Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Miền sông nước Tây Nam Bộ với kênh rạch chằng chịt đã sản sinh ra một nét văn hóa đặc thù: Chợ nổi. Chợ họp trên sông với hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân giữa một vùng sông nước bao la.
Miền sông nước Tây Nam Bộ với kênh rạch chằng chịt đã sản sinh ra một nét văn hóa đặc thù: Chợ nổi. Chợ họp trên sông với hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân giữa một vùng sông nước bao la.
Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Trên mỗi ghe, thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán, cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng, tấp nập thương lái đến mua hàng. Mỗi chiếc ghe, thuyền là một gia đình "lưu động" trên sông, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên đó, có gia đình trải qua nhiều đời lênh đênh trên vùng sông nước, người ta gọi họ là đời thương hồ.
Các chợ nổi lớn của miền Tây như: Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Bảy, Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)... Ngày nay, dù giao thông đường bộ ngày càng phát triển, song chợ nổi vẫn tồn tại, giữ được sức sống mãnh liệt và trở thành nét văn hóa độc đáo hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Cùng góp mặt làm nên sức sống của chợ nổi vùng châu thổ Cửu Long là chợ nổi Cà Mau. Những năm trước, chợ nổi Cà Mau họp ngay tuyến sông gần Gành Hào, do vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, chợ được dời về phía hạ lưu thuộc địa bàn Phường 7 - TP. Cà Mau. Không chỉ cung cấp hàng hóa nông sản cho nhu cầu của người thành phố, người thương hồ trên sông nước Cà Mau còn đi nhỏ lẻ xuống tận các huyện vùng sâu, vùng xa.
Nằm bên cạnh chợ Phường 7, chợ nông sản lớn của TP. Cà Mau, chợ nổi vẫn thu hút lượng khách đến "ăn" hàng, tạo nên nét đẹp dân dã chấm phá giữa lòng đô thị hiện đại.
K.D (st)