Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chớ coi thường việc chăm sóc răng cho trẻ
Thứ sáu: 06:13 ngày 30/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chăm sóc răng cho trẻ đúng cách sẽ giúp trẻ bảo vệ được hàm răng khoẻ mạnh khi trưởng thành, đồng thời kéo dài tuổi thọ của răng vĩnh viễn sau này. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người vẫn còn khá thờ ơ với việc đó.

Học sinh Trường tiểu học thị trấn Dương Minh Châu khám răng tại phòng nha của trường.

Răng sữa được hình thành trong giai đoạn trẻ dưới 3 tuổi. Khung răng sữa gồm 20 cái. Những chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên khi trẻ được khoảng 6-7 tháng tuổi.

Tuỳ cơ địa của từng trẻ, răng sẽ mọc nhanh hay chậm. Đối với trẻ ăn uống đủ chất (nhất là canxi), răng sẽ mọc sớm hơn và hoàn thiện khung răng sữa nhanh hơn. Giai đoạn hoàn thành răng sữa thường trước 3 tuổi. Theo quy trình tự nhiên, từ 5 tuổi trở lên, bất cứ răng nào mọc lên đều là răng vĩnh viễn.

Thời gian thay răng vĩnh viễn cho trẻ có thể kéo dài đến 11 - 12 tuổi. Trong thời gian đó, răng sữa vẫn sẽ phát huy chức năng nhai của nó. Do đó, việc chăm sóc răng cho trẻ phải được thực hiện nghiêm túc ngay từ khi những chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên.

Thế nhưng qua khảo sát thực tế, hiện tại, vẫn còn khá nhiều phụ huynh có suy nghĩ răng sữa của trẻ không cần chăm sóc kỹ vì trẻ sẽ còn thay răng vĩnh viễn; nếu chăm sóc răng sữa quá kỹ lưỡng sẽ làm cho trẻ chậm thay răng vĩnh viễn, dẫn đến tình trạng răng bị xỉa, lòi xỉ...

Với suy nghĩ đó, việc cho trẻ khám răng định kỳ thường không được các bậc phụ huynh quan tâm thực hiện; chỉ khi nào trẻ có biểu hiện đau răng thì mới cho đi thăm khám.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hương, 30 tuổi, ngụ phường Hiệp Ninh (TP. Tây Ninh). Chị có một con gái sinh năm 2013. Năm nay, con gái của chị gần 5 tuổi và bé đã đến nha sĩ 3 lần do răng bị đau. Hiện bé bị sâu 7 cái răng, trong đó có 4 răng cửa hàm trên.

Những chiếc răng cửa sâu, mòn, xỉn màu làm cho bé thiếu tự tin mỗi khi chụp hình hoặc cười đùa với bạn bè cùng lứa. Chưa kể những lần bé bị đau răng khiến ảnh hưởng đến chức năng nhai.

Theo chị Hương, nguyên nhân khiến con gái chị bị sâu răng là do bé thường xuyên uống sữa đêm, ăn bánh kẹo và không đánh răng thường xuyên.

Phải đến gần 3 tuổi, khi bé đi mẫu giáo mới được cô giáo tập thói quen đánh răng nhưng bé cũng không thực hiện nghiêm túc vì khó chịu với cái... bàn chải đánh răng. Chị cho rằng trẻ nhỏ không cần chăm sóc răng kỹ như người lớn nên cũng không quan tâm mấy việc chải răng cho con.

Cho đến khi bé bị đau răng phải đến nha sĩ thì chị mới hiểu ra vấn đề. Nha sĩ không nhổ răng cho bé mà chỉ trám răng và theo dõi thường xuyên vì bé chưa có dấu hiệu thay răng sữa. Mỗi lần nhìn con gái đau đớn vì bị răng sâu hành, chị thầm trách bản thân sao lúc trước không chú ý chăm sóc kỹ răng sữa cho con.

Cuộc sống ngày càng phát triển, những món ăn vặt cho trẻ ngày càng phong phú, đa dạng nên nguy cơ sâu răng của trẻ sẽ cao hơn trước rất nhiều, nếu các phụ huynh không ý thức được việc bảo vệ răng cho trẻ. Trẻ nghiện sữa cũng sẽ dễ bị sâu răng hơn, nhất là những trẻ có thói quen uống sữa đêm do màng sữa bám vào răng.

Nhiều bậc cha mẹ không để tâm việc khám răng định kỳ (6 tháng - 1 năm/lần) cho trẻ. Chỉ khi nào răng trẻ có dấu hiệu ê buốt, đau nhức thì mới chịu thực hiện.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phúc Huân- Phó trưởng Khoa Răng - Hàm - Mặt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, việc bảo vệ răng sữa cũng quan trọng như bảo vệ sức khoẻ cho trẻ. Quan niệm răng sữa quá chắc chắn sẽ gây khó khăn cho răng vĩnh viễn mọc lên là hoàn toàn sai lầm. Bởi khi bé đến tuổi thay răng, ăn uống đủ chất thì răng vĩnh viễn sẽ mọc lên dần, cho dù răng sữa có bị sâu hay không. Đây là quy luật tự nhiên khi thay răng vĩnh viễn.

Răng vĩnh viễn khi mọc sẽ có 2 giai đoạn. Đầu tiên, răng sẽ nhô lên một ít làm cho răng sữa lung lay nhưng đây chỉ là hiện tượng tạm thời. Sau đó, răng lung lay sẽ dần cứng lại bình thường.

Giai đoạn 2, răng vĩnh viễn sẽ mọc toàn phần và đẩy răng sữa nhô ra khỏi nướu răng. Nếu ở giai đoạn đầu tiên, răng hơi lung lay mà phụ huynh không đi khám và cố nhổ tại nhà sẽ vô tình làm mất đi chức năng nhai của trẻ. Việc chăm sóc và bảo vệ răng sữa không bị sâu chính là bảo vệ chức năng nhai cho trẻ.

Trẻ đủ răng, không bị sâu sẽ phát triển cơ nhai tốt hơn đồng thời giúp cho xương hàm phát triển, đủ kích thước cho khung răng vĩnh viễn sau này. Khung răng vĩnh viễn từ 28 - 32 cái răng, nhiều hơn khung răng sữa 10-12 cái. Phụ huynh nên cho trẻ ăn thức ăn giàu chất xơ để trẻ phát triển cơ nhai nhiều hơn là những thức ăn lỏng, mềm.

Việc đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần rất quan trọng, kể cả khi bé không có dấu hiệu sâu răng. Khám răng định kỳ sẽ giúp cho nha sĩ kịp thời phát hiện răng sâu và có chỉ định phù hợp trong việc chăm sóc răng cho trẻ. Răng sâu được trám kịp thời sẽ bảo vệ chức năng nhai cho trẻ cho đến khi răng vĩnh viễn mọc lên.

Ngoài ra, cho trẻ khám răng định kỳ từ lúc răng chưa bị sâu sẽ tạo thói quen khám răng cho trẻ từ nhỏ, tạo thiện cảm cho trẻ mỗi khi đến phòng khám răng. Rất nhiều trường hợp trẻ bị sâu răng rồi mới bắt đầu khám răng sẽ tạo tâm lý sợ hãi cho trẻ ngay từ buổi đầu tiên tiếp xúc với nha sĩ. Chưa kể những đứa trẻ hiếu động, không có tinh thần hợp tác với nha sĩ.

Đối với trẻ mới mọc răng sữa, các phụ huynh nên vệ sinh răng hằng ngày bằng gạc rơ lưỡi với nước ấm hoặc nước muối sinh lý mỗi ngày 1-2 lần. Việc này cần thực hiện đều đặn và nhẹ nhàng để tạo thói quen cho trẻ. Khi trẻ mọc răng nhiều hơn, phụ huynh có thể dùng bàn chải xỏ ngón silicon để vệ sinh răng cho trẻ hằng ngày.

Khi trẻ mọc tương đối đủ răng, phụ huynh nên tập cho trẻ làm quen với bàn chải đánh răng bằng cách cho trẻ cầm chơi hoặc tự đánh theo hướng dẫn. Phụ huynh nên rèn thói quen đánh răng vào mỗi buổi sáng cho trẻ. Theo bác sĩ Huân, đối với trẻ nhỏ, mỗi ngày chỉ cần đánh răng 1 lần vào buổi sáng nhưng đánh đúng cách vẫn có thể bảo vệ tốt răng cho trẻ.

Vào buổi tối, sau khi trẻ uống sữa nên cho trẻ uống nhiều nước để làm trôi các màng sữa bám trên răng, hạn chế bị sâu răng do sữa. Trẻ đánh răng thường xuyên vào mỗi buổi sáng không những giúp hạn chế sâu răng mà còn giảm tình trạng hôi miệng, vị giác tốt, kích thích trẻ ăn ngon miệng hơn. Khi trẻ bắt đầu đến trường, phụ huynh nên tập cho trẻ đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và trước khi ngủ.

Đừng quên, trước hết, phụ huynh phải là tấm gương tích cực về chăm sóc, bảo vệ răng để trẻ noi theo. Các phụ huynh cũng cần tập thói quen đi khám răng định kỳ và dắt trẻ theo cùng khám để trẻ làm quen với việc này.

Lê Thuỳ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục