Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Chợ dọc đường
Thứ sáu: 14:52 ngày 07/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðọc bài Hiu hắt chợ đêm trên báo Tây Ninh ngày 3.7, tôi chợt nảy ra ý này: hay là do Tây Ninh ta đã “bão hoà” chợ, nên mấy ai còn đến chợ đêm làm gì nữa?

Ðấy cũng là do tôi hay đi. Ði rồi mới thấy con đường nào cũng có những đoạn vui vẻ ồn ào chợ búa. Quốc lộ 22B, hay 782 và 784 (đường 19-26 cũ); cứ nơi nào có khu công nghiệp hoặc nhà máy lẻ là y như rằng chợ búa mọc lên. Buổi sáng thì ì xèo xôi, bún, bánh mì hay cà phê, hủ tiếu… Trưa thường là tạm nghỉ và sục sôi hơn cả là chợ chiều giữa lúc tan tầm.

Chợ dọc đường 782 và 784 có lẽ là đông vui nhất, bởi nhiều khu công nghiệp đình đám nay đã trải dài hai bên lộ. Rõ nhất là ở Chà Là và ngã ba Ðất Sét vào Lộc Ninh. Một dạo, báo đã phê phán khung cảnh ngổn ngang của Khu công nghiệp Chà Là, cũng có một phần lỗi là do cái chợ. Nay thì có vẻ đã tạm yên, bởi khu công nghiệp đã dành hẳn một khu đất phía trong con đường vào cho dân họp chợ. Cũng chẳng lều lán gì đâu, mà chỉ toàn dù.

Chợ khu công nghiệp thường không thấy bán buổi trưa, có lẽ là do công nhân làm đâu thì đã ăn trưa ở đấy. Chiều về mới tấp nập người xe trên đường về đậu lại, người ta mua những món cần dùng cho cả ngày sau. Bên Khu công nghiệp Thanh Ðiền, tình hình cũng gần như thế.

Cả một con đường ngăn cách khu công nghiệp với khu dân cư giáp đường 786 nay được dành cho chợ. Anh bán mía tím, thường đậu xe ngay ở đầu đường, khoe cả bó mía dựng đứng giữa trời nổi bật màu đỏ tím. Bên trong chợ có từ A đến Z, thôi thì đủ thứ! Nào thịt sống, cá tươi, hành tỏi… cho đến những mắc treo áo quần đủ giới và đủ loại, kiểu cọ cũng thời trang và rẻ đến bất ngờ.

Ði dọc con đường này về phía Mít Một còn một chợ dọc đường nổi tiếng nữa. Nổi tiếng vì lâu lâu lại có lời phàn nàn về sự nhếch nhác, hoặc bán chim trời hay chiếm dụng lề đường quốc lộ. Thế nhưng sau những đợt ra quân lập lại trật tự, ít lâu sau tất cả lại “bình an”.

Cô bán ốc vẫn ngồi bán ốc. Hoa sen vẫn bịn rịn hồng buộc thành bó mười bông, chờ khách đến mua. Vào những mùa chim, hay chuột… lại thấy nhiều sản vật địa phương. Như những lồng chim, chuột thường là chim cu đất, hoạ may cũng gặp những loài lạ mắt như cuốc, gà nước, ốc cao…

Chuột thì toàn loại chuột đồng mầm mẫm béo căng trong mùa lúa vàng đồng. Bên này cầu, ngay trước Trường Chính trị còn mấy nhà chuyên bán bếp lò đất nung và đồ gốm sứ. Chẳng biết thời này có ai còn nấu cơm, kho cá bằng nồi đất hay không để còn ra đấy mà mua!

Vẫn còn nhiều loại hình chợ dọc đường nữa! Ngay trên các phố thị Tây Ninh hay đô thị Hoà Thành. Anh bán đồ đồng giả cổ mỗi sáng lại bày sản phẩm ra hè một góc công viên. Chú (hoặc cháu) bán chim thì chở những lồng đầy nhóc chim đi tà tà dọc phố, đôi khi dừng lại bên đường cho người tò mò nhìn ngắm. Rồi lâu lâu mới gặp người đi bán ong mặt quỷ, bán cho người hâm mộ loại rượu kéo dài tuổi thanh xuân ngâm chính bằng loài “mặt quỷ” này đây. Cũng lâu lâu mới gặp mấy bác chở rễ cây mật nhân hay hà thủ ô từ mạn rừng về…

Thường gặp nhất là loại chợ chiều di động. Nghĩa là chiều chiều, người bán mới trải tấm tăng hoặc đơn giản hơn là chỉ bày hàng của mình ngay trên một đoạn vỉa hè. Nhiều nhất là những món hàng của “công ty thanh lý” bán rẻ gần như cho. Nhưng cũng có những loại giá vừa vừa, đại chúng, như anh bán giày dép da trên đầu phường 1, lối lên Châu Thành. Có những loại mặt hàng mới, nguồn gốc từ đâu chẳng rõ nhưng vô cùng hấp dẫn. Mới thấy gần đây là mấy anh hàng bán trống trẻ em chơi. Hẳn là do có cậu bé đoạt giải Nhất cuộc thi tài năng nhí bằng tài đánh trống, nên nhiều em ước mơ thành nghệ sĩ tài danh đánh trống?

Một chiều tà theo đường 782 từ Trảng Bàng về Tây Ninh. Qua cổng Khu công nghiệp Phước Ðông, thấy những xe hàng đã lốc cốc bò từ các hẻm tắt, ngõ ngang ra đường tỉnh lộ. Dẫu mây mưa đã kéo đến kia nhưng một chị vẫn dừng xe, chuẩn bị dỡ hàng ra ngay trên lề cỏ. Mới nhớ ra ở cổng khu công nghiệp hiện đại bậc nhất Tây Ninh này vẫn chưa có chợ. Hỏi, mưa tới rồi bán cho ai? Chị bảo cứ bán tới đâu thì bán, mưa rồi lại chạy. Chiếc dù mới cắm cứ chao đảo trong gió cuốn từ các dòng xe. Tôi chợt nghĩ, những cái chợ dọc đường thế này, hệt như những cụm lục bình trôi nổi trên sông.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục