Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xử lý việc trồng rừng sai thiết kế tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng:
Chờ đến bao giờ ?
Thứ tư: 06:19 ngày 11/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo đánh giá chung, công tác quản lý rừng trên địa bàn tỉnh được quản lý khá tốt, nạn phá rừng từng bước được chấn chỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đang tồn tại tình trạng người dân đã ký hợp đồng trồng rừng nhưng lại trồng sai thiết kế. Ðáng nói là tình trạng này xảy ra trong thời gian khá dài nhưng việc xử lý vẫn còn trong tình trạng... chờ đợi.

Ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đối thoại với các hộ dân trồng rừng tại xã Tân Thành, huyện Tân Châu.

TRỒNG “RỪNG CAO SU” THAY THẾ SAO, DẦU ?

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện 6.949 ha rừng trồng thuộc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, hầu hết đều được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tương đối tốt. Hằng năm, ngành Nông nghiệp đều tổ chức nghiệm thu, thanh toán đối với những diện tích rừng đạt yêu cầu.

Diện tích rừng trồng sinh trưởng ổn định đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng, cung cấp nguồn gỗ, củi; qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng trên địa bàn. 

Tuy nhiên, rừng phòng hộ Dầu Tiếng có một số diện tích rừng trồng không đúng so với mô hình, thiết kế được duyệt ban đầu. Cụ thể, có 800,5 ha rừng không đúng với mô hình, thiết kế đã được duyệt, phân bố trên 26 tiểu khu với 425 lô rừng.

Theo đó, có thể phân ra 4 nhóm sai phạm cụ thể. Nhóm thứ nhất, theo thiết kế là rừng trồng sao, dầu, xà cừ xen cây phụ trợ keo hoặc cây ăn quả, người nhận khoán trồng rừng lại trồng cây cao su thay thế cây phụ trợ, sai thiết kế ban đầu; nhóm thứ hai là diện tích trồng sao, dầu, xà cừ xen cây phụ trợ (keo, cao su) nhưng trồng trên hàng cây chính, sai phạm này xảy ra chủ yếu từ năm 2009 đến 2017.

 Nhóm thứ ba là diện tích cây cao su lớn hơn diện tích cây trồng chính, sai phạm xảy ra chủ yếu là sau giai đoạn xử lý tình trạng bao, lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích theo Quyết định 987/QÐ-UBND tỉnh, ngày 13.5.2009 về giải quyết tình trạng bao, chiếm và sử dụng đất sai mục đích.

Giai đoạn này giá cao su tăng cao, các hộ nhận khoán không thực hiện triệt để việc chặt cây cao su để trồng rừng; nhóm thứ tư là diện tích rừng trồng có cây phụ trợ là cây cao su (mô hình DCS 1), cây ăn quả (mô hình DX), nhưng hiện nay không có cây phụ trợ, sai phạm này xảy ra từ năm 2009 đến 2012.

CHƯA LẬP BIÊN BẢN XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP VI PHẠM NÀO

Ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, do diện tích rừng trồng nhiều, phân bố rộng trên nhiều địa bàn, trong khi lực lượng kiểm tra, giám sát của Ban quản lý rừng mỏng nên không kiểm soát hết các trường hợp vi phạm.

Thời điểm xảy ra sai phạm tập trung chủ yếu ở giai đoạn 2009-2013, lúc này giá cao su tăng cao, sau khi tỉa thưa cây phụ trợ là cây keo, cây ăn quả, các hộ nhận khoán tự ý trồng cây cao su, thay vì phải trồng lại cây keo, cây ăn quả cho đúng mô hình thiết kế ban đầu.

Hơn nữa, cũng trong giai đoạn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2855, ngày 17.9.2008 về công bố việc xác định cây cao su là cây đa mục đích, có thể sử dụng cả cho các mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp; từ đó tạo tâm lý chung là có thể trồng cây cao su thay keo, cây ăn quả vào hàng cây phụ trợ, vừa đạt được yêu cầu phòng hộ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trồng rừng sai thiết kế, còn có nguyên nhân là công tác quản lý, kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, chậm phát hiện sai phạm để xử lý khắc phục. Ðể xảy ra sai phạm này, trước hết là trách nhiệm của Ban quản lý rừng, phòng, cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc thuộc Sở qua các giai đoạn.

Ðến ngày 4.11.2011, Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng thống kê toàn bộ diện tích sai phạm này để xử lý, theo đó, diện tích trồng cây cao su phát sinh sẽ bị nhổ bỏ; tuy nhiên, cho đến nay, Ban quản lý rừng chỉ mới tổ chức thống kê, nhắc nhở các hộ hợp đồng nhận khoán thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký, mà chưa lập biên bản xử lý trường hợp vi phạm nào.

Ông Mang Văn Thới- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, mới đây, ông cùng lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Phòng Nông nghiệp huyện Tân Châu và lãnh đạo UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu có buổi đối thoại với các hộ dân ký hợp đồng trồng rừng sai thiết kế.

Tại buổi đối thoại, các hộ dân này đưa ra ý kiến như do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình con đông không có đất... và đề nghị ngành chức năng xem xét không buộc họ phá bỏ cây cao su để trồng cây rừng, cây phụ trợ… theo đúng thiết kế .

Sau khi nghe ý kiến của các hộ dân, ông Mang Văn Thới đã giải thích từng vấn đề, các căn cứ pháp luật trong việc quản lý rừng, xử lý các vi phạm trong vấn đề trồng rừng sai thiết kế.

Người dân trồng mì tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ).

Theo ông Thới, việc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có quy định trong Nghị định số 157 ngày 11.11.2013 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 25.12.2013, nhưng tình trạng trồng sai thiết kế đã diễn ra từ trước khi có Quyết định 157.

Qua kết quả kiểm tra tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý, khắc phục các trường hợp rừng trồng sai mô hình, sai thiết kế.

Theo đó, sẽ có từng biện pháp xử lý cụ thể cho từng nhóm sai phạm. Ðơn cử như đối với nhóm diện tích rừng trồng theo mô hình cây sao, cây dầu xen cây phụ trợ là cây ăn quả nhưng hộ nhận khoán trồng không trồng cây phụ trợ, Ban quản lý rừng yêu cầu hộ nhận khoán vi phạm phải trồng bổ sung đủ cây phụ trợ theo đúng mô hình thiết kế được duyệt.

Nếu các hộ nhận khoán không chấp hành, Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đơn phương huỷ hợp đồng, hoặc lập hồ sơ chuyển cho cơ quan Kiểm lâm xử lý theo quy định pháp luật.

THIÊN TÂM - THANH NHI

Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Tây Ninh là 73.252ha, trong đó diện tích có rừng là 63.580ha, chưa có rừng là 9.672ha, diện tích rừng cần được đầu tư bảo vệ là 56.793ha.

Rừng Tây Ninh có giá trị vô cùng to lớn đối với phòng hộ, môi trường sinh thái cho Tây Ninh và các vùng phụ cận. Ngoài ra, rừng ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có sự đa dạng sinh học cao, có loài cây được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Chính vì vậy, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Ninh được các cấp lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành ưu tiên quan tâm.
                                                                                                                    Theo Sở NN&PTNT 
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh