BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chịu thương, chịu khó

Cập nhật ngày: 07/08/2009 - 06:04

Chị Hạnh chuẩn bị bữa cơm chiều cho gia đình.

Gần 4 giờ chiều, căn nhà nhỏ của chị Trương Thị Hạnh ở ấp 3, xã Suối Dây, huyện Tân Châu vẫn nóng hầm hập. Mẹ chị Hạnh đang ngồi co ro trên giường. Bà đã hơn 70 tuổi, mắc bệnh đãng trí của người già. Hỏi thăm hàng xóm, rồi chúng tôi cũng tìm được chị Hạnh đang nhổ mì trên đám rẫy ở cách nhà không xa.

Gỡ cái khăn choàng bịt kín mặt và nón lá ra khỏi người, gương mặt đang đỏ bừng, nhưng chị Hạnh vẫn cười tươi: “Tại chiếc xe chở mì bị mắc lầy nên đến giờ vẫn chưa xong việc, mọi hôm chừng giờ này là tôi đã về nhà lo cơm nước rồi. Mình đi làm thuê, làm mướn mà em, khi nào công việc hoàn tất rồi mới có thể an tâm về nhà, đâu bỏ dở nửa chừng được…”. Chị ái ngại không dám mời khách vào nhà vì trong nhà trống hoác chẳng có cái bàn, cái ghế nào để ngồi. Gia tài đáng giá nhất của chị chỉ có mỗi chiếc xe cánh én cũ kỹ để cho các con của chị đi học, đi làm thuê ở xa.

Chị Hạnh kể, chị quê ở Đồng Nai, sau khi sinh được ba đứa con thì chị ly hôn với chồng. Buồn bã chuyện gia đình, Chị bỏ quê, dắt các con đến Tây Ninh, vào tận xã Suối Dây, làm thuê làm mướn chị cất chòi ở đậu trên mảnh đất rẫy của người quen gần nghĩa địa của xã.

Gần 10 năm lập nghiệp ở Suối Dây, mẹ con chị sống lây lất bằng nghề làm thuê nhổ cỏ mì, cỏ mía, bán vé số… Năm vừa rồi, căn chòi của chị bị giông làm sập. Nhà chị được chính quyền địa phương xếp vào hộ nghèo Trung ương, Hội Phụ nữ xã đã vận động cất tặng gia đình chị một căn nhà đại đoàn kết trị giá 15 triệu đồng. Để có chỗ cất nhà, chị trút hết số tiền chắt chiu dành dụm được cộng với vay mượn của người quen trong xóm mua vài mét đất, đủ để cất căn nhà nhỏ. Có nhà, chị về quê đưa người mẹ già sang nuôi dưỡng. Có bệnh trong người, mẹ chị Hạnh rất khó tính, thường xuyên la mắng, đập phá đồ đạc trong nhà. Chị Hạnh vẫn cố gắng chịu đựng, đầu tắt mặt tối, lam lũ suốt ngày để kiếm tiền lo cái ăn, cái mặc hằng ngày của gia đình và lo cho việc học của các con.

Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng các con trai của chị Hạnh vẫn cố gắng bám trường, bám lớp. Cậu con trai đầu  của chị Hạnh tên Hồ Tiến Sĩ hiện đang học năm thứ hai đại học. Con trai kế, năm nay vào học lớp 12 Trường THPT Tân Châu và con trai út học lớp 4 ở xã. Chị Hạnh tâm sự: “Tiền làm thuê chỉ đủ lo ăn uống sinh hoạt hằng ngày cho cả nhà. Để có tiền cho con học đại học, tôi… mắc nợ tùm lum, chạy vay mượn người quen rồi trả dần. Nghỉ hè, mấy đứa con phụ tôi đi làm thuê, bán vé số để có tiền chuẩn bị cho năm học mới. Cực khổ đến nỗi không có cái bàn, cái ghế, muốn học bài, làm bài tụi nó phải nằm dài ra nền nhà. Thấy tôi vất vả, thằng con đang chuẩn bị vào học lớp 12 năm nay xin được nghỉ học để đi làm phụ tôi lo cho bà và anh của nó học xong đại học, nhưng tôi chưa đồng ý…”.

Một thân, một mình lo kinh tế gia đình nên chị Hạnh không dám nghỉ làm một ngày, ngay cả khi bị bệnh, bởi với chị “Phải ráng làm để lo cho con có cuộc sống tốt hơn mình, đỡ khổ hơn mình. Chỉ mong các con chịu học thì dù vất vả mấy tôi cũng cam lòng…”.

KN