Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Chó chạy rong, không dễ xử lý
Thứ bảy: 05:21 ngày 07/03/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Thời gian qua, nhiều bạn đọc gọi điện thoại đến Báo Tây Ninh phản ánh tình trạng nhiều chó tự do chạy ngoài đường. Có người bị chó cắn nhưng không biết ai là chủ để bắt đền. Bạn đọc thắc mắc, tỉnh ta đã có đội chuyên bắt chó thả rong nhưng tại sao vẫn không giải quyết được tình trạng nguy hiểm này?

Một cháu bé bị chó cắn được đưa đến chích ngừa dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Theo Điều 4 Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4.8.2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định về việc quản lý chó nuôi thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó. Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô. Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rong, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng…

Thực tế nhìn vào con số 118 bệnh nhân mới bị chó cắn sau kỳ nghỉ tết nguyên đán trong vòng 8 ngày, từ ngày mùng 6 đến ngày 13 đến tiêm ngừa bệnh dại tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, vấn đề mà bạn đọc quan tâm, thắc mắc là vô cùng chính đáng.

Thực trạng chó nuôi ở tỉnh ta, tình trạng chó thả rong không phải chỉ ở những vùng nông thôn mà ngay tại vùng thành thị, không khó để bắt gặp hình ảnh những chú chó chạy rong trên đường và có thể gây tai hoạ cho con người bất kỳ lúc nào. Đối với chó giống ngoại nhập được xem là thú cưng thì người nuôi chó thường xích chó cẩn thận trong nhà, khi cho chó ra ngoài chơi người chủ luôn đi kèm và có dây xích cẩn thận. Trong khi đó chó cỏ ít được cưng chiều, nhất là trong các con hẻm nông thôn chúng tự do chạy nhảy khắp xóm, chủ nuôi cũng không quan tâm chúng đi đâu, miễn sao chúng về nhà để giữ nhà vào giờ nghỉ trưa, vào ban đêm. Chính vì lẽ đó mà đã xảy ra không ít trường hợp chính quyền địa phương rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi phải xử lý chuyện chó cắn người. Một cán bộ có thời gian công tác tại UBND xã kể với chúng tôi về chuyện anh này phải tham gia giải quyết cách đây 2 năm, xung quanh việc “chó nhà ai cắn người?”. Câu chuyện bắt đầu từ một tiệm hủ tiếu trong xóm, sáng có đông người đến ăn và những chú chó ở trong xóm cũng tụ tập lại để kiếm xương do thực khách vứt xuống đất. Rủi ro đã xảy ra với chị M, khi chị vừa bỏ miếng xương xuống gầm bàn, lập tức có khoảng 5 con chó nhảy vào giành giật miếng xương. Thay vì đớp miếng xương, có một con chó đớp vào chân chị M đến chảy máu. Sau khi bị chó cắn, chị M xác định con chó màu đen chính là con chó đã cắn chị. Không quá khó để người chủ tiệm hủ tiếu xác định con chó đó là của ai. Thế là theo chỉ dẫn của bà chủ tiệm hủ tiếu, chị M đến nhà chủ con chó màu đen yêu cầu đền tiền đi chích ngừa dại. Bà chủ chú chó cũng không phải tay vừa, bà đưa ra lý do là lúc đó có nhiều con chó nhảy vào để giành miếng xương dưới chỗ chị ngồi. Trong lúc lộn xộn như vậy, làm sao chị M dám chắc là con chó màu đen đã cắn chị? Vì thế bà chủ chó không chịu đền tiền chích ngừa dại cho chị M.

Tức mình, chị M làm đơn gửi đến UBND xã yêu cầu giải quyết, buộc người chủ của con chó màu đen phải đền tiền chích ngừa cho chị. Tiếp nhận đơn, lãnh đạo UBND xã phân công cán bộ đi xác minh vụ việc về báo cáo lại để xử lý. Khi cán bộ đến xác minh, bà chủ tiệm hủ tiếu nói là có thấy một bầy chó nhảy vào giành miếng xương, chứ không thể xác định con chó nào cắn chị M. Cả những người ăn hủ tiếu vào buổi sáng ngày chị M bị nạn cũng cho biết là họ… không thấy rõ. Kết quả xác minh như thế khiến lãnh đạo UBND xã không biết xử lý ra sao. Theo anh cán bộ trên, rất may là vụ việc được giải quyết êm thắm nhờ một cán bộ MTTQ xã có uy tín đến thuyết phục cả 5 người chủ của 5 con chó trên mỗi người góp một ít phụ tiền thuốc cho chị M.

Một vị lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết, trong năm 2014, đội bắt chó đã tổ chức 20 chuyến đi bắt chó chạy rong trên địa bàn các huyện trong tỉnh, đã bắt được 280 con chó đem về xử lý. Theo quy định, sau 48 giờ từ khi chó chạy rong bị bắt, nếu chủ nuôi không đến nhận lại chó và đóng tiền xử phạt vi phạm thì đơn vị sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Kết quả trong năm đã xử phạt hành chính 209 chủ nuôi với 209 con chó chạy rong bị bắt, tổng số tiền phạt hơn 58 triệu đồng, tiến hành thanh lý 71 con với số tiền hơn 10 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Lãnh đạo Chi cục Thú y cho biết thêm, tình trạng chó chạy rong còn nhiều là do một số người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống bệnh dại chó. Ngoài ra còn có lý do là lực lượng bắt chó quá mỏng.

Một con chó chạy rong trên đường CMT8, thành phố Tây Ninh.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay người bị chó cắn sẽ phải tiến hành tiêm ngừa bệnh dại đến 5 lần, mỗi lần chích ngừa là 168.000 đồng. Tính ra mỗi người bị chó cắn đến tiêm ngừa đúng liều lượng yêu cầu thì cũng phải tốn gần cả triệu đồng. Thậm chí có trường hợp nặng, phải chuyển đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh chích huyết thanh thì số tiền điều trị còn cao gấp nhiều lần.

Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cũng thừa nhận, nếu Thông tư 48/2009/TT-BNNPTNT được thực hiện nghiêm thì sẽ không còn xảy ra tình trạng chó chạy rong. Thực tế hiện nay, đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Tây Ninh, bởi lẽ có một nguyên nhân khó khăn trong công tác quản lý là số lượng chó nuôi tại các hộ gia đình luôn biến động. Trong khi đó, ở cấp xã có quá nhiều công việc để xử lý nên việc quản lý chó nuôi hầu như chưa được quan tâm thực hiện. Theo một số người, để hạn chế tình trạng chó chạy rong, chính các chủ sở hữu vật nuôi phải nâng cao nhận thức về những nguy cơ mà con chó mình nuôi có thể gây ra. Từ đó tự giác nhốt trong nhà, tiêm ngừa và không tiếp tục cho chó chạy rong ngoài đường, vì không ai khác chính chủ nuôi chó có thể “gánh hoạ” bởi nếu chẳng may con chó mình nuôi gây tai nạn hay cắn chết người, thì ngoài việc bồi thường có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

THẾ NHÂN

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục