Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Điều tra theo phản ánh bạn đọc:

Chợ phường Ninh Sơn đang hoạt động theo mô hình nào?

Cập nhật ngày: 09/01/2016 - 06:00

Nền nhà lồng chợ Ninh Sơn cũ.

CHỢ CÔNG HAY TƯ ?

Ông Nguyễn Văn Hoàng– nguyên là cán bộ UBND xã Ninh Sơn vào những năm 1980 – 1990 cho biết, trước đây chợ xã Ninh Sơn nằm ở vị trí sân bóng đá của xã hiện tại. Sau nhiều lần di dời chợ, đến khoảng năm 1985, một hộ dân đã tặng cho UBND xã một phần đất có diện tích hơn 1.000m2 nguyên là đất vườn cao su để thành lập chợ ở vị trí hiện nay.

Lúc đầu chỉ có vài chục hộ tiểu thương đến buôn bán, về sau kinh tế địa phương phát triển, dân cư ngày càng đông, phần diện tích chợ do xã lập không đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh. Do đó một cá nhân là ông H - người dân địa phương đã mua đất kế bên chợ làm nhà lồng, phân sạp cho tiểu thương có nhu cầu kinh doanh thuê.

Qua thời gian, diện tích chợ ngày càng được ông H mở rộng, trong đó đất công chỉ chiếm một phần nhỏ. Nhiều người thắc mắc, không biết chợ Ninh Sơn là công hay tư bởi thực tế việc quản lý, điều hành ngôi chợ đều do ông H thực hiện, ít thấy UBND phường “nhúng tay” vào (?).

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND phường Ninh Sơn cho biết, ngôi chợ Ninh Sơn được thành lập vào năm 1984 với diện tích khoảng 1.200m2. Khi mới thành lập, cơ sở của chợ còn hạn chế, chủ yếu là do các hộ kinh doanh tự xây dựng, che cất để mua bán. Đến năm 2004, chợ được tư nhân đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 3.500m2 để bảo đảm hoạt động kinh doanh. Hiện nay chợ có 148 hộ kinh doanh.

Theo báo cáo về tình hình hoạt động chợ Ninh Sơn từ khi xây dựng đến nay của UBND phường Ninh Sơn, từ năm 2008 đến tháng 12.2015, Tổ quản lý chợ thu nộp 7 triệu đồng/tháng cho UBND phường. Gần đây, UBND phường phối hợp cùng Đội thuế phường tiến hành khảo sát các hộ kinh doanh thuộc phạm vi chợ Ninh Sơn để đưa vào thu thuế nhưng chưa thực hiện được. Tổ quản lý chợ đã hợp đồng với Công ty CP công trình đô thị thu gom rác, bảo đảm chợ sạch, an toàn. Tổ quản lý chợ cũng đã trang bị các bình chữa cháy, các tiểu thương cũng được tập huấn về chữa cháy, bảo đảm ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Tuy nhiên, theo Đội trưởng Đội thuế phường Ninh Sơn, hiện nay việc thu thuế ở chợ này gặp nhiều khó khăn, do tiểu thương không hợp tác. Khi cán bộ Đội thuế đến làm việc, nhiều tiểu thương bỏ đi, không tiếp. Chỉ có ông H đến thu thì tiểu thương mới chịu nộp. Do đó, UBND phường đành chấp nhận phương án để cho ông H đi thu phí các tiểu thương, sau đó nộp lại cho UBND phường với mức cố định là 7 triệu đồng/tháng. Đội thuế đã nhiều lần đề nghị ông H kê khai nộp thuế đất phi nông nghiệp, nhưng đến nay ông H vẫn chưa thực hiện.

Cũng theo Đội trưởng Đội thuế, việc thất thu ngân sách ở chợ Ninh Sơn là rất lớn, vì có đến hàng trăm hộ kinh doanh, nhưng hiện chỉ có một số ít hộ là chịu nộp thuế. Trong khi đó, hằng tháng các tiểu thương đều trả tiền thuê mặt bằng cho ông H, đồng thời ông H còn kinh doanh luôn cả việc giữ xe ở chợ, nhưng hơn 10 năm qua vẫn chưa thực hiện bất cứ nghĩa vụ thuế nào đối với Nhà nước. Theo quy định pháp luật, ông H kinh doanh chợ, cho các hộ dân thuê mặt bằng thì phải nộp thuế.

Như vậy, chợ phường Ninh Sơn hiện là chợ “3 không”- không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, không có hồ sơ về môi trường. Đồng thời, lãnh đạo phường này cũng thừa nhận, do các sạp kinh doanh cất không có quy hoạch nên không có phương án phòng cháy chữa cháy, từ đó nguy cơ cháy nổ rất cao.

Riêng việc xử lý nước thải, ông H có đào hầm chứa nhưng không theo quy chuẩn của ngành môi trường. Do đó, dù chợ Ninh Sơn có hơn 1.000m2 đất công, nhưng thực tế đang hoạt động như một ngôi chợ tư nhân, không tuân theo một quy định nào của pháp luật.

LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ TÂY NINH NÓI GÌ ?

Ông Nguyễn Hữu Mỹ- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, UBND thành phố cũng thấy rõ những bất cập hiện đang xảy ra ở chợ phường Ninh Sơn, bởi chợ hoạt động không theo một mô hình nào theo quy định, dẫn đến việc thu thuế gặp rất nhiều khó khăn, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Chính quyền địa phương, ngành Thuế thành phố cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Lãnh đạo UBND Thành phố sẽ tiến hành làm việc với ông H trong thời gian tới để yêu cầu ông thành lập hợp tác xã chợ hay doanh nghiệp để kinh doanh chợ đúng quy định.

Lãnh đạo UBND phường Ninh Sơn cho biết, qua nhiều năm kinh doanh trong chợ, tiểu thương chỉ biết có ông H bởi ông là chủ chợ, có quyền quyết định trong việc cho họ kinh doanh hay không. Từ đó, tiểu thương không “biết” đến chính quyền địa phương. Trước đây, xã Ninh Sơn từng quy hoạch xây một ngôi chợ mới cách chợ hiện nay khoảng 200m. Tuy nhiên, sau khi chợ xây dựng xong, chính quyền nhiều lần kêu gọi di dời, nhưng chẳng có tiểu thương nào chịu đến chợ mới kinh doanh. Ngôi nhà lồng chợ xây xong, để lâu ngày bị hư hỏng, phải tháo bỏ. Do đó, phương án di dời các tiểu thương đến ngôi chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý đã bị phá sản đến nay.

Những con đường trong chợ Ninh Sơn ngày xưa rất rộng nhưng hiện nay đã bị lấn chiếm, bít gần hết.

Ông Mỹ cho biết thêm, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo UBND phường Ninh Sơn tiến hành rà soát và mở lại con đường vào chợ theo bản đồ địa chính, xử lý hành vi lấn chiếm đường để cất sạp kinh doanh. Song song đó, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát lại hồ sơ trước đây ông H đầu tư xây dựng chợ như thế nào, có được phép của cơ quan chức năng không.

Ngoài ra còn phải rà soát lại khu đất công (có nguồn gốc là vườn cao su) xem quy trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ như thế nào, cấp loại đất gì và có làm các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định hay không; đồng thời cũng cần phải rà soát lại quá trình hình thành, các thủ tục pháp lý thành lập trước đây để giải quyết đúng quy định pháp luật.

THIÊN TÂM