Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Do bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành án dứt điểm, vẫn để tài sản trên đất tồn tại kéo dài. Việc này gây khó khăn cho chủ đầu tư hạ tầng KCN và đơn vị đầu tư mới khu chợ.
Lối đi bộ (bên phải giáp đường) đã được cho thuê bán hàng nên người đi chợ phải lưu thông dưới lòng đường.
Việc “tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản” giữa chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Chà Là và chủ đầu tư khu chợ tại đây (chủ cũ) đã được Toà án giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành án dứt điểm, vẫn để tài sản trên đất tồn tại kéo dài. Việc này gây khó khăn cho chủ đầu tư hạ tầng KCN và đơn vị đầu tư mới khu chợ. Bên cạnh đó còn phát sinh nhiều ý kiến từ phía tiểu thương và những người có liên quan.
Chợ tạm duy trì
Từ khi thành lập Khu công nghiệp Chà Là (KCN) tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, nhà đầu tư hạ tầng cho mở chợ tạm để giải quyết nhu cầu mua bán ở khu vực này. Trong quá trình hoạt động, khu chợ tạm phát sinh nhiều vấn đề không bảo đảm theo quy định thành lập chợ như cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy... Tình hình an ninh trật tự tại đây diễn biến phức tạp, nhất là “vấn nạn” hàng rong bên ngoài khu chợ, tiểu thương từng bỏ chợ ra đường trong KCN để buôn bán gây ách tắc giao thông...
Mặt khác, vào thời điểm đó, chủ đầu tư hạ tầng của KCN Chà Là là Công ty TNHH đầu tư Quốc tế (Công ty Quốc tế) phát sinh tranh chấp với Công ty TNHH TM DV Hoa Huy Hoàng - Chi nhánh Tây Ninh (Công ty Hoa Huy Hoàng) là chủ đầu tư khu chợ, về hợp đồng thuê đất để làm chợ và bãi giữ xe. Trước tình hình rối ren như trên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã họp bàn với các cơ quan liên quan, sau đó có thông báo gửi đến Công ty Hoa Huy Hoàng yêu cầu chấm dứt hoạt động chợ.
Thực tế, Công ty Hoa Huy Hoàng đã thu tiền thuê mặt bằng chợ của các tiểu thương, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Việc buôn bán tại đây vào thời điểm này rất bát nháo, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông. Nếu không có chợ, tình hình càng thêm phức tạp. Do vậy, UBND huyện Dương Minh Châu đã có công văn hoả tốc kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng tạm thời vẫn để khu chợ duy trì hoạt động.
Ngày 13.6.2019, UBND tỉnh có Công văn số 1219 thống nhất kiến nghị của UBND huyện; chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải sớm có giải pháp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tiểu thương, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Sau đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã có công văn đề nghị Công ty Quốc tế nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Sự thật, chợ KCN Chà Là đã được xây dựng và đưa vào hoạt động trong khi chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc khảo sát, kiểm tra hiện trạng, phát hiện nhiều vấn đề chưa được bảo đảm như đã nêu trên.
Công ty Hoa Huy Hoàng mới thừa nhận là có đến liên hệ các ngành chức năng để làm thủ tục xin cấp phép xây dựng nhưng... đã muộn. Sở Xây dựng không đồng ý cấp phép vì công trình chợ đã hoàn thành và đi vào hoạt động trước khi xin phép.
Trong khoảng thời gian chờ Toà giải quyết tranh chấp giữa Công ty Quốc tế và Công ty Hoa Huy Hoàng, nhiều tháng liền, tiểu thương buôn bán mà không bị thu tiền thuê mặt bằng, vì không có chủ chợ. Chợ như “rắn mất đầu”, tình hình an ninh trật tự phức tạp hơn. Việc này, phần nào cũng do hàng rong chủ động “đón đầu” nguồn khách chính là công nhân. Thế nên, tiểu thương mới đành bỏ chợ ra đường trong KCN cạnh tranh buôn bán.
Để giải quyết, Công ty Quốc tế tìm nhà đầu tư khác quản lý khu chợ, đó là Công ty TNHH tư vấn đầu tư Tây Ninh, do ông Nguyễn Văn Sáng làm Giám đốc. Từ khi ông Sáng về quản lý, nhiều biện pháp “cứng rắn” được áp dụng. Không ít lần xảy ra những vụ xô xát giữa lực lượng bảo vệ chợ, người bán hàng rong và tiểu thương (bỏ chợ ra đường buôn bán). Thậm chí có vụ dẫn đến đổ máu, án hình sự, nhiều người trong cuộc đến giờ vẫn chưa hết hoang mang.
Phát sinh nhiều ý kiến
Ngày 7.7.2020, một số tiểu thương và nhiều người có liên quan đến các vụ xô xát đồng loạt phản ánh một số nội dung chưa hợp lý. Cụ thể, có tiểu thương cho rằng, từ khi ông Sáng về quản lý khu chợ đã áp dụng việc thu tiền đối với phần diện tích mặt bằng dành riêng cho người đi bộ là không hợp lý.
Phần diện tích lối đi này có chiều ngang khoảng 1,5m, chiều dài đến hết một bên mặt tiền đường giáp với bến xe đưa đón công nhân. Trước đây, Công ty Hoa Huy Hoàng không thu tiền của tiểu thương về phần lối đi trên, nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người đi chợ và người tham gia giao thông trên đường.
Một tiểu thương khác nói rõ: “Công ty Hoa Huy Hoàng không thu tiền lối đi dành cho người đi bộ, nhưng đã “bán đứt” các vị trí mặt bằng giáp với lối đi cho tiểu thương, đương nhiên tiểu thương phải được hưởng lợi về khoảng không gian này.
Việc ông Sáng tiến hành thu thêm khoản phí phần diện tích lối đi bộ như hiện nay là bất lợi cho tiểu thương, cũng như không bảo đảm an toàn giao thông. Nhân viên của Công ty TNHH tư vấn đầu tư Tây Ninh nói, nếu tiểu thương nào không chịu đóng thêm khoản phí này thì chủ chợ sẽ cho người khác thuê mặt bằng (phần lối đi) ngay trước mặt tiền đó, nên hầu hết các tiểu thương đều “ngậm bồ hòn” mà đóng phí phát sinh”.
Một tiểu thương khác cho rằng, ngôi chợ hiện đang tồn tại với nhiều cái không như: không giấy phép kinh doanh, không giấy phép xây dựng, nhiều chỗ không có máng xối che nước mưa, không bảo đảm vệ sinh môi trường khi nguồn nước cung cấp cho chợ lại lấy từ giếng khoan gần với hầm cầu nhà vệ sinh, không biên lai thu tiền điện (với giá 4.000 đồng/kW), không trang bị bình chữa cháy tại nhiều sạp bán hàng dễ cháy như quần áo, giày dép (tại thời điểm quan sát vào ngày 9.7.2020).
Chợ đang hoạt động với nhiều cái không như vậy nhưng đã thu tiền của tiểu thương từ nhiều năm qua liệu có hợp lý? Bên thu tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế như thế nào khi chưa được cấp giấy phép kinh doanh?
Về nội dung phản ánh có liên quan đến tình hình an ninh trật tự, ông Võ Ngọc Long, ông Trương Công Định (cùng ngụ ấp Bình Linh, xã Chà Là) cho biết, hai ông đã bị bảo vệ chợ KCN Chà Là đánh đập gây thương tích.
Sự việc đã được trình báo lên Công an xã và Công an huyện cách nay đã lâu, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả xử lý dứt điểm. Ngoài ra, còn có trường hợp của ông Trương Công Hậu, cùng ngụ địa phương phản ánh không đồng ý với kết quả của bản án hình sự sơ thẩm, khi trước đó ông đã bị 4 bảo vệ chợ đánh đập gây thương tích đến 15%. Thêm nữa, chị Lê Thị Thanh Thuý là vợ của anh Định cũng bức xúc kể về việc bị nhóm bảo vệ chợ hành hung trên xe máy cày khi xử lý việc chị bán hàng rong...
Trở lại vấn đề tranh chấp giữa Công ty Quốc tế và Công ty Hoa Huy Hoàng. Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 07 ngày 27.12.2019 của TAND tỉnh, về việc “tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản” đã tuyên buộc Công ty Hoa Huy Hoàng phải trả cho Công ty Quốc tế số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Hoa Huy Hoàng còn phải có nghĩa vụ tự tháo dỡ, di dời toàn bộ tài sản trên đất để trả lại đất đã thuê cho Công ty Quốc tế... Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực thi hành, Công ty Hoa Huy Hoàng bỏ mặc tài sản trên khu đất chợ, không tự nguyện thi hành án dứt điểm. Việc này, gây khó khăn cho Công ty Quốc tế.
Ông Lê Anh Tú- Giám đốc điều hành Công ty Quốc tế cho hay, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực từ khá lâu, bên phía Công ty Hoa Huy Hoàng để tài sản kéo dài trên đất, trong khi chợ KCN Chà Là vẫn phải bảo đảm duy trì hoạt hoạt động theo chủ trương của tỉnh, huyện.
Chợ không thể vắng người quản lý, Công ty Quốc tế đã chính thức ký hợp đồng cho Công ty TNHH tư vấn đầu tư Tây Ninh của ông Sáng thuê đất để kinh doanh chợ (hợp đồng được ký vào ngày 1.2.2020 với thời hạn là 10 năm - P.V). “Công ty Quốc tế chỉ cho thuê đất theo quyền hạn được UBND tỉnh cấp, không liên quan đến tài sản trên đất”- ông Tú nói.
Có thể chính vì lý do mà ông Tú vừa nêu, nên tại Điều 1 trong hợp đồng cho thuê đất giữa Công ty Quốc tế và công ty của ông Sáng có phần nội dung thể hiện: “mặt bằng trống không có bất kỳ tài sản nào”.
Trên thực tế, mặt bằng chợ không trống, tài sản của Công ty Hoa Huy Hoàng trên đất vẫn tồn tại. Từ đó, có tiểu thương thắc mắc, việc ông Sáng đang “tận dụng” tài sản là công trình của Công ty Hoa Huy Hoàng trên đất để kinh doanh chợ, thu tiền của tiểu thương hằng tháng như đang diễn ra là có hợp lý hay không? Trường hợp nếu một ngày nào đó Công ty Hoa Huy Hoàng bất ngờ đến tháo dỡ công trình trên đất như bản án đã tuyên thì tiểu thương phải làm sao?
Minh Quốc
(còn tiếp)