Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thực tế, do nhiều yếu tố khách quan, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ chưa được kết nối đồng bộ để khai thác có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Các bến thuỷ nội địa dọc theo sông Sài Gòn hiện chủ yếu kinh doanh vật liệu xây dựng (một bến thuỷ trên địa bàn xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng).
Ngày 23.12.2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND, phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau thời gian tổ chức triển khai đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân.
Thực tế, do nhiều yếu tố khách quan, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ chưa được kết nối đồng bộ để khai thác có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông Vận tải chủ trì lập, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4 quy hoạch, gồm: mạng lưới đường bộ, đường sắt, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa, hệ thống cảng biển... Do đó, cần thiết phải rà soát, quy hoạch ngành cho phù hợp với các quy hoạch của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.
Hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là “công cụ” thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh bao gồm mạng lưới đường bộ, đường thuỷ, hệ thống cảng - bến và vận tải phục vụ.
Đối với vận tải hàng hoá liên tỉnh phần lớn xuất phát từ các khu - cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu… đến các vùng tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Tây. Hiện phương thức vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, đường thuỷ hoặc kết hợp thuỷ - bộ. Các mặt hàng xuất khẩu (bột mì, cao su, đường…) được vận chuyển tới khu vực cảng TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong đó, tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc - Bến Củi theo sông Sài Gòn dài khoảng 130km (đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh dài 35km), quy hoạch đạt tiêu chuẩn luồng cấp II. Trên tuyến chưa có cảng, hiện có 11 bến thuỷ nội địa. Các bến thuỷ nội địa phần lớn tập trung tại 2 xã Đôn Thuận và Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng), chủ yếu kinh doanh vật liệu xây dựng.
Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận kéo dài tuyến đường thuỷ nội địa Sài Gòn - Bến Súc đến cầu Bến Củi (tỉnh Tây Ninh); Tổng cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam giao tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án nạo vét vùng nước đường thuỷ nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm luồng đường thuỷ nội địa quốc gia sông Sài Gòn, được Bộ Giao thông Vận tải công bố tại Quyết định số 2446/QĐ-BGTVT ngày 28.12.2020. Ngoài ra, bổ sung quy hoạch cảng cạn ICD và cảng thuỷ nội địa Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng), dự án đang đầu tư, dự kiến đưa vào khai thác trước năm 2025.
Tây Ninh cũng đã công bố Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng nhằm khai thác tối đa lợi thế trung chuyển các luồng hàng hoá nội địa, xuất khẩu và quá cảnh của vùng Thành phố Hồ Chí Minh; kết nối hiệu quả các phương thức vận tải từ đường bộ sang đường thuỷ nội địa và đường hàng hải; tạo điều kiện và khai thác hiệu quả luồng tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Sài Gòn, giảm sức ép vận tải đường bộ... góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Theo quy hoạch, Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp có tổng diện tích 259,22 ha, ranh giới phía Bắc, Đông Nam giáp sông Sài Gòn, phía Tây Nam giáp khu dân cư trên đường ĐT.789, phía Tây Bắc giáp đường Hồ Chí Minh.
Dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh còn có vai trò vô cùng quan trọng trong kết nối vùng, phát triển vận tải đường thuỷ lẫn đường bộ giữa Tây Ninh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
Việc đầu tư Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh sẽ làm cho tuyến luồng đường thuỷ nội địa trên sông Sài Gòn trở thành tuyến đường thuỷ nội địa chính vận chuyển hàng hoá cả vùng phía Bắc của TP. Hồ Chí Minh và hàng hoá từ Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn Tây Ninh, Bình Phước... đến cảng Cát Lái, cảng Sài Gòn và các cảng khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, mở ra cơ hội lớn về vận tải đường thuỷ cho Tây Ninh.
Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng đường thuỷ nội địa còn ít, chưa khai thác lợi thế vận tải đường thuỷ nội địa của 2 tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Theo Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, tỉnh có hai tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia chạy dọc theo hướng Bắc - Nam (tuyến Sài Gòn - Bến Kéo - Vàm Trảng Trâu đạt cấp II, III và tuyến Sài Gòn - Bến Súc - Bến Củi đạt cấp II) giúp tăng cường kết nối Tây Ninh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sà lan cập bến thuỷ sông Sài Gòn.
Đến nay, việc kết nối hai phương thức giao thông thuỷ - bộ còn hạn chế do thiếu những cảng, bến bãi tập kết lớn. Trang thiết bị để xếp dỡ trung chuyển của các cảng thuỷ nội địa còn lạc hậu. Hạ tầng giao thông quốc gia ít và chưa được đầu tư, cản trở sự phát triển của hệ thống phân phối, lưu thông hàng hoá, làm cho các dịch vụ logistics của doanh nghiệp chậm trễ, chi phí tăng cao. Đây là một trong những trở ngại chính đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào tỉnh Tây Ninh.
Đối với sông Sài Gòn, tỉnh đang đầu tư nâng cấp đường ĐT.789 đạt quy mô mặt cắt ngang đường cấp II trong giai đoạn 2021-2025, tạo hành lang phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch dọc sông. Đồng thời, tăng cường kết nối Tây Ninh với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Do đó, sông Sài Gòn được ngành Giao thông tỉnh đặt kỳ vọng sẽ “chuyển mình” mạnh mẽ cùng với việc đầu tư đường 789.
Theo quy hoạch, sông Sài Gòn có tuyến TP. Hồ Chí Minh - Bến Súc - Bến Củi, từ ngã ba rạch Bến Nghé đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2km (Bến Củi), dài 130,3km, trong đó, từ ngã ba rạch Bến Nghé đến ngã ba rạch Thị Nghè dài 2,2km, hiện trạng cấp đặc biệt, quy hoạch cấp đặc biệt; từ ngã ba rạch Thị Nghè đến cầu Bình Triệu dài 15,1km, hiện trạng cấp II, quy hoạch cấp II; từ cầu Bình Triệu đến hạ lưu đập Dầu Tiếng 2km (Bến Củi) dài 113km, hiện trạng cấp III, quy hoạch cấp II.
Tuyến đường thuỷ nội địa này đang được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án nâng cấp, công bố luồng đạt tiêu chuẩn luồng cấp II.
Thế Nhân