Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
UBND tỉnh:
Cho chủ trương “xoá” nhiều tuyến kênh không còn sử dụng
Chủ nhật: 23:27 ngày 05/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số tuyến kênh bị “bỏ hoang” nhiều năm do không còn phù hợp thực tế của nhiều địa phương. Do đó, UBND tỉnh đã có chủ trương đồng ý xoá một số tuyến kênh không còn sử dụng.

Một đoạn của kênh TN 17-16A, huyện Châu Thành.

Tại huyện Dương Minh Châu, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương xoá tuyến kênh TN0 đoạn K8+200 đến Kc=K13+112 không còn sử dụng trên địa bàn xã Phước Minh. UBND huyện Dương Minh Châu đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ngành liên quan và UBND xã Phước Minh tổ chức thực hiện chủ trương của tỉnh.

Huyện đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến nhân dân đối với đoạn kênh nói trên. Người dân cơ bản đồng thuận việc “xoá” kênh theo phương án một phần để làm đường giao thông nông thôn, phần diện tích còn lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho người dân theo quy định.

Tuyến kênh TN0 đoạn K8+280 đến Kc=K13+112 dài khoảng 5km, điểm đầu từ ấp B4 chạy dài qua các ấp B2, B1, A4, Phước Lộc A đến ấp A2. Thời gian qua, các hộ dân có đất liền kề đã san lấp dần và lấn chiếm trồng mì, cao su, làm đường đi... Kết quả thống kê cho thấy, diện tích bị lấn chiếm khoảng 9,12 ha. UBND xã Phước Minh và các ngành liên quan đang xây dựng phương án sử dụng đất đoạn kênh này để tham mưu UBND huyện trình Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh phê duyệt.

Tại huyện Châu Thành, năm 2016, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương về việc xoá 3 tuyến kênh không còn sử dụng trên địa bàn huyện. Cụ thể gồm kênh TN21-13 đoạn từ K0+600 đến K1+037=Kc (thuộc địa bàn xã Hảo Đước); kênh TN 17-16A đoạn từ K1+562 đến K3+003=Kc (thuộc địa bàn xã Trí Bình và thị trấn Châu Thành); kênh TN 17-7B đoạn từ K2+630 đến K2+950 (thuộc địa bàn xã Đồng Khởi). Đến nay, UBND huyện đã hoàn chỉnh phương án bố trí sử dụng đất các tuyến kênh trên và có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến đối với  phương án này.

Theo đó, kênh TN 21-13 dài 1.037m, từ khi được thi công vào năm 1984 (nâng cấp sửa chữa năm 1994) chỉ tưới được đoạn đầu từ K0-K0+600. Đoạn từ K0+600 đến K1+037=Kc không tưới được nên từ khi sửa chữa đến nay không sử dụng, người dân bao chiếm sử dụng, dần dần phát triển thành khu dân cư. Theo UBND huyện Châu Thành, diện tích kênh và đất lưu không bảo vệ kênh đoạn từ K0+600 đến K1+037=Kc khoảng 5.191m2. Trong đó, diện tích kênh còn lại là 1.053m2, còn lại diện tích 40 hộ dân tận dụng để sản xuất (trồng cây hàng năm, cây lâu năm, cây ăn quả và xây dựng các công trình phụ) là 4.138m2.

Kênh TN 17-7B dài 3.181m, được thi công vào năm 1990. Đoạn kênh từ K1+750 đến K2+950 không phát huy hiệu quả và nằm trong lộ giới quốc lộ 22B. Đoạn từ K2+950 đến K3+181 nối vào kênh TN 17-7A-2. Sau khi thi công năm 1990, đoạn kênh không phát huy hiệu quả, không được sử dụng và bị người dân có đất gần kề lấn chiếm.

Hiện nay đã có đường đi khác thuận tiện cho việc quản lý kênh TN 17-7A-2 nên huyện đề nghị xoá bỏ đoạn K2+630 đến K2+950. Đoạn này có diện tích kênh và phạm vi lưu không bảo vệ kênh là 3.665m2, trong đó diện tích 5 hộ dân tận dụng khoảng 1.212m2.

Đối với 2 tuyến kênh đầu, UBND huyện Châu Thành đưa ra phương án là giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với các hộ sử dụng đất kênh. Theo UBND huyện Châu Thành, phương án này tuy không tăng thêm quỹ đất công ích 5% cho cấp xã nhưng có ưu điểm là tạo ra sự công bằng và đồng thuận khi bố trí sử dụng đất, bên cạnh đó giúp ổn định tình hình địa phương, tăng thu ngân sách trong việc giao quyền sử dụng đất.

Còn lại kênh TN 17-16A đoạn từ K1+562 đến K3+003=Kc không dẫn nước tưới, tiêu được. Diện tích kênh và đất lưu không kênh bảo vệ kênh đoạn này khoảng 19.330m2. Hiện trạng kênh không có nhà cửa, công trình vật kiến trúc, chỉ có một số hộ trồng cây tràm trên tuyến kênh. Huyện Châu Thành đưa ra phương án sử dụng tuyến kênh này làm đường giao thông nông thôn để phục vụ giao thông và sản xuất tại địa phương.

UBND tỉnh cũng cho chủ trương xoá các tuyến kênh không còn sử dụng trên địa bàn huyện Trảng Bàng và TP. Tây Ninh. Trong đó, Trảng Bàng có 6 tuyến kênh gồm: kênh N20-18-13, từ K0 đến K1+094=Kc, thuộc ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc; kênh N26-16-1, từ K0 đến K0+600=Kc, thuộc ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc; kênh N26-16-2, từ K0+015=Kc, thuộc ấp An Khương và An Phú, xã An Tịnh. Kênh N14-1, từ K0 đến K1+019=Kc, thuộc ấp Thuận Lợi, xã Đôn Thuận. Kênh N12-1A, từ K0 đến K0+924=Kc, thuộc ấp Thuận Lợi, xã Đôn Thuận. Trạm bơm và hệ thống kênh An Thành, thuộc ấp An Thành và ấp An Khương, xã An Tịnh.

TP. Tây Ninh có 2 tuyến kênh: T11A-2-3 từ K0+213 đến K0+284 và TN17-13-10.

UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch sử dụng diện tích đất các kênh này, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

GIANG HÀ

Ngày 4.5.2019, Báo Tây Ninh có bài “Cần giải quyết dứt điểm một vụ lấn chiếm đất kênh” tại huyện Châu Thành. Bài viết phản ánh một trường hợp hộ gia đình là đảng viên, đại biểu HĐND xã Hảo Đước nhưng không gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cụ thể, hộ gia đình này đã tự tiện lấn chiếm, phá hỏng công trình kênh TN 21-13 và xây cất công trình trái phép trên đất kênh. Sau khi Báo Tây Ninh phản ánh vụ việc vào năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc “không để tạo ra dư luận xấu trong nhân dân”. UBND huyện Châu Thành đã chỉ đạo xã Hảo Đước yêu cầu hộ lấn chiếm đất kênh là Ngô Khánh Tài phải tháo dỡ công trình xây cất trái phép trên kênh, tháo dỡ hàng rào, đập bỏ tường rào và hộ này đã chấp hành. Tuy nhiên sau đó, hộ ông Tài và bà Kính (mẹ ông Tài) đã tái lấn chiếm đất kênh với quy mô lớn hơn và tiếp tục xây cất công trình trên đất kênh cho đến nay.

Vấn đề đặt ra là vì sao trong thời gian qua, UBND xã Hảo Đước không cương quyết xử lý hành vi vi phạm của hộ ông Tài, bà Kính dù có chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh và UBND huyện Châu Thành?

Để bạn đọc rộng đường dư luận. Trong thực tế, cho đến ngày 5.5.2019, UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định công bố xoá bỏ tuyến kênh TN 21-13 mà mới chỉ cho chủ trương và UBND huyện Châu Thành đang hoàn chỉnh phương án sử dụng đất kênh trình UBND tỉnh phê duyệt (như trong bài báo ngày 4.5 và đoạn trên bài viết này đã nêu).

Trong khi đó, theo một số văn bản của UBND huyện Châu Thành từ năm 2016, 2017, UBND huyện yêu cầu UBND xã Hảo Đước buộc ông Tài, bà Kính phải “giữ nguyên hiện trạng kênh, chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất, huyện sẽ tiến hành giải quyết”. Tuy nhiên, hộ ông Tài, bà Kính vẫn tái phạm.

Do đó, những vấn đề, nội dung được phản ánh trong bài báo ngày 4.5.2019 là hoàn toàn khách quan, đúng thực tế và có cơ sở, rất mong cơ quan có trách nhiệm quan tâm, giải quyết sớm bởi người vi phạm là hộ gia đình của một đại biểu HĐND xã Hảo Đước.

BẢO TÂM

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục