Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cùng gặp nạn do cá tôm chết nhưng người dân vùng vịnh Hà Tiên (Kiên Giang) như đang lâm vào cảnh “họa vô đơn chí” bởi đã hơn một tháng nghêu, cá lăn ra chết hàng loạt, đến nay họ vẫn chưa biết được nguyên nhân từ đâu.
Cá chết, nghêu chết, người dân chờ mãi không có câu trả lời về nguyên nhân - Ảnh: K.Nam
Điều này với họ cũng “khủng khiếp” chẳng khác gì như khi cá, nghêu chết xảy ra trước đó.
Tình trạng thủy sản chết hàng loạt không còn là chuyện lạ nữa. Nó xảy ra ở nhiều nơi và không ít cơ quan chức năng đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm, trước là trả lời cho dân biết, giải quyết hậu quả và sau là tìm biện pháp ngăn chặn tái diễn.
Về phía người dân, họ cần biết rõ nguyên nhân bởi hai lý do: được chính quyền hỗ trợ nếu do nguyên nhân khách quan, hoặc được đền bù nếu thủ phạm là một đơn vị nào đó xả thải sai quy định; và tổ chức lại sản xuất khi môi trường được khắc phục.
Cái này mới quan trọng, như ông Ong Vĩnh Kim - chủ nhiệm tổ hợp tác nông dân nuôi nghêu ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên (Hà Tiên) - nói: “Bà con đã mất vụ nghêu kéo dài khoảng 11 tháng, đâu chỉ mong được chính quyền hỗ trợ thiệt hại, mà còn muốn biết nguyên nhân làm thủy sản chết hàng loạt để khắc phục. Không rõ ràng sao dân dám nuôi tiếp, có gì phá sản như chơi”.
Dân Hà Tiên mong chờ là thế. Vậy mà họ lại không được may mắn như những người dân gặp cảnh cá tôm chết hàng loạt ở nơi khác. Các cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm ở Hà Tiên lại đưa ra các nhận định hoàn toàn khác nhau.
Cục Thú y nhận định có thể là do nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ trong khoảng 3 ngày dẫn đến hiện tượng thủy sản trúng độc chết hàng loạt.
Tổng cục Thủy sản thì cho rằng một loài tảo hiện diện với mật độ cao gây ra hiện tượng “nở hoa” làm thiếu oxy cục bộ vào ban đêm, dẫn đến thủy sản chết hàng loạt.
Còn Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang cho biết có phát hiện chất hoạt động bề mặt (chất thường sử dụng trong sản xuất xà bông, chất tẩy rửa, mỹ phẩm) có dấu hiệu cao hơn bình thường...
Lý giải về sự chậm trễ, bất nhất này, một lãnh đạo ngành nông nghiệp Kiên Giang thừa nhận do năng lực của các cơ quan chuyên môn ở địa phương này còn hạn chế, thiếu thốn trang thiết bị, nên phải nhờ các cơ quan ở trung ương hỗ trợ...
Đến nước này thì người dân đành chịu, chính quyền lúng túng, chỉ còn biết động viên người dân tiếp tục... chờ.
Sao mà chờ được! Nuôi trồng thủy sản phải theo mùa vụ, chậm vào vụ là đành treo niêu. Còn làm liều thả nuôi trở lại thì dễ bị phá sản vì không biết còn nguy hiểm gì đang rình rập người nuôi...
Một vụ nghêu cá chết hàng loạt xảy ra sau sự cố môi trường biển ở miền Trung chẳng lẽ chưa phải là nghiêm trọng hay vấn đề đáng quan tâm để các cơ quan, không chỉ của tỉnh Kiên Giang mà cả trung ương vào cuộc làm rõ?
Người dân thị xã Hà Tiên và huyện Kiên Lương bức xúc vì đang ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai của họ. Nhưng người quan tâm đến môi trường, chất lượng sống cũng không nguôi câu hỏi: vì sao cũng thủy sản chết hàng loạt nhưng vụ ở Hà Tiên, Kiên Giang lại bị thờ ơ như thế? Vậy thì sao lại bắt dân chờ?
Nguồn TTO