Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chợ phiên Rằm tháng Tám
Thứ ba: 10:24 ngày 21/09/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chợ phiên Rằm tháng Tám là tên gọi do một số người dân ở khu vực gần Toà thánh dùng để chỉ phiên chợ mỗi năm chỉ diễn ra một lần, từ ngày 13 - 16.8 âm lịch.

Chợ phiên Rằm tháng Tám là tên gọi do một số người dân ở khu vực gần Toà thánh dùng để chỉ phiên chợ mỗi năm chỉ diễn ra một lần, từ ngày 13 - 16.8 âm lịch, trải dài trên con đường đất đỏ phía ngoài hàng rào Toà thánh, từ cửa số 10 đến cửa số 12 (thuộc xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành). Chợ chỉ diễn ra trong thời gian 4 ngày, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. 

Phiên chợ chỉ chính thức bắt đầu vào sáng ngày 13.8 âm lịch. Trước đó một hai ngày, nhiều người đã chở cây, ván đến đây để đóng sạp, che lều. Một số tiểu thương còn thuê cả rạp sắt dựng dọc hai bên đường để làm nơi buôn bán. Hàng hoá ở đây cũng khá phong phú. Hầu hết là quần áo, giày dép, thức ăn chay, bánh kẹo, hàng mỹ nghệ, lưu niệm. Còn có các mặt hàng đặc sản của Tây Ninh như các loại bánh tráng, muối tôm, muối ớt, mãng cầu, chảo nhôm, chổi lông gà… Khu chợ còn có những quầy bán thức ăn chay, nước giải khát.

Tiểu thương đến đây buôn bán là những người dân trong và ngoài tỉnh. Anh Thuận, 38 tuổi, quê tận ở Hải Phòng, đem những mặt hàng xoong, chảo làm bằng nhôm được sản xuất từ Hà Nội vào đây bày bán. Anh cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi đem hàng từ miền Bắc vào bán thử. Hôm qua đến nay đã có một số người mua. Bà con các tỉnh miền Tây rất thích mặt hàng này. Có người vừa mua xong bộ nồi 6 cái, lúc sau đi chợ, thấy xoong, nồi lại mua nữa”. Ngoài các mặt hàng nhôm Hà Nội, anh Thuận cũng mua thêm một số loại chảo nhôm liền quai được sản xuất tại Tây Ninh để phục vụ du khách.

Sư cô Hạnh Hoằng ở chùa Thường Chiếu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thì đem đến phiên chợ những món ăn chay do chùa sản xuất: tương hột, chao, kẹo me, mứt khoai, chuối phơi khô, cốm dẹp... Giá bán các mặt hàng này không cao lắm và phù hợp với nhu cầu ăn chay trong những ngày rằm nên có khá nhiều khách hàng đến mua. Sư cô vui vẻ kể: “Tôi đã bán ở đây nhiều năm rồi, hầu như năm nào cũng bán hết hàng”.

Một góc Chợ phiên Rằm tháng Tám

Có vẻ bán đắt nhất là các mặt hàng đặc sản Tây Ninh. Tại quầy bánh tráng và các loại muối của một chị tên Phượng luôn có nhiều du khách đến hỏi mua. Chị Phượng cho biết: “Các loại bánh tráng này do gia đình sản xuất, còn các loại muối và kẹo đậu phộng thì tôi mua của người khác để bán lại. Khi mua bánh tráng, du khách thường hỏi mua thêm muối, kẹo đậu phộng về làm quà. Từ sáng tới giờ cũng bán được kha khá. Thấy đặc sản của tỉnh mình được nhiều người ưa thích tôi rất vui”. 

Chúng tôi gặp gỡ một số du khách, nhiều người tỏ ra hứng thú khi đi mua sắm ở phiên chợ nhỏ này. Bà Mười và gia đình ở Đồng Tháp đi một vòng quanh chợ, mua được khá nhiều hàng tiêu dùng. Bà nói: “Gia đình tôi không theo đạo Cao Đài, nhưng hầu như năm nào tôi cũng dắt con cháu về Toà thánh cho chúng tham quan, du lịch và hầu như lần nào tôi cũng dành thời gian đến khu chợ này mua bánh kẹo, hàng hoá về làm quà”.

Ngoài khách xa, chúng tôi còn thấy có không ít người dân trong tỉnh cũng tìm đến đây mua sắm. Anh Phúc, một cán bộ ở huyện Châu Thành khoe vừa mua được một cối xay tiêu rất đẹp. Anh đang lựa mua thêm một số loại dao bào, dao thái thịt loại siêu bén về cho gia đình sử dụng. Anh Phúc chia sẻ: “Các vật dụng này là hàng cao cấp nhưng giá cả chấp nhận được. Bình thường muốn mua những vật dụng này phải vào các siêu thị, rất xa xôi, phiền phức. Còn ở đây, hàng hoá bày bán thuận tiện cho người mua”.

Tuy nhiên, khu chợ này có dáng vẻ quá tạm bợ và khá hẻo lánh nên không phải người nào cũng biết.

Chợ không có cổng, đường đi lại cứ mưa là sình lầy. Tiểu thương thuê mặt bằng và tự dựng lều, kê sạp, quang cảnh còn khá xập xệ. Nếu được quan tâm, đầu tư thêm thì có thể khu chợ này cũng trở thành một nét văn hoá riêng của Tây Ninh. 

Phải thừa nhận, khu chợ phiên Rằm tháng Tám là thành quả đáng khích lệ của lực lượng giữ gìn an ninh trật tự xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành và của tỉnh. Còn nhớ, khoảng 5 năm về trước, cứ mỗi dịp Rằm tháng Tám, người buôn bán bày biện tràn lan khắp nơi. Tập trung đông nhất là trên lề đường Cách Mạng Tháng Tám (khu vực từ cửa Hoà Viện đến cửa số 2). Việc buôn bán như thế gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Các ngành chức năng đã phải vất vả lắm mới sắp xếp, tập trung được các hoạt động tại khu vực chợ phiên này.

ĐẠi Dương

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục