Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chợ truyền thống “thất thế”
Thứ tư: 00:23 ngày 31/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chợ truyền thống là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hoá của người dân. Tuy nhiên, cách thức buôn bán lạc hậu, kỹ năng bán hàng của tiểu thương ít thay đổi khiến cho chợ truyền thống đang ngày càng mất đi sức hút trước các kênh phân phối hiện đại khác.

Sạp rau củ vắng khách.

8 giờ sáng, không khí mua bán bên ngoài chợ Long Hoa (thị xã Hoà Thành) tấp nập, nhưng trong nhà lồng chợ, những gian hàng lại thưa thớt người mua. Theo các tiểu thương, những năm gần đây, khách vào chợ mua sắm ngày càng ít; chỉ những gian hàng chuyên kinh doanh nhu yếu phẩm, bánh kẹo còn có thể “sống” được.

Chị Thuỷ- chủ một sạp quần áo cho biết: “Khoảng 1, 2 năm trở lại đây, sức mua giảm nhiều, người đi chợ chủ yếu dừng chân ngắm chứ ít khi mua. Phần do có nhiều cửa hàng quần áo giá rẻ và tâm lý của khách hàng hay so sánh giá cả, chất lượng giữa hàng chợ và hàng bày bán trong cửa hàng nên kinh doanh rất khó khăn”.

Tình trạng “đìu hiu” cũng diễn ra ở nhiều gian hàng tại chợ Tây Ninh. Không khó để thấy cảnh tiểu thương tụm năm tụm ba trò chuyện, người chơi game, có người thêu tranh chữ thập, có người còn ngủ để “giết thời gian”.

Chị Trà, kinh doanh mặt hàng giày dép tại chợ Tây Ninh đã ngót 10 năm nhưng chưa năm nào tình hình buôn bán lại ế ẩm như năm nay. Chị cho biết, có nhiều hôm, mở quầy cả ngày mà không bán được.

Chị Trà chia sẻ: “Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập của người dân giảm, trong khi đó, ngày càng có nhiều người kinh doanh, bán hàng qua mạng giá thấp hơn ở chợ vì không phải chịu các loại thuế phí… nên người đến chợ mua hàng cũng giảm.

Chợ bây giờ chỉ đông vào lúc sáng sớm và buổi xế chiều do người dân mua đồ ăn. Còn tiểu thương bán quần áo, giày dép, túi xách… như chúng tôi ế lắm, lên chợ mở quầy cho đỡ buồn, bán cho một vài khách quen, chứ khách mới gần như không có”.

Còn chị Nguyễn Thị Tuyển, buôn bán thuỷ hải sản tại chợ Tây Ninh cho hay, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chị đã chọn lựa hàng kỹ hơn khi nhập hàng, trang bị thêm thùng sục khí oxy để giữ tôm sống, cua biển thì không trói dây vải… nhưng khách đến mua vẫn giảm đáng kể.

Tình trạng thưa người, vắng khách tại các chợ truyền thống diễn ra khoảng 2 năm trở lại đây. Ngoài nguyên nhân chính do dịch bệnh, thu nhập người dân giảm, chợ truyền thống còn phải đối mặt với nhiều "đối thủ" cạnh tranh như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… hoạt động ngày càng nhiều; chợ tự phát bán giá thấp và khá tiện lợi khi mà người mua chỉ cần dừng xe bên đường để mua hàng.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng “ngại” mua hàng tại các chợ truyền thống do vẫn có tiểu thương "hét" giá quá cao so với giá trị thực của sản phẩm, khách hàng có tâm lý e dè, sợ bị mua “hớ”. Ngoài ra, tình trạng chợ quá tải, xuống cấp, điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm tốt, không gian mua bán chật hẹp… đã làm người dân ít đến với chợ truyền thống.

Ðể chợ truyền thống phát huy đúng vai trò, trở thành một kênh quan trọng trong tiêu thụ hàng hoá, cơ quan chức năng cần có những biện pháp nâng cấp chợ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh văn minh để nâng cao sức cạnh tranh của chợ với những kênh bán lẻ hiện đại. Ðồng thời, tiểu thương cần đổi mới tư duy và phương hướng kinh doanh nhằm thu hút người tiêu dùng...

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục