Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Cho gỗ có hồn
Thứ sáu: 05:50 ngày 06/12/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ những gốc cây to hay những mảnh gỗ nhỏ, qua bàn tay khéo léo của người thợ, những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đã thành hình, góp thêm chút hương sắc cho cuộc sống. Người ta thường dùng chúng để trang trí không gian nội thất, sân vườn và cả quán cà phê.

Anh Cường và bức tượng “Di Lặc toạ tùng”

(BTN) - Từ những gốc cây to hay những mảnh gỗ nhỏ, qua bàn tay khéo léo của người thợ, những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đã thành hình, góp thêm chút hương sắc cho cuộc sống. Người ta thường dùng chúng để trang trí không gian nội thất, sân vườn và cả quán cà phê.

Anh Phạm Bá Cường, 42 tuổi, nhà ở thị trấn Dương Minh Châu, là một trong những người đã tạo tác ra các sản phẩm điêu khắc gỗ như thế. Trước đây anh Cường làm chuyên nghề vẽ tranh ảnh, quảng cáo để mưu sinh. Cái nghề cầm cọ của anh dần mai một khi công nghệ in ấn ngày càng phát triển. Vốn có năng khiếu nghệ thuật anh đã mày mò học hỏi để chuyển sang nghề điêu khắc gỗ hơn mười năm nay.

Bước đầu thử nghiệm, anh Cường chế tác ra các bức điêu khắc từ những mảnh gỗ vụn vặt dành tặng bạn bè, không ngờ lại được nhiều người khen ngợi. Từ đó niềm đam mê trỗi dậy, anh Cường dốc tâm sức học hỏi, trau dồi kiến thức từ những người có thâm niên trong nghề điêu khắc gỗ. Tay nghề của anh ngày một nâng lên, sản phẩm anh làm ra ngày càng đẹp. Tiếng lành đồn xa nên dần dà những người đam mê thú chơi đồ gỗ đã tìm đến anh để nhờ gia công chế tác.

Bức tượng “Di Lặc toạ tùng” đặt tại một cơ sở đồ gỗ trên đường Phạm Hùng (xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) do anh Cường cùng nhóm bạn thực hiện sắp hoàn thành đã gây chú ý cho nhiều người qua lại trên đường, khiến họ phải dừng chân ghé xem cho thoả tính hiếu kỳ.

Qua từng nhát đục thận trọng, tỉ mỉ từ đôi bàn tay khéo léo của anh Cường, dần hiện ra những hoạ tiết tạo hình hoa văn đẹp đẽ. Dừng tay nhấp chung trà, anh Cường cho biết: bức tượng này phải thực hiện trong thời gian một tháng, giá hợp đồng với chủ là 10 triệu đồng, chất liệu lấy từ gốc cây mít.

Thao tác ban đầu là tạo dáng. Để có được tác phẩm ưng ý, có hồn, cũng phải suy nghĩ nhiều ngày, mắt cứ dán vào gốc cây xù xì, để tính toán cách tạo hình theo từng thế gỗ. Sau đó mới bắt đầu cưa phôi, tạo dáng và đục phay ra nét.

Công việc mất nhiều thời gian và công phu nhất là tỉa, khoét các chi tiết. Thao tác này đòi hỏi sự sáng tạo của người thợ, phải cẩn thận trau chuốt từng đường nét cho thật tỉ mỉ, hài hoà với bố cục tác phẩm. Trước khi hoàn chỉnh tác phẩm, công đoạn chà giấy nhám (đánh bóng) cũng không kém phần vất vả vì bàn tay người thợ phải len lỏi vào từng góc cạnh thật nhỏ để tất cả các chi tiết đều được linh hoạt, bóng mịn.

Hơn mười năm gắn bó với nghề, anh Cường đã làm ra hàng trăm sản phẩm điêu khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao được nhiều người yêu thích. Đó thường là các tượng Phật Di Lặc, Quan Âm hay tượng thần Phước Lộc Thọ mang ý nghĩa đem đến điều phúc đức, an lành cho con người.

Ở Tây Ninh, những người làm nghề điêu khắc tượng gỗ như anh Cường hiện chưa nhiều lắm.      

GIA MINH

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục