BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chợ đầu mối nông sản cầu K13: Bao giờ mới xây dựng đàng hoàng?

Cập nhật ngày: 01/08/2009 - 07:40

Chuyển hàng bông đến chợ đầu mối K13.

Chợ đầu mối hàng bông tại cầu K13 (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) đã hình thành từ hơn 20 năm. Hàng hoá chủ yếu ở khu chợ đầu mối này gồm các loại rau cải, dưa, cà, bầu bí, đậu bắp… (gọi chung là hàng bông). Sự ra đời của khu chợ này bắt nguồn từ nhu cầu tập kết hàng bông do nông dân trong vùng sản xuất để chất lên xe tải chở đi tiêu thụ ở các chợ khác trong và ngoài tỉnh. Sản xuất hàng bông ngày càng phát triển, hàng hoá tập trung về chợ K13 ngày càng nhiều, mãi lực ngày càng lớn nhưng chợ đầu mối mấy năm nay thì vẫn như cũ không có gì phát triển, từ đó phát sinh bất cập.

Gọi là chợ đầu mối, nhưng thực ra đây chỉ là bãi đất trống với diện tích khoảng vài trăm mét vuông nằm ven đường 781 và cặp bờ kênh Tây tại cầu K13 thuộc ấp Ninh Hoà, xã Bàu Năng. Trước đây khu chợ này tập kết hàng bông chủ yếu do nông dân các xã Bàu Năng, Phan, Chà Là, Suối Đá, Truông Mít… của huyện Dương Minh Châu sản xuất. Về sau, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, nhiều địa phương khác sản xuất hàng bông cũng đưa về đây. Hiện nay, chợ đầu mối cầu K13 tiếp nhận cả hàng bông của các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Hoà Thành đưa đến. Nông dân sản xuất hàng bông cũng có người chở trực tiếp đến chợ đầu mối bán, nhưng đa số bán qua thương lái thu mua tại ruộng. Lực lượng thương lái chuyên thu mua hàng bông hiện nay có đến hàng trăm người. Các thương lái thu mua và tập kết hàng bông tại chợ đầu mối sang lại cho thương lái đường dài vận chuyển đi nơi khác bằng xe tải. Mỗi ngày, khoảng từ 10 giờ sáng là “lái ruộng” bắt đầu tập kết hàng hoá đến chợ đầu mối và từ khoảng 14 giờ đến chiều xe tải do “lái đường dài” thuê đến chất hàng, chở đi tiêu thụ. Mỗi ngày ở chợ đầu mối cầu K13 có hàng chục tấn hàng bông các loại được tập trung về đây và có khoảng hơn 20 xe tải các loại vận chuyển đến các chợ ở Tây Ninh, thành phố HCM, Bình Phước, Bình Dương… Đặc biệt, đến vụ đông xuân diện tích sản xuất hàng bông các khu vực tăng gấp đôi để cung cấp hàng hoá phục vụ tết nguyên đán, lúc đó lượng hàng bông tập kết về chợ mỗi ngày tăng lên gấp nhiều lần.

Điều băn khoăn trong mấy năm gần đây của chính quyền, nông dân địa phương lẫn thương nhân là lượng hàng hoá tập kết về khu chợ đầu mối cầu K13 rất lớn trong khi cơ sở vật chất quá tạm bợ, gần như… không có gì. Khu chợ này ban đầu chỉ là bãi đất trống ven đường không nhà cửa lều sạp gì cả. Hàng hoá tập kết về cứ chất đống tại chỗ chờ xe đến chở đi, tất nhiên chuyện mua bán “lộ thiên” như thế làm sao tránh khỏi mưa nắng ảnh hưởng đến phẩm chất hàng hoá. Từ đó một số thương lái xuất tiền cất tạm mấy dãy chòi lụp xụp để có chỗ chứa tạm hàng hoá trong khi chờ xe tải đến chất hàng. Chòi cất thì ít, hàng hoá thì nhiều nên vẫn còn rất nhiều giỏ hàng bông được chất ngoài trời, lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông ngày càng đáng lo ngại.

Vấn đề đầu tư xây dựng khu chợ đầu mối cầu K13 thực sự trở thành khu chợ đàng hoàng đã được các cấp, các ngành liên quan quan tâm từ mấy năm trước đây. Trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2010 của tỉnh Tây Ninh, khu chợ đầu mối cầu K13 được đưa vào danh sách là

Nông dân sản xuất hàng bông cung cấp cho chợ đầu mối K13.

những công trình trọng điểm của tỉnh. Tỉnh đã phân cấp cho UBND huyện Dương Minh Châu lập kế hoạch và kêu gọi đầu tư. Trong thời gian qua huyện cũng đã tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng chợ đầu mối K13 và đã có vài nhà đầu tư đến khảo sát. Năm trước, có một doanh nghiệp lập dự án xin chủ trương đầu tư xây dựng khu chợ đầu mối cầu K13 và các dịch vụ kèm theo trên diện tích khoảng 3 ha với tổng vốn đầu tư đến hơn 30 tỷ đồng. Dự án được tỉnh đồng ý cho chủ trương đầu tư. Việc có nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng khu chợ đầu mối cầu K13 khiến nhiều người phấn khởi. Thế nhưng, nhiều tháng trôi qua, dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện. Mới đây, huyện Dương Minh Châu có đề xuất tỉnh thu hồi chủ trương cho phép đầu tư xây dựng chợ đầu mối cầu K13 đối với doanh nghiệp này đồng thời tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu chợ.

Như vậy, cho đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào chính thức triển khai thực hiện chợ đầu mối nông sản ở cầu K13. Việc sớm có được khu chợ đầu mối đàng hoàng hay không lại tiếp tục phụ thuộc vào việc sớm có được nhà đầu tư hay không. Hiện tại, không chỉ có những thương nhân đang mua bán hàng hoá tại chợ đầu mối cầu K13 mà cả những nông dân sản xuất hàng bông cũng mong muốn có được khu chợ đầu mối đàng hoàng. Bởi vì khi đã có nơi thu mua ổn định, nông dân có thể chở hàng hoá đến chợ bán trực tiếp đỡ phải qua trung gian.

 

 

 

SƠN TRẦN