Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tranh chấp đất hương hoả:
Chờ huỷ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Chủ nhật: 08:24 ngày 28/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bà Khốm, bà Gái không đồng ý về nội dung lẫn hình thức đối với tờ đơn xác nhận tình trạng hôn nhân của người mẹ quá cố. Cụ thể, đây là tờ đơn viết tay, không đáp ứng đủ một số điều khoản quy định trong đăng ký và quản lý hộ tịch tại mẫu “giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” được áp dụng chung vào thời điểm khoảng năm 2010...

Bà Khốm cho rằng UBND xã An Tịnh ký xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Tơ chưa đúng sự thật dẫn đến việc lập di chúc có vấn đề.

“Chị em tôi chỉ muốn giữ lại phần tài sản hương hoả để cho con cháu về sau thờ cúng ông bà, không ai được sang nhượng. Tuy nhiên, hiện vẫn phải chờ kết quả giải quyết từ phía cơ quan chức năng về việc yêu cầu huỷ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và huỷ di chúc. Tranh chấp càng trở nên căng thẳng, phức tạp, kéo dài, có nguy cơ tiếp tục xảy ra xô xát dẫn đến vi phạm pháp luật”, đó là lo lắng của hai chị em bà Trần Thị Khốm và Trần Thị Gái, ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng.

Từ xác nhận tình trạng hôn nhân

Theo đơn trình bày, khoảng tháng 7.2017, bà Khốm và bà Gái phát hiện người chị gái tên Trần Thị Thớm kêu bán thửa đất hơn 2.000m2 và căn nhà hương hoả gắn liền với đất- dù đây là tài sản chung của cha mẹ là ông Phạm Văn Sứa và bà Trần Thị Tơ để lại cho con cháu thờ cúng gia tiên. Nguồn gốc của thửa đất là do cha mẹ của ông Sứa để lại. Khi phát hiện vụ việc, bà Khốm và bà Gái liền ngăn cản. Bà Thớm giải thích, phần tài sản này đã được mẹ là bà Trần Thị Tơ lập di chúc cho riêng.

Thực tế, đúng là bà Thớm có những loại giấy tờ này. Thửa đất hương hoả diện tích 3.493,4m2, cùng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được UBND huyện Trảng Bàng cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho bà Thớm vào tháng 1.2015. Mặc dù vậy, bà Khốm và bà Gái khẳng định việc mẹ lập di chúc để bà Thớm thừa kế riêng phần tài sản trên là có vấn đề, đặc biệt là ngay từ khâu UBND xã An Tịnh ký đơn xác nhận tình trạng hôn nhân của bà mẹ.

Tình hình tranh chấp ngày càng căng thẳng, đến nỗi bà Thớm và con gái Trần Thị Mỹ Hằng quyết ngăn cản không cho bà Khốm và bà Gái bước vào thửa đất và căn nhà thờ cúng ông bà. Các đương sự cũng đã từng xảy ra xô xát. Trước khi qua đời, bà Thớm có làm thủ tục uỷ quyền cho con gái được giao dịch số tài sản nêu trên. Tuy nhiên, việc uỷ quyền vẫn chưa thực hiện hoàn tất do vấp phải khiếu nại của bà Khốm, bà Gái.

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 24.12.2010, bà Trần Thị Tơ có làm đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân với nội dung: “Tôi có chồng và 4 người con (còn sống 3 người, 1 liệt sĩ). Tôi và chồng tự sống chung, tự thôi nhau trước ngày giải phóng đất nước. Chồng tôi đã chết, hiện tôi sống độc thân, hơn 40 năm qua không ai tranh chấp tài sản với tôi. Nay tôi xin xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên để bổ sung hồ sơ lập di chúc về phần đất của tôi đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDÐ số 01463 ngày 20.1.1994 (đứng tên riêng bà Tơ- NV)”.

Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh vào thời điểm đó đã ký “xác nhận tình trạng hôn nhân theo nội dung trên của bà Trần Thị Tơ là đúng”. Giấy xác nhận này là một trong những cơ sở quan trọng để Phòng Công chứng số 2 tỉnh Tây Ninh (trụ sở tại huyện Gò Dầu) chứng nhận di chúc của bà Tơ vào ngày 28.12.2010. Từ cơ sở tờ di chúc được công chứng, UBND huyện Trảng Bàng đã cấp đổi giấy chứng nhận QSDÐ từ bà Tơ sang bà Thớm với hình thức nhận thừa kế.

Bà Khốm, bà Gái không đồng ý về nội dung lẫn hình thức đối với tờ đơn xác nhận tình trạng hôn nhân của người mẹ quá cố. Cụ thể, đây là tờ đơn viết tay, không đáp ứng đủ một số điều khoản quy định trong đăng ký và quản lý hộ tịch tại mẫu “giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” được áp dụng chung vào thời điểm khoảng năm 2010- nhất là việc không có phần chữ ký của cán bộ Tư pháp hộ tịch trong giấy xác nhận, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh vẫn ký xác nhận vào đơn của bà Tơ.

“Vấn đề sai sót trong đơn xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ tôi còn thể hiện ở nội dung chưa đúng sự thật. Thực tế, mẹ tôi có ba đời chồng, ba dòng con, tổng cộng có sáu người con. Trong đó, mẹ tôi có ba người con trai chung với ông Phạm Văn Sứa, có hai con chung với ông Phan Văn Tình là hai người con gái Trần Thị Thớm và Trần Thị Khốm, có một con chung với ông Phạm Văn Khoái là Trần Thị Gái. Ngoài ra, ông Sứa còn có năm người con riêng với đời vợ sau và một người con nuôi”- bà Khốm cho biết.

Theo giải thích của bà Gái, mặc dù ông Sứa và con chung với bà Tơ đều đã chết, nhưng con riêng và con nuôi của ông Sứa vẫn còn. Có thể hiểu chi tiết hơn, phần tài sản hương hoả đang đề cập không chỉ của riêng bà Tơ, mà đây là tài sản chung của bà Tơ và ông Sứa. Những người có quyền đồng thừa kế phần tài sản của ông Sứa vẫn còn, các con gái của bà Tơ cũng có quyền tương tự về phần tài sản của mẹ. Việc bà Tơ khai chưa đúng sự thật trong đơn xác nhận tình trạng hôn để lập di chúc cho riêng bà Thớm là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ðến khiếu nại kéo dài

Bà Khốm và bà Gái cho hay, thật ra tài sản chung của ông Sứa và bà Tơ để lại đến gần cả 10.000m2 đất. Nhưng trước đây, phần tài sản này đã được bà Tơ và ông Sứa chia làm bốn phần. Theo đó, ba chị em Thớm, Khốm, Gái mỗi người đều được chia một phần. Riêng phần còn lại do bà Tơ quản lý sử dụng để làm hương hoả thờ cúng ông bà. Vào thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDÐ cho bà Tơ, có tài sản chung của hai vợ chồng nhưng chỉ để đại diện chủ hộ gia đình đứng tên. Lúc đó, ông Sứa đang sống chung với người vợ sau nên phần tài sản hương hoả để bà Tơ đứng tên.

“Cũng có thể vì lý do này, mà lúc chị Thớm còn sống thường tranh luận với hai em gái rằng: “Tài sản do mẹ Tơ đứng tên riêng, nên mẹ có quyền lập di chúc cho bất cứ ai. Hơn nữa, mọi thủ tục có liên quan đến di chúc đều đã được cơ quan Nhà nước xác nhận và công chứng hẳn hoi”. Thực tế, nhà thờ ông bà và mộ của mẹ chúng tôi đang nằm trên đất hương hoả. \

“Chị em tôi chỉ muốn giữ lại phần tài sản hương hoả để cho con cháu về sau thờ cúng ông bà, không ai được sang nhượng. Tuy nhiên, hiện vẫn phải chờ kết quả giải quyết từ phía cơ quan chức năng về việc yêu cầu huỷ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và huỷ di chúc. Tranh chấp càng trở nên căng thẳng, phức tạp, kéo dài...”- bà Khốm và bà Gái lo lắng.

Phần đất đang tranh chấp.

Chủ tịch UBND xã An Tịnh cho biết, xã có nhận được đơn khiếu nại của bà Khốm và bà Gái, sau đó có mời các bên lên hoà giải. Qua hai lần hoà giải không thành, xét thấy vấn đề tranh chấp đã vượt khỏi thẩm quyền, nên chính quyền địa phương đã hướng dẫn các đương sự nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Riêng việc bà Gái và bà Khốm cho rằng Phó Chủ tịch UBND An Tịnh (năm 2010) xác nhận “chưa đúng sự thật” tình trạng hôn nhân của bà Tơ cũng đã được xã chuyển hồ sơ lên huyện.

Ngày 17.1.2018, TAND huyện Trảng Bàng đã có Thông báo số 01 về việc trả lại đơn khởi kiện của bà Khốm và bà Gái. Theo đó, đối với yêu cầu huỷ di chúc, căn cứ quy định tại điểm a, khoản 1, Ðiều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Gò Dầu (do di chúc được công chứng tại  địa bàn huyện Gò Dầu- NV). Ðối với yêu cầu Toà án huỷ đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Trần Thị Tơ lại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hộ tịch. Theo quy định tại điểm h, khoản 1, Ðiều 70 Luật Hộ tịch, UBND huyện thực hiện việc quản lý Nhà nước về hộ tịch tại địa phương…

Ngày 14.9.2018, Văn phòng HÐND - UBND huyện Trảng Bàng có Văn bản số 164 về việc trả lời đơn và hướng dẫn cho bà Khốm, bà Gái. Cụ thể, việc yêu cầu UBND huyện Trảng Bàng huỷ bỏ giấy xác nhận mà UBND xã An Tịnh đã ký cho bà Trần Thị Tơ vào ngày 24.12.2010 không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện.

Trước đây, ngày 19.10.2017, Ban tiếp công dân của huyện đã trực tiếp hướng dẫn hai bà liên hệ cơ quan Toà án để được giải quyết theo thẩm quyền. Ðồng thời, TAND huyện Trảng Bàng cũng đã có thông báo chuyển đơn khởi kiện của các bà đến TAND huyện Gò Dầu để giải quyết theo đúng thẩm quyền... Lưu ý, việc hướng dẫn chỉ thực hiện 1 lần.

Ngày 27.9.2018, TAND huyện Gò Dầu có Thông báo số 249 thụ lý vụ án của bà Khốm và bà Gái về việc “Tranh chấp dân sự yêu cầu huỷ văn bản công chứng (di chúc) vô hiệu”. Theo ý kiến của ông Nguyễn Thành Luỹ- Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, Phòng Công chứng số 2 thuộc Sở Tư pháp quản lý. Kết quả xét xử của Toà vẫn là căn cứ chính để Sở Tư pháp xử lý cán bộ nếu có sai sót trong vụ việc đang đề cập.

Ông Trần Thanh Vũ- Chánh án TAND huyện Gò Dầu nêu ý kiến: “Việc xét xử vụ tranh chấp dân sự yêu cầu huỷ văn bản công chứng đúng là thuộc thẩm quyền của Toà án. Nhưng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Tơ là một cơ sở quan trọng để Phòng Công chứng số 2 làm căn cứ công chứng di chúc. Ðể giải quyết vấn đề này thuộc phạm vi của Luật Hộ tịch, mà UBND huyện Trảng Bàng là cơ quan có thẩm quyền.

Kết quả xử lý của huyện về tờ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đúng hay sai lại là căn cứ quan trọng để Toà án xét xử. Trường hợp huyện Trảng Bàng không làm rõ về giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Tơ, TAND huyện Gò Dầu vẫn sẽ phải chờ. Bởi nếu như Toà tuyên bản công chứng di chúc vô hiệu thì tờ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vẫn “còn sống”, việc này phát sinh mâu thuẫn”.

Như vậy, vấn đề khiếu nại của hai chị em bà Khốm là phải… chờ cấp nào có thẩm quyền xem xét giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bà Tơ, chứ không phải chờ tòa án xét xử.

QUỐC SƠN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục