Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chỉnh trang, làm gọn cáp viễn thông, bảo đảm mỹ quan đô thị 

Cập nhật ngày: 07/10/2023 - 06:24

BTN - Về lâu dài, hệ thống cáp viễn thông cần được tăng cường chỉnh trang, làm gọn, hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị “xanh, văn minh, hiện đại”

Giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh có 62 tuyến đường với 96.249m cáp viễn thông được chỉnh trang, làm gọn.

Thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh phản ánh nhiều tuyến dây cáp viễn thông sà dọc một số tuyến đường, cầu, sà thấp xuống nhà dân vừa gây mất an toàn, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy, mất an toàn giao thông, đặc biệt trong mùa mưa.

Dọc một số tuyến đường chính của thành phố Tây Ninh như: Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu, Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương... không khó để bắt gặp hình ảnh dây cáp của các nhà mạng viễn thông giăng mắc, đan xen chằng chịt trên cột điện, có nơi, dây cáp viễn thông không được bó gọn, có đoạn nằm “mắc võng” sát nhà dân. Không chỉ mất mỹ quan đô thị, thực trạng này còn dẫn đến mất an toàn giao thông, an toàn hạ tầng thông tin. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều nơi, không chỉ riêng tại các tuyến đường nội thị.

Trước thực trạng trên, để kịp thời khắc phục những tồn tại trong quản lý, sử dụng cáp viễn thông, bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị, từ năm 2013, ngành Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã phối hợp các doanh nghiệp viễn thông, điện lực Tây Ninh thực hiện chỉnh trang, làm gọn mạng cáp. Theo đó, giai đoạn 2013-2019 đã thực hiện gần 179,5km cáp viễn thông tại 86 tuyến đường, tổng kinh phí trên 8,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở TT-TT cho biết, hằng năm, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Sở TT-TT phối hợp Công ty Điện lực Tây Ninh và các doanh nghiệp viễn thông tiến hành khảo sát, xây dựng và triển khai kế hoạch chỉnh trang, làm gọn mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kinh phí để thực hiện chỉnh trang, làm gọn mạng do Công ty Điện lực Tây Ninh chịu chi phí vật tư, các doanh nghiệp viễn thông có treo cáp thông tin trên trụ điện lực như FPT, SCTV, Viettel, VNPT chịu chi phí nhân công được phân chia theo tỷ lệ, tỷ trọng cáp của từng doanh nghiệp. Riêng VNPT Tây Ninh, tại những tuyến không có cáp treo trên trụ điện lực mà chỉ treo cáp trên trụ viễn thông riêng, doanh nghiệp này tự chịu kinh phí thực hiện việc chỉnh trang, làm gọn cáp treo theo kế hoạch đề ra.

Ông cho biết thêm, để thực hiện chỉnh trang, treo gọn cáp trên tất cả các tuyến đường, nguồn kinh phí để thực hiện rất lớn. Do đó, Sở TT-TT, Công ty Điện lực Tây Ninh, các doanh nghiệp viễn thông và UBND cấp huyện thống nhất thực hiện ưu tiên tại khu vực trung tâm, khu hành chính và trên các tuyến đường trọng điểm, tuyến đường chính.

Doanh nghiệp viễn thông thi công chỉnh trang, làm gọn cáp trên đường Nguyễn Thái Học (Phường 3- Tp Tây NInh).

Giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh có 62 tuyến đường với 96.249m cáp viễn thông được chỉnh trang, làm gọn, tổng kinh phí thực hiện trên 6 tỷ đồng. Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp tự thực hiện làm gọn trên 4 tuyến đường, tổng chiều dài 6.180m.

Năm 2021, ngành đã thực hiện 35 tuyến đường chính thuộc huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và thành phố Tây Ninh, với tổng chiều dài 46.344m. Năm 2022-2023, tại 23 tuyến đường có tổng chiều dài 49.905m thuộc địa bàn huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và thành phố Tây Ninh được tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, về lâu dài, hệ thống cáp viễn thông cần được tăng cường chỉnh trang, làm gọn, hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị “xanh, văn minh, hiện đại”. Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đường chính, khu vực trung tâm đô thị để đưa vào kế hoạch chỉnh trang, làm gọn mạng cáp viễn thông tại các tuyến đường. “Đối với những tuyến đường đã được thực hiện, nếu doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình vi phạm, Sở TT-TT sẽ phối hợp với địa phương kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- ông Đức nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, việc phản ánh về sự cố lĩnh vực “hạ tầng viễn thông” được Sở TT-TT thực hiện tiếp nhận qua nhiều kênh khác nhau như: hệ thống “Hỏi đáp trực tuyến của tỉnh”, hệ thống “Tổng đài 1022 Tây Ninh”, hệ thống “Phản ánh hiện trường 1022 Tây Ninh”, ứng dụng Tây Ninh Smart... “Tất cả các phản ánh đều được Sở tiếp nhận, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có liên quan phối hợp xử lý bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, bảo đảm mỹ quan đô thị. Vì vậy, Sở khuyến nghị cử tri thực hiện phản ánh hiện trạng hạ tầng viễn thông qua các kênh tiếp nhận như trên để được phản hồi và xử lý kịp thời”.

“Sở TT-TT đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân được biết và sử dụng các kênh tiếp nhận thông tin của Sở. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng hạ tầng cáp viễn thông trên địa bàn quản lý để phản ánh và đề xuất Sở đưa vào kế hoạch chỉnh trang cáp hằng năm”- ông Đức nhấn mạnh.

Tâm Giang