Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hai ngày đầu tiên thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các khu chợ, siêu thị, cửa hàng, quán ăn… vắng hẳn khách hàng, trong khi hàng hoá vẫn đầy ắp. Nhiều tiểu thương đóng cửa hàng, ngừng kinh doanh.
Cửa hàng Bách Hoá Xanh tại đường Châu Văn Liêm, phường IV, thành phố Tây Ninh chỉ có vài khách hàng đến mua sắm. Ảnh: Vũ Nguyệt
Sáng 2.4, chợ Long Hoa (thị xã Hoà Thành) vắng hoe, thưa thớt người mua bán. Nhiều ki-ốt kinh doanh quần áo, đồ chơi, vải… hầu như đã đồng loạt đóng cửa, số còn lại cũng chỉ bán cầm chừng.
Theo lời tiểu thương tại đây, phần lớn người dân ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc “cách ly toàn xã hội” nên đến chợ chỉ để mua nhu yếu phẩm hoặc mua hàng sỉ về bán tạp hoá. Tuy nhiên, vẫn còn tiểu thương, khách đi chợ không đeo khẩu trang.
Chủ ki-ốt bán quần áo Trinh Hạnh cho biết: “Từ sau tết, khi dịch bệnh bùng phát ở một số tỉnh, việc kinh doanh đã ế ẩm, khó khăn. Trong khoảng một tháng trở lại đây, buôn bán lại càng ế ẩm hơn. Đến ngày 1.4, Nhà nước thực hiện cách ly toàn xã hội thì khoảng 50-60% tiểu thương đã ngừng kinh doanh. Tại lô ki-ốt của tôi có 20 cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang, vải vóc, cũng chỉ có 2 tiệm mở cửa bán hàng mà cả ngày cũng không bán được món nào”.
Các tiểu thương tại chợ Long Hoa cũng bày tỏ mong muốn được cơ quan chức năng giảm thuế trong tình hình kinh doanh ế ẩm, khó khăn hiện nay.
Tại chợ phường IV, thành phố Tây Ninh, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra nhưng ít quầy hàng và khách mua hơn. Các mặt hàng thịt, cá, rau củ quả, gạo vẫn dồi dào, giữ giá ổn định, không tăng so với trước đó. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng phục vụ ăn uống tại chợ đã ngưng phục vụ tại chỗ, mà bán đem về hoặc phục vụ tiểu thương tại quầy hàng kinh doanh của họ.
Nhiều ki-ốt tại Trung tâm thương mại Long Hoa đóng cửa im lìm. Ảnh: Vũ Nguyệt
Tại các siêu thị Co.opMart, cửa hàng Bách Hoá Xanh, Vinmart+, hàng hoá vẫn dồi dào nhưng khách hàng đã giảm hẳn. Tại cửa hàng Bách Hoá Xanh trên đường Châu Văn Liêm (phường IV, thành phố Tây Ninh), sáng 2.4, khách vào mua sắm khá ít, chỉ khoảng 5-6 người trong khi hàng hoá trên các kệ rất nhiều. Theo nhân viên cửa hàng này, khách đến mua sắm 2 ngày nay đã giảm mạnh so với trước đó.
Tương tự, tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh, hàng hoá, lương thực, thực phẩm được chất đầy các kệ nhưng khách hàng đến mua sắm rất ít.
Nhiều quán ăn, quán nước đã tạm ngưng bán hoặc chuyển đổi sang hình thức bán cho khách mang đi hoặc giao hàng tận nơi. Các tấm biển “tạm nghỉ bán 2 tuần”, “chỉ bán mang đi” hoặc “giao hàng tận nơi” được dán quanh nhiều cửa hàng để thông báo về tình trạng hoạt động của quán.
Một chủ quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, quán của chị chuyên phục vụ khách hàng trẻ tuổi với thu nhập từ 700.000 - 1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vì chống dịch, vì sức khoẻ của cộng đồng nên quán của chị ngưng phục vụ khách hàng tại chỗ mà chuyển sang phục vụ mang đi hoặc giao hàng tận nơi khi khách hàng đặt từ 3 ly trở lên.
Nhiều hàng quán đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Minh Dương
Ở khu vực nông thôn huyện Châu Thành, nhiều khu chợ truyền thống cũng ế ẩm...
Buôn bán tại chợ Hoà Bình (xã Thành Long, huyện Châu Thành) gần 30 năm nhưng lần đầu tiên, bà V, chủ tiệm tạp hoá chứng kiến cảnh vắng lặng như hiện nay. Bà V cho biết, từ ngày 18.3, khi tỉnh ra thông báo đóng các cửa khẩu, đường mòn, lối mở với Campuchia thì khách đi chợ giảm đi rất nhiều. Đến ngày 1.4, khi chỉ thị của Thủ tướng có hiệu lực, lượng khách giảm chỉ còn bằng 1/10 so với bình thường.
Nhiều quán ăn, tiệm tạp hoá lớn trên địa bàn các xã Thành Long, Biên Giới của huyện Châu Thành cũng trong tình trạng ế ẩm. Tại các chợ truyền thống khu vực nông thôn, người dân đi chợ mua sắm hằng ngày đã giảm mạnh. Một số tiểu thương vì sợ dịch bệnh lây lan nên cũng tạm ngưng buôn bán.
Bà Trần Thị Mai, người dân xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành cho biết, cả nhà bà rất hạn chế ra ngoài, cần thiết lắm mới phải đi. Một tiểu thương tại chợ Hoà Bình cho hay, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, bà con tiểu thương và người dân tại đây thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn mỗi khi tiếp xúc với khách hàng. Bên cạnh đó, các tiểu thương thường xuyên nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi giao dịch.
Vũ Nguyệt - Minh Dương
Trong hai ngày thực hiện chủ trương cách ly toàn xã hội, bên cạnh bộ phận lớn các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng - chống dịch bệnh Covid-19, vẫn còn không ít người thiếu ý thức phòng - chống dịch. Nhiều người không đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi tiếp xúc với người khác; không giữ khoảng cách tối thiểu 2m trở lên. Đáng nói là, không ít thanh niên và trung niên tụ tập ăn nhậu tại nhà ở một số khu vực nông thôn, trong hẻm nội thị. Chính quyền địa phương cần quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở người dân để bảo đảm hiệu quả phòng - chống dịch bệnh Covid - 19 trong thời gian sớm nhất. Hoàng Thi |