BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung:

Chờ đến phút 89 

Cập nhật ngày: 21/06/2020 - 23:15

BTN - Theo quy định tại Quyết định 2187/QĐ-UBND ngày 9.10.2019 của UBND tỉnh, đến trước ngày 30.6.2020, các doanh nghiệp sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh phải lập thủ tục xin gia hạn, chuyển đổi công nghệ sản xuất sang lò Tuynel. Thế nhưng đến đầu tháng 6.2020, chỉ có vài doanh nghiệp thực hiện.

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất gạch đều đang sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò Hoffman. Ảnh: Đ.H.T

Chủ trương chính phủ

Theo Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, tổng công suất thiết kế gạch đất sét nung trên toàn quốc chiếm tối đa 60% tổng sản lượng vật liệu xây dựng, tương đương khoảng 18 tỷ viên quy tiêu chuẩn.

Đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò Tuynel, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên; đối với các tỉnh miền Nam, khuyến khích đầu tư công nghệ lò Tuynel sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa.

Quyết định 1469 quy định rõ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò sử dụng công nghệ lạc hậu như sau: các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất trước năm 2018 với lò vòng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hoá thạch. Tuỳ theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nguyên liệu hoá thạch.

Tại Tây Ninh, để thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh có Quyết định số 2187/QĐ-UBND ngày 9.10.2019 ban hành tiêu chí để xem xét, chấp nhận chủ trương cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung gia hạn thời gian hoạt động, chuyển đổi công nghệ. Trong đó, các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung không có trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh được phê duyệt tại Quyết định 3171/QĐ-UBND ngày 26.12.2018 phải chấm dứt hoạt động trước 30.6.2020. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung có trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đã được phê duyệt, phải khẩn trương, tích cực, chủ động lập dự án, tổ chức rà soát tất cả các tiêu chí để được gia hạn thời gian hoạt động, chuyển đổi công nghệ.

Thời gian lập hồ sơ xin gia hạn, chuyển đổi công nghệ trước ngày 30.6.2020. Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung lò Hoffman sử dụng nhiên liệu hoá thạch phải chấm dứt hoạt động trước ngày 30.6.2020, nếu cố tình vi phạm, doanh nghiệp sản xuất sẽ bị xử lý theo quy định.

Tại Tây Ninh, hiện có hơn 70 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất gạch đất sét nung. Thời gian qua, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp chuyển đổi sang lò Tuynel, còn lại phần lớn vẫn đang sản xuất gạch đất sét nung bằng theo công nghệ  lò Hoffman. Dù thời gian qua, tỉnh quy định các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung phải làm thủ tục xin gia hạn để chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Tuynel đã gần hết hạn.

Tuy nhiên theo Sở Xây dựng, đến đầu tháng 6.2020 chỉ mới có 5/73 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ xin chuyển đổi công nghệ từ lò Hoffman sang lò Tuynel. Đây là một vấn đề được dư luận quan tâm bởi gần đến giờ “G”, nhưng tại sao các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh không chuẩn bị hồ sơ xin gia hạn và chuyển đổi công nghệ. Phải chăng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh không chấp hành chủ trương chỉ đạo của tỉnh?

Một lò gạch sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò Hoffman.

Lý do doanh nghiệp chậm trễ

Theo ông Phạm Quốc Thái, Công ty gạch Phú Hải (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), doanh nghiệp nắm rõ thời gian quy định của tỉnh về việc chuyển đổi công nghệ sản xuất, nên đã thuê tư vấn lập hồ sơ xin gia hạn và nộp hồ sơ xin chuyển đổi công nghệ về Sở Xây dựng.

Theo ông Thái, việc chuyển đổi công nghệ từ lò Hoffman sang Tuynel là xu hướng tất yếu của phát triển, trong đó tiêu chí là giảm tác động đến môi trường, bảo vệ môi trường, cũng như bảo đảm chất lượng thành phẩm.

Việc không sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong quá trình sản xuất gạch theo công nghệ Tuynel đã giảm được lượng khí thải thải ra môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ Tuynel để sản xuất gạch đất sét nung sẽ giảm các chi phí khác như nhân công, điện… Do đó, nếu muốn tiếp tục hoạt động, kinh doanh, sản xuất gạch đất sét nung phải xin gia hạn, chuyển đổi công nghệ sản xuất.

Tương tự, chủ một doanh nghiệp sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng cho biết cũng đang lập hồ sơ xin gia hạn, chuyển đổi công nghệ. Theo đại diện doanh nghiệp này, cơ sở nhận thức được những lợi ích từ việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh. Do đó, doanh nghiệp xúc tiến thực hiện các thủ tục để tiếp tục duy trì hoạt động.

Thế nhưng khi chúng tôi hỏi, vì sao không chuẩn bị hồ sơ xin gia hạn, chuyển đổi công nghệ khi bắt đầu được tỉnh thông báo chủ trương mà phải đợi đến thời điểm gần hết thời hạn theo quy định mới tiến hành làm hồ sơ, thủ tục, các doanh nghiệp đều cho rằng, do việc chuyển đổi công nghệ tốn chi phí rất cao. Hiện nay, để chuyển đổi công nghệ, doanh nghiệp phải đầu tư khoảng 7 đến 8 tỷ đồng cho một lò Tuynel với công suất thiết kế 20 triệu viên/năm.

Đây là một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp, vì còn phải huy động vốn, tính toán đến các phương án vay vốn ngân hàng, trong khi thời điểm hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh gạch đất sét nung gặp không ít khó khăn do sản phẩm bán ra chậm, giá thành giảm so với trước đây.

Một chủ doanh nghiệp cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá thành gạch giảm, dao động từ khoảng 550 - 650 đồng viên được bán tại lò. Do đó, nguồn gạch thành phẩm không xuất được sang thị trường Campuchia, tập trung ở thị trường nội địa, nên giá thành xuống thấp.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên gạch xuống giá, ảnh hưởng đến việc huy động vốn thực hiện chuyển đổi công nghệ của một số doanh nghiệp.

Không có sự ngoại lệ nào

Thế nhưng, khác với những gì các doanh nghiệp trình bày, một lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, việc các doanh nghiệp đến gần hết hạn mới cuống cuồng đi làm hồ sơ xin gia hạn và chuyển đổi công nghệ có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Trong đó, khó khăn về kinh phí, quá trình sản xuất, tiêu thụ gạch là nguyên nhân khách quan. Về chủ quan, các doanh nghiệp “nhìn nhau” để coi cơ sở nào thực hiện rồi mới làm theo. Đến khi gần hết hạn, Sở Xây dựng có nhiều văn bản nhắc nhở, cũng như đưa ra các khuyến cáo nếu không thực hiện sẽ xử lý theo quy định, các doanh nghiệp mới ồ ạt nộp hồ sơ.

Tính đến ngày 15.6, Sở đã tiếp nhận 32 hồ sơ xin chuyển đổi công nghệ, xin gia hạn của các doanh nghiệp. Hiện có 27 hồ sơ xin chuyển đổi công nghệ và 5 hồ sơ xin gia hạn, trong đó có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận cho việc chuyển đổi công nghệ. 

Hiện Sở đang tích cực thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp để trình UBND tỉnh xem xét. Như vậy đến giữa tháng 6.2020 đã có khoảng 50% số lò gạch trên địa bàn tỉnh thực hiện theo chủ trương. Từ đây theo đến cuối tháng có thể còn có  nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ xin gia hạn, xin chuyển đổi công nghệ trước thời hạn cuối cùng mà tỉnh quy định.

Thế Nhân