BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Chịu thua” lục bình

Cập nhật ngày: 07/04/2015 - 05:51

Như mọi năm, cứ đến mùa khô, sông Vàm Cỏ Đông lại tiếp tục bị lục bình “tái lấp”. Những đoạn thường xuyên bị lục bình phủ dày đặc mặt sông, gây tắc nghẽn giao thông đường thuỷ nghiêm trọng là đoạn ở thượng và hạ lưu cầu Bến Sỏi (xã Thành Long, Châu Thành); khu vực cầu Gò Chai (xã Thanh Điền – Long Vĩnh, Châu Thành); khu vực cầu Đôi (xã Trường Tây, Hoà Thành); khu vực Cẩm Giang – Bến Đình (xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu – xã Tiên Thuận huyện Bến Cầu) và một số khu vực khác ở hạ lưu Gò Dầu, Trảng Bàng.

Và sau hơn 10 năm mòn mỏi đợi chờ các nhà quản lý tìm giải pháp giải quyết “vấn nạn lục bình” hiệu quả, đến nay, nhiều chủ phương tiện đường thủy, nông dân, ngư dân sinh sống và sản xuất dọc sông Vàm Cỏ Đông lại tiếp tục ...chờ đợi.

Lục bình phủ kín khúc sông qua phà Bến Đình.

Ông Bùi Công Sơn- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức đấu thầu gói thầu xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Sơn (đơn vị trúng thầu) vào tháng 7.2011.

Đơn vị trên có trách nhiệm trục vớt lục bình trên tuyến sông dài 101 km, bắt đầu từ Đồn Biên phòng 839 (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên - thượng nguồn) đến Rạch Tràm (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng - hạ nguồn). Mức hỗ trợ chi phí vớt lục bình gần 5 tỷ đồng, trong thời gian liên tục 5 năm. Đơn vị trục vớt và tìm đầu ra tiêu thụ lục bình làm các sản phẩm có ích nhằm bù đắp chi phí bỏ ra.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 5, mực nước trên sông thấp, dòng chảy yếu, lục bình phát triển mạnh, phủ kín dòng sông. Lúc này đơn vị thi công triển khai thiết bị khẩn trương trục vớt nhưng không xuể do lượng lục bình quá lớn, thiết bị máy móc và nhân công của nhà thầu còn nhiều hạn chế.

Đồng thời, các điểm tập kết lục bình không thuận lợi, không hợp lý. Ở những đoạn cong, lục bình ứ đọng dày đặc lại nhưng không có chỗ đặt thiết bị vớt, chứa lục bình và không có đường giao thông chuyên chở. Trên thực tế, nhà thầu đã tổ chức trục vớt tại 2 điểm ở Cầu Rạch Rễ và An Thạnh, tuy có đường giao thông tương đối thuận lợi nhưng diện tích bãi chứa lục bình quá nhỏ.

Người dân cắm chà giữ lục bình để bắt cá.

Thứ hai, việc tiêu thu lục bình (sản phẩm đầu ra) trong phương án đấu thầu gặp khó khăn do không chủ động được phương tiện vận chuyển, phải thuê mướn toàn bộ nên chi phí vận tải khá cao, không bán được cho các đơn vị đã đăng ký thu mua trước đây.
 
Bên cạnh đó, việc chế biến lục bình thành các sản phẩm khác như làm phân bón, làm nấm… chưa có giải pháp mang lại hiệu quả. Do không tiêu thụ được lục bình, trong khi đó chi phí bỏ ra cho việc trục vớt rất lớn nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công và năng lực tài chính của nhà thầu.

Sau hơn 1 năm triển khai, do gặp khó khăn về kinh phí, nhà thầu đã có đề nghị thay đổi phương án vừa kết hợp trục vớt, vừa tiến hành căng dây đẩy đuổi lục bình xuống hạ nguồn nhằm giảm bớt chi phí, nhưng giải pháp này cũng chưa đạt hiệu quả so với yêu cầu (nguyên nhân do nước thủy triều thường xuyên thay đổi và gây ách tắc lưu thông vận tải thủy).

Do đó, giữa năm 2013, từ báo cáo kiến nghị của Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh cho chủ trương chấm dứt, thanh lý hợp đồng đối với gói thầu xử lý lục bình.

Kết quả khảo sát suốt tuyến sông của đoàn liên ngành xác định nguyên nhân cơ bản làm cho lục bình phát triển quá mức kiểm soát trong mùa khô là do người dân sử dụng chà cắm hai bên bờ sông để giữ lục bình nhằm bắt cá, trung bình khoảng 10 mét từ bờ ra giữa sông.

Chính lượng lục bình tích tụ quá lớn, nên khi tháo đổ ra sông trong mùa khô đồng loạt vào những ngày nước kiệt, lục bình đã gây tắc trách tại những đoạn sông uốn khúc và sinh sôi nảy nở lắp đầy mặt sông.

Bơi giữa "dòng sông lục bình".

UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, các ngành chức năng có liên quan, UBND các huyện có sông Vàm Cỏ Đông đi qua đã thống nhất phương án xử lý lục bình trong mùa mưa năm nay. Theo đó, tỉnh sẽ không tiếp tục kêu gọi đấu thầu xử lý lục bình bằng cơ giới như đã từng thực hiện vì hiệu quả thấp nhưng chi phí cao.

Hướng xử lý mới của tỉnh là khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, dòng chảy mạnh, lợi dụng khi thủy triều rút, các địa phương huy động lực lượng và nhân dân hai bên bờ sông dùng sào và các vật dụng khác lôi kéo các mảng lục bình bám vào hai bên bờ sông ra ngoài cho nước cuốn trôi về hạ lưu rồi ra cửa biển.

Về lâu dài, tỉnh tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm hữu ích từ cây lục bình để xử lý đầu ra căn cơ hơn. Trước mắt, không có cách nào để xử lý hiệu quả tình trạng lục bình lấp sông trong mùa khô.

Như vậy, theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, chỉ có thể xử lý lục bình trong mùa mưa, còn trong mùa khô thì… chịu thua. Và đến bao giờ người dân mới hết khổ sở vì lục bình thì… chưa ai có thể trả lời. Bởi cho đến nay, chưa có phương án nào tối ưu, khả thi và chứng minh được hiệu quả giải quyết “vấn nạn” lục bình.

Gần đây, có một số đơn vị liên hệ với Sở Giao thông Vận tải tìm hiểu và cho biết họ có ý định tham gia “diệt” lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, mức kinh phí các đơn vị này đề xuất khá cao, khoảng trên dưới 10 tỷ đồng cho thời hạn xử lý 3 – 4 năm. Trong khi đó, hướng xử lý của tỉnh là phải xử lý hiệu quả với chi phí “vừa phải” – khoảng trên dưới 5 tỷ đồng.

Thế nên, khi phương án dùng máy móc vớt lục bình đã bị loại thì phương án “thủ công”, dùng sức người “lôi”lục bình ra khỏi bờ cho nước cuốn đi được ưu tiên bởi kinh phí thực hiện mỗi mùa mưa khoảng 1 tỷ đồng. Dù rằng, hiệu quả của phương án này rất khó xác định.

Hoàng Thi