo dục cấp huyện hiện có; chuyển các công đoàn cơ sở trường học về trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Liên đoàn Lao động cấp huyện.

Trường hợp công đoàn cơ sở chưa tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo kế hoạch chung của Tổng Liên đoàn thì giao cho công đoàn cấp trên mới tiếp nhận thực hiện công tác chỉ đạo đại hội, hội nghị công đoàn theo quy định.

Trường hợp công đoàn cơ sở đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ và bầu đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên, thì thực hiện quy định đại biểu dự đại hội theo Mục 8.5 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 4.3.2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về đại biểu chính thức dự đại hội.

Thứ hai, về cán bộ chuyên trách Công đoàn, văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, điều động cán bộ chuyên trách Công đoàn ngành địa phương được giải thể tăng cường cho công đoàn cấp trên khác có đông đoàn viên, thiếu biên chế và cơ quan Liên đoàn Lao động cấp tỉnh.

Điều động số cán bộ Công đoàn chuyên trách của Công đoàn giáo dục cấp huyện (nếu có) về làm việc tại cơ quan Liên đoàn Lao động cấp huyện. Trường hợp cán bộ công đoàn chuyên trách có nguyện vọng khác, như chuyển sang cơ quan chuyên môn thuộc các sở, phòng giáo dục, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp... được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đồng ý thì xem xét, tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn chuyển công tác.

Trường hợp cán bộ công đoàn chuyên trách giữ chức vụ lãnh đạo có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi, nếu tuổi công tác còn dưới 30 tháng, tính từ thời điểm có quyết định sắp xếp lại thì tạo điều kiện thực hiện theo nguyện vọng cán bộ. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Công đoàn.

Quá trình điều động và sắp xếp cán bộ công đoàn chuyên trách phải gắn với xây dựng lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021 theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị (khoá XI).

Thứ ba, về hồ sơ, tài chính, tài sản Công đoàn, tài chính, tài sản của Công đoàn giáo dục cấp huyện bàn giao cho Liên đoàn Lao động cấp huyện tiếp tục quản lý, sử dụng.

Tài chính, tài sản của Công đoàn ngành địa phương và công đoàn cấp trên khác được sắp xếp lại do Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nhận bàn giao, xử lý và giao quyền sử dụng cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được sắp xếp lại thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn về tài chính và tài sản và nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp trong việc xử lý tài chính, tài sản Công đoàn; quyết toán đầy đủ việc thu, chi kinh phí, đoàn phí và hoạt động đến thời điểm được sắp xếp lại theo quy định hiện hành.

Công đoàn cấp trên được sắp xếp lại bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tổ chức, hoạt động, tài chính và giao nộp con dấu cho công đoàn cấp trên để xử lý, lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp tiến hành, cách thức tổ chức thực hiện việc sắp xếp lại các tổ chức Công đoàn. Trong đó, việc sắp xếp lại Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn giáo dục cấp huyện, phải thực hiện xong trong quý II năm 2017.

Công đoàn ngành Giáo dục Tây Ninh và Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh tặng nhà công vụ cho giáo viên Trường mầm non Tân Thành, huyện Tân Châu.

NHÂN SỰ VỀ ĐÂU?

 Sau khi có hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Tây Ninh đã ban hành văn bản về việc giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện. Theo tinh thần này, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng đề án tổ chức sắp xếp lại Công đoàn Giáo dục huyện, thành phố. Chuyển công đoàn cơ sở trường học về Liên đoàn Lao động huyện, thành phố trực tiếp quản lý.

Để việc sắp xếp lại Công đoàn Giáo dục huyện, thành phố bảo đảm theo hướng dẫn và thời gian quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện, thành phố báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thành uỷ và phối hợp với Ban Tổ chức Huyện uỷ, Thành uỷ, Phòng Giáo dục huyện, thành phố thực hiện công tác nhân sự và sắp xếp lại Công đoàn giáo dục huyện, thành phố.

Cụ thể, tiến hành tham khảo nguyện vọng của chủ tịch, phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện, thành phố có cán bộ chuyên trách. Sau đó, xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thành uỷ điều động cán bộ Công đoàn chuyên trách của Công đoàn Giáo dục huyện, thành phố (nếu có) hoặc chọn nhân sự trong ngành giáo dục ở các trường học bảo đảm đủ tiêu chuẩn, có năng lực, nhiệt tình trong hoạt động Công đoàn về làm cán bộ Công đoàn chuyên trách và đề nghị Huyện uỷ, Thành uỷ làm quy trình bố trí chức danh Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, thành phố phụ trách Công đoàn cơ sở trường học.

Liên đoàn Lao động cấp huyện, thành phố ban hành quyết định giải thể và chấm dứt hoạt động của Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục huyện; chuyển các Công đoàn cơ sở trường học về trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện, thành phố trực tiếp quản lý, đồng thời kiểm kê toàn bộ tài chính, tài sản của Công đoàn Giáo dục huyện, thành phố bàn giao về cho Liên đoàn Lao động huyện, thành phố quản lý và xin chủ trương.

Quyết định giải thể tổ chức Công đoàn Giáo dục cấp huyện thật ra không phải bây giờ mới được bàn tới.

Từ năm 2013, thời điểm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam đã có ý kiến đề nghị xem xét có nên tồn tại tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện nữa hay không. Trước Đại hội, trong bản dự thảo góp ý sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phần nói về Công đoàn giáo dục cấp huyện có đưa ra hai hướng liên quan đến tổ chức này.

Phương án thứ nhất, công đoàn các trường học (tức công đoàn cơ sở) sẽ trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện. Phương án thứ hai, Công đoàn trường học sẽ trực thuộc Công đoàn giáo dục tỉnh.

Qua thăm dò ý kiến, đại diện nhiều công đoàn cơ sở không tán thành phương án 1 mà ủng hộ phương án 2, tức trực thuộc Công đoàn giáo dục cấp tỉnh. Như vậy, dù có chọn phương án nào trong hai phương án vừa nêu, tổ chức Công đoàn giáo dục huyện cũng không còn tồn tại.

Tuy nhiên, tại Đại hội, đại diện Công đoàn giáo dục tỉnh và cả lãnh đạo Công đoàn giáo dục Việt Nam đều đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện, vì đây là tổ chức Công đoàn ngành nghề có tính đặc thù, không thể giải thể hoặc sáp nhập vào các tổ chức Công đoàn khác.

Theo nhóm ý kiến này, Liên đoàn Lao động huyện không nắm được đặc điểm chuyên môn của ngành giáo dục nên không thể quản lý được. Cuối cùng, Đại hội đã quyết định giữ nguyên tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện. Mặc dù vậy, dư luận xung quanh chuyện giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện vẫn cứ râm ran, âm ỉ cho đến hôm nay mới có quyết định chính thức.

Quyết định giải thể do cấp có thẩm quyền quyết định, cấp dưới phải chấp hành dù vẫn còn không ít băn khoăn. Sau khi có quyết định chính thức, không phải chủ tịch Công đoàn Giáo dục cấp huyện nào cũng sẵn sàng sang làm phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh).

Một số ý kiến cho biết, sau khi giải thể tổ chức, họ có nguyện vọng được trở về trực tiếp dạy học hoặc làm công tác quản lý ở trường học. Tại thời điểm này (tháng 6.2017), việc điều chuyển, sắp xếp, bố trí lại nhân sự chưa diễn ra, nhưng có thể chắc chắn rằng, việc triển khai quyết định của cấp trên sẽ được tiến hành trong nay mai.

Với việc giải thể tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện, trong tương lai gần, chức danh chủ tịch công đoàn tại trường học sẽ do một hiệu phó kiêm nhiệm.

Tuy nhiên, cũng có những hạn chế. Bởi vì, khi một người “đóng hai vai”, họ khó có thể giải quyết thoả đáng những vấn đề nảy sinh trong cơ quan. Lý do, hiệu phó sẽ “ưu tiên” chấp hành chỉ đạo của hiệu trưởng hơn là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động (ở đây là giáo viên).

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục